Lực lượng chính phủ đoàn kết Libya chiếm cảng thành trì của IS

Các lực lượng liên minh với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng tại nơi được coi là thành trì của IS tại đất nước Bắc Phi này.
Lực lượng chính phủ đoàn kết Libya chiếm cảng thành trì của IS ảnh 1Quân chính phủ đoàn kết dân tộc Libya. (Nguồn: AFP)

Ngày 10/6, các lực lượng liên minh với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya cho biết đã giành quyền kiểm soát bến cảng của thành phố Sirte, qua đó tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng tại nơi được coi là thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại đất nước Bắc Phi này.

Các lữ đoàn gồm chủ yếu các chiến binh từ thành phố Misrata đã tiến đến vành đai trung tâm thành phố Sirte trong tuần qua, sau khi mở một cuộc phản công chống lại IS hồi tháng trước và đẩy nhóm phiến quân này rút về dọc tuyến đường ven biển giữa hai thành phố.

Những lữ đoàn này là lực lượng tham gia chiến dịch do Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc bảo trợ, thực hiện.

Trong cuộc giao tranh tại Sirte ngày 11/6, 11 binh sỹ đã thiệt mạng và 35 người bị thương. Kể từ khi chiến dịch giành lại thành phố Sirte bắt đầu hồi đầu tháng 5 vừa qua, hơn 100 chiến binh thuộc các lữ đoàn do GNA hậu thuẫn đã bị thiệt mạng và hơn 500 chiến binh khác bị thương.

Trong khi các lữ đoàn có căn cứ tại Misrata đã tiến vào thành phố Sirte từ phía Tây thì một lực lượng khác ủng hộ GNA đã đẩy lui IS từ phía Đông. Lực lượng này ngày 9/6 đã tiến tới thị trấn Harawa, cách Sirte khoảng 70km.

 ​

Libya rơi vào tình trạng bất ổn triền miên kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đầu năm 2011.

Tại quốc gia Bắc Phi này tồn tại song song hai chính quyền đối địch, một chính quyền được lực lượng Hồi giáo vũ trang hậu thuẫn, đặt căn cứ tại thành phố Tripoli, và một chính quyền được quốc tế công nhận, đặt tại thành phố cảng Đông Bắc Tobruk.

Lợi dụng sự bất ổn này, IS tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ.

Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, một chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) nhằm thay thế các chính quyền nhỏ lẻ và đối địch, đã hình thành tại Tripoli hồi đầu năm nay và đang nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước.

Liên minh châu Âu và các nước phương Tây tích cực hậu thuẫn GNA, hy vọng chính phủ này có thể đoàn kết đất nước Libya để chống IS, cũng như ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp từ nước này tràn vào châu Âu.

Tuy nhiên, quốc hội tại Tobruk tới nay vẫn từ chối tiến hành bỏ phiếu công nhận tiến trình này./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục