"Lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 là vô nghĩa"

Trả lời trực tuyến chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thừa nhận công tác thanh tra, kiểm tra giá cả trong năm vừa rồi vẫn có hạn chế, có trường hợp phải qua báo chí, dư luận mới phát hiện được những sai phạm về giá.

Liên quan đến giá cả, tiền lương theo Bộ trưởng, nếu tăng lương 1 mà giá cả tăng 1,5 lần thì không có ý nghĩa gì.  Ở đây, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng. Nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa.”

Vấn đề thu, chi ngân sách, giá cả và việc xu hướng biến động của giá thị trường, đặc biệt là những mặt hàng nhạy cảm như điện, xăng dầu vẫn là mối quan tâm của phần lớn bạn đọc trong buổi đối thoại trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ chiều nay, 17/1.

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhiều độc giả đưa ra thực tế, thời gian vừa qua, các cơ quan thanh tra, quản lý giá, bao gồm cả trung ương và địa phương, phát hiện được rất ít các hành vi sai phạm, chỉ đến khi báo chí phát hiện mới vào cuộc.

Đưa ra ví dụ, một số trường hợp đã được độc giả đưa ra như việc giá thuốc chữa bệnh, giá sữa bột nhập khẩu bán trên thị trường với giá quá cao hay chuyện làm giá vàng như vừa qua.

Thắng thắn, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, công tác thanh tra, kiểm tra giá cả trong năm vừa rồi vẫn có hạn chế, có trường hợp phải qua báo chí, dư luận mới phát hiện được những sai phạm về giá, đặc biệt với mặt hàng sữa, thuốc chữa bệnh có quá nhiều mặt hàng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

“Tiếp thu ý kiến độc giả, định hướng chính sách năm 2012 của Bộ Tài chính là tiếp tục tăng cường khâu thanh tra, kiểm tra để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 9%,” Bộ trưởng Huệ nói.

Trả lời cho nhiều thắc mắc của người đọc về sự tác động của giá điện với giá các mặt hàng khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính một lần nữa giải thích khá cặn kẽ về cách tính mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong trường hợp điện lên giá. Theo đó, khi giá điện tăng 5% thì sẽ khiến CPI tăng khoảng 0,369%.

Ở một hướng khác, người đứng đầu Bộ Tài chính chỉ rõ, song song với việc tăng giá điện, Nhà nước đều có chính sách hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp. Những hộ này sẽ được hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng/tháng.

Với chính sách như vậy, giá điện 2012 về cơ bản đáp ứng được giá thành kế hoạch, phân bổ thêm 1 phần lỗ của năm 2011, cũng như đáp ứng được một phần giá bán than sẽ được điều chỉnh 80% so với hiện nay.

“Với tinh thần đó, giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện 2 mục tiêu. Một là đến năm 2013,  thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát dưới 1 con số, cụ thể là Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%,” Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhận định.

Tiếp tục mối quan tâm về giá cả, nhiều độc giả tỏ ra lo lắng, việc tăng lương không mang lại ý nghĩa đích thực khi nhiều mặt hàng cũng theo mức lương mà ào ạt tăng giá.

Chia sẻ về những mong muốn thực tế này, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, tăng lương 1 mà giá cả tăng 1,5 lần thì không có ý nghĩa gì.

Theo Bộ trưởng, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng. Nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa”.

Đưa ra dẫn chứng, Bộ trưởng Huệ cho rằng, trong tháng 10/2011, chúng ta đã điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực sản xuất, nhưng tháng 8, 9, 10, 11, chỉ số CPI vẫn tiếp tục giảm nhờ chúng ta làm tốt công tác truyền thông.

Từ ngày 1/5 này, mức lương cơ bản với cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người có công tăng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng. Phụ cấp công vụ sẽ tăng từ 10% lên 25%.

“Chúng ta sẽ phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích rõ với đông đảo người dân, để họ thấy rằng việc tăng lương không trực tiếp ảnh hưởng đến các yếu tố về cung tiền, đến lạm phát. Nếu chúng ta làm tốt, tôi nghĩ rằng yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương,” Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói.

Về vấn đề chi ngân sách, một số người tham gia buổi đối thoại trực tuyến cho rằng tình hình nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản như hiện nay thì các khoản thu ngân sách sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, đầu tư công vẫn rất lớn. Bởi thế, mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% bị một số độc giả đặt câu hỏi nghi vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Huệ thừa nhận, mục tiêu kéo bội chi ngân sách xuống dưới 4,8%  đòi hỏi sự nỗ lực lớn bởi chính sách thu không có nhiều thay đổi, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là chính sách mới, với nguồn thu rất ít. Ngoài ra, lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, kinh tế vĩ mô được kiểm soát nhưng vẫn có dấu hiệu bất thường, chưa kể các yếu tố tác động từ kinh tế thế giới, lãi suất chưa giảm như mong muốn…

“Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa phải chung tay gánh vác với chính sách tiền tệ, có giải pháp quyết liệt để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh,” Bộ trưởng Huệ nói.

Cũng theo Bộ trưởng, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP và giảm bội chi, chúng ta phải hết sức coi trọng việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, coi trọng yếu tố tăng năng suất lao động xã hội trong tăng trưởng GDP.

“ Với nguồn vốn như cũ hoặc thấp hơn, nhưng nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tính toán tốt ‘ra tấm ra món’, phát huy được hiệu quả nhanh thì chưa chắc kết quả đã kém hơn,” Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục