Lực lượng chống khủng bố các nước Sahel bắt đầu hoạt động

Lực lượng Barkhane chống thánh chiến của Pháp tại Sahel (lên đến 4.000 binh lính) sẽ hỗ trợ quân G5 Sahel triển khai trong giai đoạn đầu tiên này với các hoạt động tham vấn và huấn luyện về không quân
Lực lượng chống khủng bố các nước Sahel bắt đầu hoạt động ảnh 1Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita trong ngày khánh thành trung tâm chỉ huy lực lượng chống khủng bố của các nước G5 Sahel 
 ngày 9/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, lực lượng chống khủng bố chung của các nước Sahel (G5 Sahel, bao gồm Cộng hòa Chad, Burkina Faso, Mauritanie, Mali, và Niger) ngày 11/11, đã bắt đầu các hoạt động đầu tiên tại khu vực biên giới chung đầy bất ổn giữa Mali, Burkina Faso và Niger.

Lực lượng Barkhane chống thánh chiến của Pháp tại Sahel (lên đến 4.000 binh lính) sẽ hỗ trợ quân G5 Sahel triển khai trong giai đoạn đầu tiên này với các hoạt động tham vấn và huấn luyện về không quân và hỗ trợ của pháo binh từ một căn cứ thuộc vùng In-Tillit (miền Trung Mali).

Theo Trung tá Marc-Antoine, chiến dịch đầu tiên - với tên gọi Hawbi, được coi là sự biểu dương lực lượng để tìm lại chỗ đứng trong một khu vực mà các nước G5 đã bỏ quên, thuộc biên giới chung giữa Mali, Burkina Faso và Niger, nơi mà sự tự do đã bị các phong trào thánh chiến chiếm đóng từ nhiều tháng qua.

Mục tiêu cuối cùng là giúp các lực lượng G5 có đủ khả năng để tự thiết lập lại sự ổn định tại khu vực biên giới chung giữa các nước.

[Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng ở Sahel đang rất "thảm khốc"]

Lực lượng liên quân dự kiến sẽ đạt đến quy mô 5.000 binh lính vào tháng 3/2018, chia thành 7 tiểu đoàn, trong đó 4 cho Mali và Niger, 3 cho Chad, Burkina Faso và Mauritanie. Các binh sỹ sẽ không bố trí lẫn với nhau, ngoại trừ một số sỹ quan liên lạc.

Cơ chế hợp tác chung mới này hướng đến lấp đầy các khoảng trống trong các thỏa thuận quân sự quốc gia và đa quốc gia tại khu vực Sahel, phía Nam Sahara.

Đây là một trung tâm quan trọng đối với các nhóm cực đoan, đặc biệt kể từ khi Libya rơi vào sự hỗn loạn năm 2011.

Nhóm khủng bố Boko Haram đã lớn mạnh ở Nigeria và các nhóm thánh chiến khác có liên quan đến al-Qaeda đã chiếm giữ miền Bắc Mali vào năm 2012./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục