Lương tối thiểu chưa phải “khuôn vàng, thước ngọc”

Thị trường lao động khó phát triển nếu không hướng tới lương thỏa thuận hợp lý giữa hai bên mà chỉ dừng lại ở mức lương "hợp pháp."
“Thương lượng kém song nhiều người lại đổ lỗi cho quy định về mức lương tối thiểu. Chỉ thương lượng mới giúp hai bên hài lòng và thị trường lao động phát triển lành mạnh," Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định.

Thị trường lao động sẽ khó phát triển nếu không hướng tới mức lương thỏa thuận hợp lý giữa hai bên trong quan hệ lao động mà chỉ dừng lại ở lương hợp pháp (không thấp hơn lương tối thiểu). Biểu hiện bên ngoài của việc thị trường này "chậm lớn" chính là đình công gia tăng cũng như doanh nghiệp không tuyển được lao động.

Người làm công “nổi giận”

Một điều tra mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy hiện chỉ con chưa đến 5% doanh nghiệp trả lương dưới mức tối thiểu nhưng đại đa số công nhân vẫn phải nhận lương ở mức rất thấp. Doanh nghiệp vẫn không phạm pháp trong khi công nhân dù làm thêm giờ vẫn phải than trời lương không đủ ăn.

Nếu như năm 2009, số vụ đình công trên cả nước ít đi thì đầu năm 2010, số vụ đình công đã có dấu hiệu tăng rõ rệt. Thống kê chưa đầy đủ đến thời điểm này cho thấy, cả nước đã có trên 60 cuộc đình công mà điển hình nhất là cuộc đình công ở Công ty Endo Stainless Steel (Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội).

Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, riêng tháng Hai, cả nước đã xảy ra 26 vụ đình công. Không chỉ vậy, thị trường lao động năm nay hứa hẹn sẽ bất lợi với chủ sử dụng lao động khi họ luôn không tuyển đủ người cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mình.

Tiến sĩ Tôn Thiện Chiếu (Viện Xã hội học) nhận định: “Gia tăng đình công, doanh nghiệp thiếu người làm là những biểu hiện của sự yếu kém trong quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động. Người lao động có thể phản ứng theo hai cách: Hoặc ồn ào như cuộc đình công, hoặc lặng lẽ như không ký hợp đồng lao động. Cách nào cũng khiến thị trường lao động lâm nguy."

Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thẳng thắn: “Cung lao động cũng thiếu mà cầu cũng thiếu, thực tế này do đâu”? Ông lý giải, đó chính là do doanh nghiệp lách luật trả lương thấp, cơ chế thỏa thuận lương chưa phát triển, nên người lao động không thể sống được bằng lương. Về lâu dài, đây sẽ là lực cản lớn cho phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhận định, nếu người lao động không đình công thì có khả năng họ sẽ không được tăng lương và không ai giúp họ thiết lập mặt bằng lương mới khi giá cả tăng. Đình công sẽ còn có xu hướng tăng lên khi kinh tế phục hồi và thị trường khan hiếm lao động.

Thiệt đơn, thiệt kép

“Ở các nước khác, khái niệm lương tối thiểu được xác định là số tiền để đảm bảo mức sống tối thiểu," ông Cường nói.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) cho thấy, hiện mức lương này mới chỉ đáp ứng được 60-65% nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Nói cách khác, nếu nhận lương xấp xỉ lương tối thiểu, công nhân chỉ sống ở mức cận nghèo.

Hiện, tại Việt Nam, lương tối thiểu chung được áp dụng cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (từ 1/5/2010) là 730.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng thấp nhất của doanh nghiệp nhà nước hiện cũng là 730.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng thấp nhất của doanh nghiệp có vốn nước ngoài là 920.000 đồng/tháng.

Nhìn ra khu vực, bà Phạm Lan Hương (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết: “Hiện tại mức lương tối thiểu ở Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực khoảng 40%, trong khi mức chi tiêu cho cuộc sống của người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn thì gần tương đương." Mặc dù vậy, việc nâng lương tối thiểu cao lên lại gây khó cho Nhà nước, cụ thể là ngân sách.

“Tiền lương tối thiểu lâu nay vẫn được xác định dựa vào đâu? Chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Mức sống tối thiểu là thế này nhưng ngân sách bảo chỉ duyệt bằng kia thì cũng phải chịu," ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết.

Chính vì phải lựa theo khả năng chi trả của ngân sách nhà nước nên lương tối thiểu có muốn tăng cũng khó mà nâng được. Cộng thêm những tính toán “khôn ngoan” của các doanh nghiệp nên mặt bằng lương thấp hình thành.

Nó còn dẫn đến thực tế hiện nay chúng ta đang có những “chuẩn” lương tối thiểu khác nhau giữa các vùng, các loại hình doanh nghiệp. Cụ thể, hiện đang có các chuẩn khác nhau của bốn vùng và hai loại hình doanh nghiệp. Điều này khá phiền toái khi các doanh nghiệp nước ngoài kêu ca “bị phân biệt đối xử," gây ảnh hưởng tới sức hấp dẫn trong đầu tư. Việc duy trì chính sách tiền lương thấp cũng không tốt cho quá trình hội nhập.

Bà Lan Hương cho rằng từ năm 2002 tới nay, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện bán phá giá và thực tế hầu hết đã thua. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khởi kiện là giá hàng thấp do chi phí thấp, trong đó có mức lương cho người lao động quá thấp.

Ông Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) lo lắng: “Nếu duy trì chính sách tiền lương thấp như hiện nay, chuyện dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN là khó tránh khỏi. Tiền lương thấp sẽ không đủ sức hút với lao động trình độ cao từ các nước khác mà sẽ chỉ có những lao động không thể tìm việc ở nước mình mới sang Việt Nam để kiếm việc”./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục