Lý do Bình Nhưỡng có thể từ bỏ Yongbyon sau thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2

Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía Bắc, mang giá trị biểu tượng, lâu nay được coi như một tài sản quý giá nhất trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Lý do Bình Nhưỡng có thể từ bỏ Yongbyon sau thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ảnh 1Cơ sở hạt nhân Yongbyon ở Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng bloomberg.com, trong vòng 40 năm qua, tham vọng hạt nhân của Triều Tiên tập trung vào một khu liên hợp các cơ sở hạt nhân ẩn mình trong dãy núi phía Bắc của Bình Nhưỡng. Hoạt động của các cơ sở này có thể chấm dứt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.

Vấn đề tháo dỡ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học hạt nhân Yongbyon đã nổi lên trong những tháng gần đây như một kết quả có thể đạt được trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa hai nhà lãnh đạo từ ngày 27-28/2 tại Hà Nội.

Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc, hồi tuần trước chia sẻ với Bloomberg rằng ông Kim đã nhất trí đóng cửa trung tâm này và cho phép các thanh sát viên thanh tra các cơ sở hạt nhân, điều có thể giúp Mỹ đánh giá chính xác về chương trình vũ khí của Kim.

Một thỏa thuận đóng cửa Yongbyon sẽ đem lại một chiến lợi phẩm cụ thể đầu tiên trong nỗ lực tiến tới cắt giảm năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018, dù Triều Tiên đã đưa ra những cam kết tương tự trước đó.

Nhiều khả năng việc đóng cửa Yongbyon có thể lấy đi của Triều Tiên lượng plutoni đủ để chế tạo một quả bom nguyên tử trong một năm, và có thể cả những vật liệu hạt nhân khác cần thiết để chế tạo những loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ hơn song có sức công phá lớn hơn.

Mặc dù vậy, việc đóng cửa Yongbyon không thấm tháp gì so với việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn và được kiểm chứng đầy đủ” mà Ngoại trưởng Mike Pompeo và giới chức khác của Mỹ yêu cầu.

Ngay cả khi ông Kim đóng cửa cơ sở này, giới chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng ông Kim có thể vẫn còn ít nhất một cơ sở bí mật khác có thể sản xuất đủ urani để chế tạo 6 quả bom hạt nhân mỗi năm.

[Video] Cận cảnh Chủ tịch Kim Jong-un lên tàu hỏa tới Việt Nam

Chun Yungwoo, cựu đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, người đóng vai trò trung gian để đạt được một trong những thỏa thuận về đóng cửa Yongbyon, tiết lộ Triều Tiên đã chuyển trọng tâm sang việc chế tạo những thế hệ đầu đạn hạt nhân tốt hơn và các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể nhắm trúng Mỹ.

Triều Tiên có thể đã có đủ nguyên liệu phân hạch để tiếp tục thực hiện phần lớn chương trình vũ khí hạt nhân của mình, ngay cả khi nước này đóng cửa tất cả các cơ sở sản xuất nhiên liệu khác của mình, ông Chun nhận định.

“10 năm trước, việc đóng cửa Yongbyon là mối quan tâm chính của chúng ta. Còn giờ thì giá trị tương đối của Yongbyon và các cơ sở làm giàu khác lại chẳng bõ bèn gì,” ông nói.

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm 19/2, Trump nói ông “không vội vàng một chút nào” để đạt được một thỏa thuận với Kim vì ông có mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Triều Tiên và rằng các đòn trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vẫn được duy trì trong khi hai bên thảo luận.

Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía Bắc, mang giá trị biểu tượng, lâu nay được coi như một tài sản quý giá nhất trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Được xây dựng năm 1979, lò phản ứng của Yongbyon cung cấp plutoni và các cơ sở nghiên cứu cần thiết để Triều Tiên thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên của mình năm 2006.

Ông Kim đã đưa vấn đề Yongbyon ra thảo luận tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9/2018, khi ông bày tỏ sự sẵn sàng chấp nhận yêu cầu “tháo dỡ vĩnh viễn” Yongbyon để đổi lại “các biện pháp tương ứng” từ phía Mỹ.

Ông Moon Chung-in, cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc, cũng nói rằng tại cuộc gặp đó, ông Kim cũng đã nhất trí công tác “kiểm chứng” việc tháo dỡ.

Việc đóng cửa Yongbyon cùng với phòng pha chế có thể sản xuất ra triti (đồng vị phóng xạ của Hydro giúp thu nhỏ đầu đạn hạt nhân) có thể thành công, theo Siegfried Hecker, thành viên của nhóm các nhà khoa học hạt nhân đã tham gia chuyến thanh sát hoạt động làm giàu urani tại Yongbyon hồi năm 2010.

“Việc đóng cửa và tháo dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon là một vấn đề lớn. Điều này sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất plutoni và triti và sẽ làm giảm đáng kể khả năng chế tạo vật liệu urani được làm giàu ở cấp độ cao," nhà khoa học Hecker, người đã có 4 lần thanh sát tổ hợp này, nhận định.

Tuy nhiên, việc thanh sát hàng chục cơ sở tại tổ hợp Yongbyon có thể phải mất hàng tuần liền và việc dỡ bỏ hoàn toàn tổ hợp này sẽ còn tốn nhiều thời gian hơn. Vì vậy, có thể nảy sinh những bất đồng về việc bao nhiêu phần của tổ hợp này sẽ được kiểm soát theo bất kỳ thỏa thuận nào.

Hàn Quốc và các bên khác ủng hộ cách tiếp cận từng phần khi đàm phán với Triều Tiên cho rằng việc tháo dỡ Yongbyon sẽ giúp xây dựng niềm tin và thúc đẩy Kim chấp thuận nhiều nhượng bộ đáng kể hơn nữa.

Stephen Biegun, đặc phái viên hạt nhân của Mỹ, hồi tháng 1 nói rằng ông Kim đã cam kết với việc tháo dỡ các cơ sở làm giàu “ngoài Yongbyon” khi đàm phán với Ngoại trưởng Pompeo và giới chức Hàn Quốc.

Từ nay cho đến trước cuộc gặp lần hai, Chính quyền Trump có thể đạt được niềm tin và nhượng bộ ở mức độ nào vẫn là điều không chắc chắn.

Tuần trước, ông Biegun nói với nghị sỹ Hàn Quốc khi đến thăm Mỹ rằng khó có thể giải quyết những bất đồng còn lại trước khi diễn ra cuộc gặp lần hai và rằng các cuộc đàm phán có thể tiếp tục diễn ra sau thượng đỉnh tại Hà Nội.

Để đổi lấy việc tháo dỡ Yongbyon, ông Kim có thể sẽ yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế, một lợi thế quan trọng của Mỹ trong các cuộc đàm phán. Việc dỡ bỏ Yongbyon sẽ kéo theo các vòng đàm phán khó khăn về địa điểm và thời gian các thanh sát viên có thể thực hiện công tác thanh tra ở Triều Tiên. Đây là vấn đề mà các cuộc đàm phán cách đây 10 năm đã bị đổ vỡ.

Triều Tiên đã từng 2 lần nhất trí ngừng các hoạt động hạt nhân và để cho các thanh sát viên thực hiện nhiệm vụ của mình, để đổi lại viện trợ, trước khi ông Kim lên nắm quyền. Đó là một lần vào giữa những năm 1990 và lần khác vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, cả hai lần này, Triều Tiên đã thất hứa và quay trở lại các hoạt động khiêu khích quân sự sau khi xảy ra những bất đồng về cách thức thực hiện thỏa thuận nói trên.

“Chúng ta muốn đảm bảo rằng việc 'đóng cửa Yongbyon' được thực hiện toàn diện nhất có thể và không thể đảo ngược,” Melissa Hanham, Giám đốc Dự án Datayo thuộc cơ quan nghiên cứu One Earth Future Foundation, bình luận.

“Chúng ta không muốn lặp lại sai lầm trước kia,” chuyên gia về không phổ biến hạt nhân này chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục