Lực lượng lao động tại ĐBSCL đã có sự chuyển dịch rất lớn

Thời gian qua lực lượng lao động trong khu vực ĐBSCL đã có sự chuyển dịch rất lớn đến các vùng công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương... để làm ăn, sinh sống.
Lực lượng lao động tại ĐBSCL đã có sự chuyển dịch rất lớn ảnh 1Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Chiều ngày 4/8, tại thành phố Cần Thơ, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ông Đinh Văn Cương, Phó Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về tình hình thực hiện chính sách xã hội và thực trạng di cư tự phát vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về vấn đề di dân trong vùng, ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, cùng với sự phát triển công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, thì thời gian qua lực lượng lao động trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuyển dịch rất lớn đến các vùng công nghiệp như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... để làm ăn, sinh sống.

Theo ông Xuân, vấn đề di dân tự phát trong vùng là vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện tại vùng vẫn chưa thể tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế về vấn đề di dân tự phát nên chưa có nhiều thông tin để đánh giá chính xác về vấn đề này.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo bàn về thực trạng di dân tự phát để tìm ra giải pháp bố trí dân cư theo hướng phát triển bền vững.

Báo cáo với Đoàn công tác, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, thời gian qua, công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân nhất là đồng bào dân tộc Khmer, Chăm được cải thiện.

Trung bình mỗi năm, toàn vùng giải quyết việc làm đạt bình quân trên 331.000 lao động; đã cơ bản hoàn thành nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện và khu vực liên huyện, tỷ lệ trạm y tế trong vùng có bác sỹ phục vụ chiếm 71%, đạt tỷ lệ 5,7 bác sỹ/vạn dân.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt trên 87%; các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường dân tộc nội trú, hiện toàn vùng có 26 trường với 7.500 học sinh theo học.

Đặc biệt, thông qua các hình thức vận động, nhiều địa phương như Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre và Kiên Giang đã huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội hàng ngàn tỷ đồng để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo vì hiện toàn vùng hiện còn trên 65.700 hộ có nhu cầu bức xúc về nhà ở...

Thay mặt đoàn công tác, Phó Ban Kinh tế Trung ương Đinh Văn Cương đánh giá cao những thành tựu mà vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt được trong thời gian quan về thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân trong vùng.

Ban Kinh tế Trung ương đề nghị thời gian tới, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các địa phương trong việc chăm lo cho người nghèo như cấp miễn phí và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà cho hộ nghèo; đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; hỗ trợ xuất khẩu lao động...

Đặc biệt là công tác phối hợp với các địa phương triển khai các chính sách, chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước cho đồng bào dân tộc.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục