Luxembourg dẫn đầu về vốn FDI vào lĩnh vực thông tin và truyền thông

Tính đến ngày 20/5, cả nước có 1.152 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thông tin và truyền thông, với tổng số vốn đăng ký khoảng 4,14 tỷ USD, chiếm 6,3% tổng số dự án và 1,6% tổng vốn đầu tư.
Luxembourg dẫn đầu về vốn FDI vào lĩnh vực thông tin và truyền thông ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Reuters)

Tính đến ngày 20/5, cả nước có 1.152 dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực thông tin và truyền thông, với tổng số vốn đăng ký khoảng 4,14 tỷ USD, chiếm 6,3% tổng số dự án và 1,6% tổng vốn đầu tư.

Đây là các con số chính thức từ Báo cáo thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Báo cáo trên chỉ ra, vốn FDI tại Việt Nam rót vào lĩnh vực thông tin và truyền thông đang xếp thứ 7/18 ngành kinh tế với quy mô bình quân khoảng 3,6 triệu USD/dự án trong lĩnh vực này.

Về nhà đầu tư, chỉ với 2 dự án song Đại công quốc Luxembourg lại là quốc gia dẫn đầu, với số vốn đăng ký lên tới 1,04 tỷ USD (chiếm 25,1% tổng vốn đầu tư của toàn ngành thông tin và truyền thông).

Trường hợp khác là Nhật Bản, mặc dù dẫn đầu về số lượng dự án (329), nhưng xếp thứ hai về tổng vốn đăng ký là 807,7 triệu USD (chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư của toàn ngành).

Đứng thứ ba là Singapore, có 91dự án và 738,8 triệu USD vốn đầu tư đăng ký (chiếm 17,8% tổng vốn đầu tư của toàn ngành). Các quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng có số vốn lớn trong lĩnh vực này là Pháp, Síp, Hàn Quốc....

Tuy nhiên, dòng vốn chủ yếu vẫn “đọng” tại khu vực hai đầu tàu kinh tế là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tương ứng 751 dự án (giá trị gần 2,3 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 55,5% tổng vốn đầu tư của toàn ngành) và 333 dự án (giá trị 1,69 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm khoảng 41% tổng vốn đầu tư của toàn ngành).

Các nhà phân tích thực hiện Báo cáo đưa ra dự báo, “Trong thời gian tới, lĩnh vực thông tin và truyền thông sẽ có nhiều cơ hội để thu hút vốn FDI nhiều hơn, bởi nhiều chính sách kinh tế mới theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn sẽ chính thức có hiệu lực, đặc biệt là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi... Khi các đạo luật này đã nới lỏng nhiều quy định sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường thông tin và truyền thông tại Việt Nam”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục