Lý do Alibaba bị yêu cầu rút khỏi ngành truyền thông và quảng cáo

Theo truyền thông Mỹn, giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng lo ngại về sức ảnh hưởng của Alibaba với dư luận, Bắc Kinh yêu cầu tập đoàn này rút khỏi những tài sản truyền thông đang kiểm soát.
Lý do Alibaba bị yêu cầu rút khỏi ngành truyền thông và quảng cáo ảnh 1Biểu tượng của Alibaba tại sàn chứng khoán Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông Mỹ dẫn lời giới thạo tin cho biết giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng lo ngại về sức ảnh hưởng của Alibaba đối với dư luận, Bắc Kinh đã yêu cầu tập đoàn này rút khỏi những tài sản truyền thông đang kiểm soát.

Theo báo cáo độc quyền của tờ The Wall Street Journal, sau khi các cơ quan quản lý của Trung Quốc điều tra mảng truyền thông do Alibaba sở hữu, những luận điểm nói trên bắt đầu xuất hiện râm ran năm nay. Giới thạo tin tiết lộ các quan chức Trung Quốc cảm thấy lo ngại về tầm ảnh hưởng rộng rãi về truyền thông của Alibaba, do đó đã yêu cầu công ty này lập kế hoạch cắt giảm mạnh các tài sản truyền thông.

Báo cáo nhấn mạnh sau nhiều năm phát triển, hoạt động của Alibaba liên quan đến tất cả các lĩnh vực báo giấy, phát thanh truyền hình, kỹ thuật số, truyền thông xã hội và quảng cáo, nắm giữ cổ phần trên nhiều phương tiện truyền thống kỹ thuật số và in ấn phổ biến của Trung Quốc như Weibo và China Business Network (CBN)…

Đồng thời, năm 2015, Alibaba cũng đã tuyên bố mua lại tờ báo bằng tiếng Anh hàng đầu của Hong Kong (Trung Quốc) là Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post - SCMP). Trong số các bộ phận liên quan đến ngành công nghiệp truyền thông của Alibaba, có một số đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Giới thạo tin tiết lộ với tờ The Wall Street Journal rằng cơ quan chức năng Trung Quốc cho rằng sức ảnh hưởng của Alibaba đối với truyền thông đã tạo ra thách thức nghiêm trọng cho Trung Quốc.

Trong khi đó, Alibaba lại từ chối bình luận và chỉ thông qua một tuyên bố để nhấn mạnh rằng tập đoàn này là một nhà đầu tư thụ động trong ngành truyền thông. Tuyên bố cho biết mục đích đầu tư của tập đoàn là nhằm hỗ trợ công nghệ cho việc nâng cấp công nghiệp, đồng thời thúc đẩy kết nối với các nghiệp vụ thương mại then chốt của Alibaba và “không can dự hoặc tham gia vào sự vận hành bình thường của công ty.”

[Trung Quốc dỡ bỏ trình duyệt web của Alibaba khỏi kho ứng dụng Android]

Hiện nay, vẫn chưa rõ liệu Alibaba có bán tất cả các tài sản truyền thông đang kiểm soát hay không.

Trước đó đã dấy lên những lo ngại về sức ảnh hưởng của Alibaba đối với truyền thông. Tháng 4/2020, vụ việc Chủ tịch nền tảng Tmall của Alibaba lúc đó là Tưởng Phàm nghi ngờ ngoại tình với một hot girl đình đám trên mạng đã làm nổ ra các cuộc tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, trang mạng xã hội Sina Weibo đã can thiệp bằng cách xóa bỏ, theo dõi các tìm kiếm nóng đối với chủ đề này, khiến cư dân mạng bất bình.

Tháng 5/2020, một báo cáo do Văn phòng Ủy ban Thông tin hóa và An ninh mạng Trung ương đệ trình đã nhấn mạnh Abibaba “sử dụng tiền để thao túng dư luận.”

Nhân vật tiếp cận được báo cáo này còn tiết lộ Văn phòng Ủy ban Thông tin hóa và An ninh mạng Trung ương cho rằng trong sự cố truyền thông của Chủ tịch Tưởng Phàm, Alibaba đã chỉ thị cho Sina Weibo thực hiện các hành động liên quan. Alibaba nắm 30% cổ phần của Weibo, đồng thời cũng là khách hàng lớn nhất của Weibo. Chỉ riêng năm 2019, tập đoàn này đã đầu tư gần 100 triệu USD vào hoạt động quảng cáo và tuyên truyền trên Weibo.

Ngày 10/6/2020, Văn phòng Ủy ban Thông tin hóa và An ninh mạng Trung ương thẩm vấn người phụ trách Weibo, phê bình nghiêm khắc nền tảng này “gây rối loạn trật tự truyền thông trực tuyến, truyền bá những thông tin vi phạm quy định pháp luật,” đồng thời ra lệnh ngừng cập nhật trong vòng một tuần danh sách các chủ đề tìm kiếm nóng của Weibo.

Alibaba không phải là “ông lớn” công nghệ Trung Quốc duy nhất có liên quan đến truyền thông. WeChat của Tencent đã trở thành nền tảng chính cung cấp thông tin cho người dân Trung Quốc, trong khi ByteDance cũng sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo để gửi tin tức cho hơn 100 triệu khách hàng mỗi ngày.

Hiện nay, vẫn chưa biết rõ liệu các doanh nghiệp công nghệ khác có bị yêu cầu rút khỏi mảng truyền thông như Alibaba hay không?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục