Lùi việc xét duyệt hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu sang 2016

Lùi việc xét duyệt hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam sang 2016

Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ không có tên trong danh sách xét duyệt di sản văn hóa phi vật thể năm 2015 của Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Lùi việc xét duyệt hồ sơ tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam sang 2016 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ không có tên trong danh sách xét duyệt di sản văn hóa phi vật thể năm 2015 của Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Thay vào đó, thời gian xét duyệt hồ sơ này sẽ lùi lại đến năm 2016.

Lý do được đưa ra là, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” không thuộc nhóm hồ sơ ưu tiên xét duyệt của của Ủy ban Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO trong năm 2015.

Theo thông báo của ủy ban này, trong năm 2015, UNESCO sẽ chỉ xét duyệt 50 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhóm những trường hợp ưu tiên.

Cụ thể, những trường hợp ưu tiên bao gồm: các quốc gia chưa có di sản nào được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, các hồ sơ đa quốc gia, các quốc gia có số lượng di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới còn ít.

Trong khi đó, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh (tám di sản). Bởi vậy, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ chuyển sang đợt xét duyệt năm 2016.

Tuy nhiên, để hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được xét duyệt vào năm 2016, Việt Nam cần điều chỉnh hồ sơ theo mẫu quy định cho năm 2016 của UNESCO.

Trước đó, vào tháng 3/2014, Việt Nam đã chính thức đệ trình UNESCO hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” xét đăng ký vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2015.

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời từ trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, cường quyền đè nén và nạn ngoại xâm tàn bạo, có một mối gắn bó rất tự nhiên với người dân lao động.

Tín ngưỡng này hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Đây là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với nhiều hình tượng người phụ nữ là các nhân vật lịch sử hoặc được lịch sử hóa như Thánh mẫu Liễu Hạnh, Quốc mẫu Âu Cơ, Vương Mẫu (tương truyền là người mẹ của Thánh Gióng), Linh Sơn Thánh Mẫu.../.

Tám di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng (2010), Hoát Xoan (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử (2013).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục