Luồng gió mới thổi vào sân khấu kịch nói VN

Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 tại TP.HCM đã thật sự "thổi" luồng gió mới vào sân khấu kịch nói Việt Nam.
Sau 11 ngày tranh tài, Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khép lại tối 6/10.

Không dừng lại ở những giải thưởng đã tìm đúng "chủ nhân", hội diễn lần này thật sự "thổi" luồng gió mới vào sân khấu kịch nói Việt Nam.

Tham gia hội diễn có hơn 500 diễn viên thuộc 18 đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc với 26 tác phẩm. Đặc biệt, vì hội diễn tổ chức ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh nên có tới 7 sân khấu kịch nói xã hội hóa của Thành phố Hồ Chí Minh tham gia với 11 vở diễn.

Nhiều sân khấu xã hội hóa phía Nam dám giao những vở diễn dự thi cho các đạo diễn trẻ như Vũ Minh, Đỗ Đức Thịnh, Minh Nhí, Hữu Lộc, Hạnh Thúy đã tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Nhiều vở diễn khán giả đến đông nghẹt, chỗ trống không còn.

"Mỹ nhân và anh hùng" của Nhà hát Kịch Việt Nam (đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng) thuộc một đề tài đang “nóng” trước ngưỡng cửa 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Vở kịch khai thác mối tình gần 50 năm giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh trong thời kỳ chuyển giao giữa nhà Lý và nhà Trần.

"Ngàn năm tình sử" của Sân khấu Kịch Thái Dương (IDECAF) , do nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc dàn dựng và đóng vai chính, là câu chuyện tình bi thương của người anh hùng Lý Thường Kiệt. Mối tình trong sáng giữa Mỵ Châu-Trọng Thủy và sự mất cảnh giác của An Dương Vương trong vở "Nỏ thần" của Sân khấu Kịch Phú Nhuận được đạo diễn trẻ Đỗ Đức Thịnh đẩy từ cái bi hôm qua lên thành bài học cảnh giác cho hôm nay.

Các vở diễn trên thực sự là “món ăn lạ” với nhiều nghệ sĩ phía Bắc bởi cách dàn dựng hoành tráng, mới lạ và sự “dám” đầu tư vài trăm triệu đồng mỗi vở của các bầu tư nhân cho vở chính kịch. Bà bầu Hồng Vân còn chơi cú đúp khi sân khấu kịch Phú Nhuận còn tham gia vở mới thứ hai "Mẹ và người tình" (đạo diễn Minh Nhí) để giới thiệu gu “kịch Bắc” của mình, khi hầu hết dàn diễn viên như Hồng Vân, Đức Hải, Đức Sơn, Bình Minh... đều nói giọng Bắc. Câu chuyện về những người con thành đạt trong một gia đình giàu có bỗng chốc bị “lột mặt nạ”. Cùng đề tài này là vở "Mắt phố" của Nhà hát Kịch Hà Nội do nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành dàn dựng.

"Biển" - vở kịch về những diễn viên một gánh hát bội ở vùng biển thời hậu chiến của Sân khấu Nhỏ 5B đã tạo được ấn tượng với khán giả bởi cách dàn dựng mộc mạc của nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Giàu, tạo cảm giác gần gũi giữa diễn viên và khán giả.

Nhiều vở diễn tuy không mới nhưng vẫn được khán giả chấp nhận bởi tính thời sự còn nóng hổi đang diễn ra hàng ngày. Đó là "Điện thoại di động" (Nhà hát Kịch Hà Nội), "Trên cả trời xanh" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Ai sợ ai" (Nhà hát Tuổi trẻ), "Đường về" (Đoàn kịch Nam Định), "Đôi mắt của biển" (Kịch Sài Gòn), "Ông bà vú" (Nụ cười mới), "Giải tỏa" (Kịch Hải Dương).

Khác với hội diễn lần trước khi đề tài quá khứ chiến tranh chiếm áp đảo, lần này những vở như thế ít hơn hẳn và cách dàn dựng cũng có phần mềm mại, sáng tạo hơn. Đó là các vở "Bản hùng ca linh thiêng" (đạo diễn Doãn Hoàng Giang), "Rừng quả đắng" (Đoàn kịch nói Quân đội), "Kiều Loan" (Nhà hát Tuổi trẻ), "Người thi hành án tử" (Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh), "Linh hồn Việt cộng" (Đoàn Kịch nói Hải Phòng).

Dù vẫn còn có những vở diễn dàn dựng cứng nhắc, thiếu sức hấp dẫn, nhưng nhìn chung, rõ ràng Hội diễn Sân khấu Kịch nói toàn quốc lần này đã thành công, tạo niềm tin cho sân khấu kịch nói sẽ có sức sống mới./.

1. Vở diễn xuất sắc nhất:
 - Huy chương vàng: "Mỹ nhân và anh hùng" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Nỏ thần", "Mẹ và người tình" (sân khấu Kịch Phú Nhuận)
 - Huy chương bạc: "Ai sợ ai" (Nhà hát Tuổi trẻ), "Trên cả trời xanh" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Điện thoại di động" (Nhà hát Kịch Hà Nội), "Bản hùng ca linh thiêng", "Rừng quả đắng" (Nhà hát Quân đội), "Ông bà vú" (Công ty Nụ cười mới), "Dòng nhớ" (Sài Gòn phẳng).
 
 2. Ba vở diễn có nhiều tìm tòi:
 - Về đề tài lịch sử: "Ngàn năm tình sử" (Sân khấu Thái Dương)
 - Trong kịch thơ: "Kiều Loan" (Nhà hát Tuổi trẻ)
 - Trên sân khấu nhỏ: "Biển" (Sân khấu nhỏ 5B)
 
 3. Đạo diễn xuất sắc nhất: Đức Thịnh, Hạnh Thúy
 
 4. Nhạc sĩ xuất sắc nhất: Đức Trí ("Ngàn năm tình sử")
 
 5. Diễn viên xuất sắc nhất
 - Huy chương vàng: 42 diễn viên
 - Huy chương bạc: 63 diễn viên
  
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục