Lý do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa ngã ngũ

Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả “quyết liệt” sau khi vòng đàm phán thương mại với Mỹ tại Washington kết thúc mà không đạt được kết quả nào.
Lý do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa ngã ngũ ảnh 1Chế biến hải sản xuất khẩu tại nhà máy ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 5/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Gulfnews.com, hiện vẫn chưa rõ liệu những hành động gần đây nhất của Mỹ sẽ làm thay đổi một cách cơ bản các chính sách của Bắc Kinh hay không, hay chỉ đơn thuần khiến mối quan hệ song phương ngày một tồi tệ hơn.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Khôn hôm 24/8 tuyên bố Bắc Kinh sẽ đáp trả “quyết liệt” sau khi vòng đàm phán thương mại với Mỹ tại Washington kết thúc mà không đạt được kết quả nào nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Mặc dù các thị trường tài chính trên thế giới đã được khích lệ với hy vọng hai bên sẽ đạt được một bước đột phá, song bối cảnh chính trị ảm đạm ẩn sau vòng đàm phán này đã cho thấy khó có thể đạt được một bước đột phá nào.

Các vòng đàm phán, lần đầu tiên được khởi động hồi tháng 6/2018, diễn ra cùng với thời điểm Mỹ áp đặt mức thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD.

Giờ thì lối thoát cho cuộc chiến thương mại này ngày một xa vời hơn và có thể cần đến sự can thiệp mang tính cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ có kế hoạch gặp nhau vào tháng 11 tới trong khuôn khổ hội nghị G20 và các diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Bối cảnh chính trị phủ bóng lên cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung mới nhất là việc hồi tuần trước Trump ký một dự luật, yêu cầu Bộ trưởng Thương mại Mỹ đệ trình “Báo cáo về Đầu tư của Trung Quốc” ở Mỹ lên Quốc hội và Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).

Báo cáo này sẽ được đệ trình hai năm một lần, đến năm 2026. Mặc dù dự luật này tập trung vào các năng lực quân sự không chỉ của Trung Quốc mà còn của Nga và Iran như “những đối thủ tiềm năng," song tài liệu này lại chỉ ra rằng đầu tư của Trung Quốc là một mối đe dọa về an ninh và tập trung mối quan tâm vào kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc đến năm 2025” của Bắc Kinh.

[Mỹ-Trung không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề thương mại]

Dự luật mới cũng trao cho CFIUS thẩm quyền để đánh giá bất kỳ giao dịch nào liên quan các khoản đầu tư nước ngoài vào “các công ty công nghệ hoặc cơ sở hạ tầng thiết yếu” của Mỹ, ngay cả khi các khoản đầu tư này không liên quan đến một thực thể nước ngoài nào muốn có cổ phần kiểm soát trong công ty Mỹ.

Ngoài ra, luật này cũng mở rộng thẩm quyền kiểm duyệt của CFIUS đối với các thương vụ bất động sản, có quyền đánh giá bất kỳ thương vụ nước ngoài nào mua bán bất động sản gần các cơ sở quân sự hoặc hải cảng của Mỹ.

Không nằm ngoài dự đoán, Bắc Kinh đã nổi giận và khiến cuộc đàm phán thương mại song phương mới diễn ra từ ngày 22-23/8 ít có cơ hội thành công hơn. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích luật mới “ngập ngụa tư duy Chiến tranh Lạnh, gia tăng mức độ đối đầu Mỹ-Trung… hủy hoại mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung, gây tổn hại sự tin tưởng lẫn nhau và mối quan hệ hợp tác."

Trọng tâm của luật mới này chắc chắn chính là cách thức chính quyền Tổng thống Trump đang dồn sự chú ý nhiều như thế nào đến cái gọi là những mối đe dọa an ninh quốc gia liên quan những khoản đầu tư từ bên ngoài vào Mỹ cũng như từ Mỹ ra bên ngoài.

Kể từ năm 1990, chỉ có năm trường hợp mà tổng thống Mỹ phải ngăn chặn các vụ sáp nhập thương mại lớn có liên quan các tập đoàn Mỹ. Hai trong số này được thực hiện dưới thời ông Trump. Bởi đối với Tổng thống Trump, ông coi vấn đề an ninh quốc gia là chủ trương chính trong chương trình nghị sự “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại." Với luật mới này, ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ trở nên “xốc vác” hơn trong vấn đề này khi ông cho rằng điều này đem lại lợi ích chính trị nào đó.

Không chỉ Mỹ quan ngại về các khoản đầu tư nước ngoài và muốn cải thiện chức năng của các cơ quan công quyền nhằm điều hành tốt hơn vấn đề này, hiện ở châu Âu, các vấn đề về thay đổi địa chính trị, kinh tế và công nghệ liên quan đầu tư nước ngoài đang được giới hoạch định chính sách ở các nước như Đức, Pháp và Anh sôi nổi thảo luận. Chính phủ các nước này cũng đang tìm cách cải thiện các cơ quan công quyền trong việc đánh giá đầu tư nước ngoài trên cơ sở an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, khác với các nước châu Âu này, điều đáng nói về cách tiếp cận của Mỹ là mức độ mà giới hoạch định chính sách Washington “để mắt” đến Bắc Kinh. Còn đối với một số quan điểm ở Trung Quốc, dự luật mới này của Mỹ là một con bài mới nhất của một đại chiến lược mà ông Trump muốn thực hiện nhằm đè bẹp sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc toàn cầu.

Thế nên, bất kỳ “một tấm thẻ đỏ” nào mà Mỹ dành cho đầu tư nước ngoài và sáp nhập doanh nghiệp sẽ được Trung Quốc đáp trả tương tự. Vì vậy, liệu những hành động mới nhất của Mỹ sẽ làm thay đổi về cơ bản các chính sách thương mại của Trung Quốc hay không hay chỉ làm mối quan hệ của hai nền kinh tế đầu tàu thế giới này lâm vào ngõ cụt vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục