Lúng túng khi thắng cảnh bị "làm thịt"

Tại khu thắng cảnh Ngũ Động-Thi Sơn (tỉnh Hà Nam), UBND tỉnh Hà Nam vừa phê duyệt quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, lại vừa cho phép khai thác khoáng sản.
Quy hoạch chi tiết Ngũ Động-Thi Sơn và vùng phụ cận đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt tại quyết định số 353/1999/QĐ-UB ngày 13/4/1999 gồm có 3 điểm: Đền Trúc - Ngũ động Thi sơn; chùa Bà Đanh - Núi Ngọc và Hang Luồn (Động Thuỷ) thuộc địa phận 3 xã Thi Sơn, Ngọc Sơn và Liên Sơn huyện Kim Bảng.

Quy hoạch chồng lên quy hoạch

Cùng với việc được quy hoạch thì các di tích, thắng cảnh trên cũng đã được phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn. Những năm qua UBND tỉnh đã cho phép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch tại 2 điểm Ngũ Động-Thi Sơn và chùa Bà Đanh. Riêng điểm du lịch Hang Luồn theo quy hoạch sẽ được đầu tư hạ tầng và dịch vụ ở giai đoạn 2010-2015.

Ngành văn hoá thể thao và Du lịch cũng đã triển khai công tác tuyên truyền quảng bá với du khách trong nước và ngoài nước về điểm du lịch sinh thái độc đáo này để kêu gọi các nhà đầu tư, đồng thời làm việc với UBND huyện Kim Bảng và cung cấp tài liệu quy hoạch du lịch cho ngành Tài nguyên môi trường biết để có kế hoạch khai thác đá phù hợp nhằm mục đích phối hợp quản lý điểm du lịch trên.

Mặt khác tại khu vực có thắng cảnh Hang Luồn- Ao Dong ngay từ năm 2001, Sở Công nghiệp đã phối hợp cùng sở Văn hoá và Thông tin, chính quyền huyện Kim Bảng và xã Liên Sơn ký cam kết khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản dưới hình thức phiếu thu. Trong phiếu thu đã được ký ghi rõ: khu vực quần thể Hang Luồn - Ao Dong có toạ độ trung tâm (cửa hang x 2271692 và 0590062) nằm trong dự án quy hoạch du lịch thương mại có diện tích 10.000 m2; vị trí hành chính thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam quản lý là khu vực cấm khai thác khoáng sản vì có di tích danh lam thắng cảnh.

Tuy nhiên cũng tại khu vực này đã có một quy hoạch khác do ngành tài nguyên môi trường thực hiện và cũng lại được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt cho phép khai thác khoáng sản. Đây chính là lý do vì sao có tới 3 công ty khai thác đá được cấp phép khai thác đá tại nơi đã bị cấm khai thác khoáng sản do có danh lam thắng cảnh đã được quy hoạch.

Giải thích về việc này ông Vũ Ngọc Liễn, trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và trường tỉnh Hà Nam cho biết: khi quy hoạch khai thác khoáng sản và tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh cấp phép cho các đơn vị vào khai thác khoáng sản tại khu vực Hang Luồn - Ao Dong chúng tôi đã sơ xuất “không để ý” đây là khu vực đã có quy hoạch phát triển du lịch!

Thậm chí ông Liễn còn nhấn mạnh: nếu biết khu vực này đã có quy hoạch phát triển du lịch chúng tôi sẽ chẳng dại gì quy hoạch khai thác khoáng sản và cấp phép cho các đơn vị khai thác! Tuy nhiên khi tìm đọc được bản Quy hoạch khoanh vùng loại khoáng sản chủ yếu làm cơ sở cho việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên tỉnh Hà Nam” năm 2005 chúng tôi lại thấy ghi: khu vực Hang Luồn (C.8) thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng có diện tích 720.300 m2 nằm trong các vùng cấm, tạm cấm hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản vì ảnh hưởng tới môi trường, khu dân cư, sông ngầm, hồ nước.

Một điều lạ hơn nữa là không hiểu vì lý do gì khi được xin ý kiến thẩm định về việc khai thác khoáng sản tại khu vực núi Nhà dê thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng của các đơn vị được cấp phép khai thác thì cả Sở văn hoá và thông tin (cũ), Sở thương mại và Du lịch (cũ) đều có công văn trả lời như sau: Sơ đồ vị trí của khu vực Núi Nhà Dê thuộc xã Liên Sơn nằm ngay phía sau điểm du lịch Hang Luồn-Ao Dong nhưng không ảnh hưởng tới điểm du lịch trên.

Thậm chí tại công văn trả lời của Sở văn hoá và thông tin (nay là sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) lại khẳng định: trên diện tích khai thác (14ha) núi Nhà Dê được xác định bởi các điểm 1,2,3,4 không có di tích lịch sử, văn hoá và thắng cảnh ? Từ cách trả lời trên đã cho thấy một nghịch lý khó giải thích vì nếu hiểu như các công văn trả lời trên thì hoá ra quần thể thắng cảnh Hang Luồn- Ao Dong chỉ được quy hoạch mỗi phần lõi còn cảnh quan xung quanh và vùng đệm để phát triển du lịch cứ tự nhiên thoải mái “phá”?.

Quy hoạch nào cần phải bỏ?


Khi có những thông tin về việc khai thác đá xâm phạm đến tài nguyên du lịch và phá vỡ môi trường tại điểm du lịch Hang Luồn, ngày 17/6/2009, các ngành chức năng của tỉnh Hà Nam đã phối hợp với huyện Kim Bảng và xã Liên Sơn tổ chức kiểm tra thực tế và lập biên bản xác định hiện trạng tình hình như sau: hiện nay có 3 công ty gồm Công ty TNHH Hoàng Nguyên, Công ty phát triển nhà số 28 và công ty VIMECO đã được cấp phép và đang tiến hành khai thác đá với quy mô lớn. Toàn bộ phần đất quy hoạch xây dựng các khu chức năng chính của thắng cảnh đã bị phá huỷ.

Đặc biệt cửa hang đã bị đắp và xây chắn, khu vực dành cho bến thuyền đã trở thành thành nơi lắp đặt máy móc và sản xuất chính. Việc khai thác của các công ty còn đang tiếp tục mở rộng ra phía sau các núi xung quanh Ao Dong và Hang Dơi. Thậm chí có đơn vị còn khai thác vượt quá diện tích đã được cho phép đã làm cảnh quan môi trường nơi đây bị tàn phá ở mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra việc xây dựng đường vào dây chuyền 2 của Công ty xi măng Bút Sơn và việc khai thác của công ty Đông Á cũng đã góp phần không nhỏ vào việc tàn phá cảnh quan môi trường vùng đệm của quần thể thắng cảnh.

Sau buổi kiểm tra của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, đã có một biên bản ra đời để đánh giá về việc mức độ ảnh hưởng của việc khai thác khoáng sản đến quy hoạch du lịch của Hang Luồn- Ao Dong cũng như những kiến nghị trình UBND tỉnh Hà Nam về việc nên tiếp tục thực hiện quy hoạch nào. Trong biên bản làm việc được lập ngày 24/6/2009 cũng ghi rõ tại khu vực Hang Luồn- Ao Dong có 2 quy hoạch trùng nhau là quy hoạch du lịch và quy hoạch khai thác khoáng sản. Toàn bộ cảnh quan môi trường đã bị phá vỡ, nếu quy hoạch du lịch thì không làm du lịch đựơc nữa?

Tuy nhiên trong đề xuất hướng giải quyết các ngành chức năng lại cho rằng nếu tiếp tục làm du lịch thì phải dừng ngay các đơn vị khai thác khoáng sản và có các biện pháp khắc phục cảnh quan môi trường. Còn nếu tiếp tục khai thác đá thì dừng không làm du lịch nhưng phải có biện pháp giữ lại quả núi có Hang Luồn-Ao Dong vì đây là di sản thiên nhiên ban tặng và bảo đảm thoát nước cho khu vực. Trong thời gian chờ UBND tỉnh có quyết định cuối cùng các ngành chức năng cũng đã có kiến nghị các công ty đang khai thác khoáng sản trong khu vực tạm ngừng hoạt động nhưng trên thực tế việc khai thác khoáng sản tại khu vực này vẫn diễn ra bình thường?

Khi có mặt tại khu vực này ngày 1/7/2009, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến các máy móc nghiền sàng đá vẫn hoạt động và phớt lờ những kiến nghị của các cơ quan chức năng. Anh Hoàng Minh Tuấn, cán bộ kỹ thuật của công ty Hoàng Nguyên đang có mặt tại khai trường còn cho biết thêm: công ty không có ý định ngừng sản xuất vì việc khai thác đá đã được cấp phép và không ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực Hang Luồn- Ao Dong. Khi được hỏi có biết khai trường của công ty đang xâm hại nghiêm trọng tới cảnh quan một thắng cảnh đẹp đã được quy hoạch, anh Tuấn vô tư trả lời: “cái hang có gì mà du lịch, vả lại việc tàn phá có riêng chúng tôi đâu, các đơn vị khác còn phá nhiều hơn ấy chứ...!”.

Từ thực tế trên có thể thấy việc yếu kém và lúng túng của các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Nam trong việc xử lý một vấn đề đã rất rõ ràng. Trên thực tế phần lõi của quẩn thể thắng cảnh Hang Luồn - Ao Dong vẫn được giữ tương đối nguyên bản. Việc tàn phá chủ yếu ở những cảnh quan xung quanh và nếu việc khai thác khoáng sản được chấm dứt thì thắng cảnh này hoàn toàn vẫn có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Những đề xuất không phát triển du lịch nữa và cho phép khai thác khoáng sản là hết sức phi lý vì nó đi ngược lại lợi ích và nguyện vọng của người dân Hà Nam muốn bảo vệ và giữ gìn một thắng cảnh đẹp cho muôn đời sau./.
Hồng Ninh (Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục