Luxembourg nói không với luật mới chống trốn thuế

Luxembourg, một trong những giàu nhất EU, đã nói không với một đạo luật mới đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nhằm chống trốn thuế.
Luxembourg, một trong những nước nhỏ nhất song là một trong những nước giàu nhất của Liên minh châu Âu, đã nói không với một đạo luật mới đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nhằm chống trốn thuế.

Bộ trưởng Tài chính Luc Frieden nói với báo giới tại Brussels : "Chúng tôi không thể đồng ý vì vẫn còn một số điều cần làm sáng tỏ. Tới thời điểm này chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời chính xác về một số vấn đề… Chúng tôi không biết làm thế nào điều này sẽ được viết thành luật của châu Âu và chúng tôi cũng không chắc chắn rằng tất cả các lỗ hổng đã được lấp, đặc biệt là lòng tin dường như chưa được khôi phục."

Ủy ban châu Âu đã cố gắng cập nhật luật chống gian lận thuế của họ trong suốt 8 năm qua. Luật năm 2005 buộc các nước thành viên phải tự động trao đổi thông tin về các khoản tiền gửi của công dân EU tại các nước khác thuộc Liên minh châu Âu. Song, luật này có những kẽ hở đối với khoản thu nhập thông qua các quỹ đầu tư, lương hưu, các quỹ tín thác và các tổ chức. Nó cũng bao gồm một lỗ hổng lớn đối với Áo và Luxembourg.

Hai trung tâm tài chính này không phải thực hiện quy chế tự động trao đổi thông tin cho đến khi 5 thiên đường thuế là những nước không nằm trong EU - Andorra, Liechtenstein, Monaco, San Marino and Thụy Sĩ – cũng nhất trí với cơ chế này. Sự miễn cưỡng của Luxembourg khiến nước này va chạm với các nước lớn trong EU, như Pháp, Đức và Anh. Các bộ trưởng tài chính của họ đã có những cuộc tranh luận nảy lửa với ông Frieden tại cuộc họp ở Brussels ngày 14/5.

Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ bàn về chủ đề này tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 22/5 tới.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho rằng cuộc thảo luận ngày 14/5 là "phép thử sự nghiêm túc của chúng ta và cả thế giới đang theo dõi chúng ta."

Tuy nhiên theo giới quan sát, tuyên bố của Frieden dường như đi ngược lại cam kết trước đó của Luxembourg về việc chấm dứt luật bí mật ngân hàng vào năm 2015. Nhưng ông đã nhất trí để ủy ban mở các cuộc hội đàm với nhóm 5 thiên đường thuế không thuộc EU về việc áp dụng nguyên tắc tự động trao đổi dữ liệu và ghi nhận rằng EU đã cam kết thúc đẩy sự minh bạch thuế trong Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu của thế giới (G-20).

Ủy ban châu Âu ước tính các ngân khố bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng của EU có thể thu lợi tới 1 nghìn tỷ euro từ thu nhập thêm từ thuế nếu luật mới có hiệu lực.

Luxembourg, với dân số vào khoảng nửa triệu, có mức GDP tính trên đầu người cao gần gấp 3 lần so với mức trung bình trong EU. Tài sản của họ chủ yếu đến từ các dịch vụ tài chính. Riêng lĩnh vực ngân hàng đã có giá trị gấp 22 lần quy mô của nền kinh tế nước này./.

Thái Vân/Brussels (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục