Lý do đằng sau những cáo buộc đối với cựu Thủ tướng Yingluck

Nhiều người theo dõi vụ việc này cho rằng tiến trình luận tội bà Yingluck liên quan tới chương trình trợ giá gạo là nỗ lực của những người bảo hoàng nhằm loại bỏ mọi ảnh hưởng chính trị của gia đình Shinawatra.
Lý do đằng sau những cáo buộc đối với cựu Thủ tướng Yingluck ảnh 1Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra phát biểu trước các phương tiện truyền thông ở Bangkok 9/1. (Nguồn: Reuters)

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã bắt đầu phải đối diện với một tiến trình pháp lý được coi là nhằm để loại bỏ hoàn toàn sự ảnh hưởng của gia đình Shinawatra trên chính trường Thái Lan.

Trong cáo buộc mới nhất lần này của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia được trình lên Hội đồng lập pháp Thái Lan, bà Yingluck bị tố cáo là không thực hiện đúng nhiệm vụ khiến chương trình trợ giá gạo cho người nông dân ở nước này bị thua lỗ nặng.

Tiến trình điều trần bà Yingluck sẽ diễn ra tại Hội đồng lập pháp cho tới khi có phán quyết cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng này. Nếu có khoảng 150 nghị sỹ tán thành, bà Yingluck sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong năm năm và có thể sẽ phải đối mặt thêm với nhiều cáo buộc nữa nếu các công tố viên vào cuộc.

Bà Yingluck đã có những phản ứng khá bình tĩnh khi nói rằng bà từng bị buộc tội ba lần và lần xuất hiện này tại Hội đồng lập pháp nhằm đòi lại sự công bằng cho bà. Theo bà, cáo buộc của Ủy ban chống tham nhũng không những ảnh hưởng tới bà mà còn dập tắt những hy vọng của người nông dân Thái Lan, những người cần có chương trình trợ giá gạo của chính phủ giúp đỡ để tăng thêm thu nhập.

Bà Yingluck khẳng định đã sẵn sàng để biện hộ cho tất cả những cáo buộc đối với mình và không quên nói về động cơ của nó là nhằm mục đích chính trị. Dự kiến sau phiên điều trần này, Hội đồng lập pháp sẽ lập ra một Ủy ban gồm chín thành viên để thực hiện hỏi bà Yingluck những cầu hỏi do các nghị sỹ đưa ra. Ngày 15/1, Hội đồng lập pháp sẽ tổ chức thẩm vấn cả hai bên trước khi có tuyên bố kết luận. Ngày 23/1, Hội đồng lập pháp sẽ tiến hành bỏ phiếu để có được quyết định cuối cùng.

Nhiều người theo dõi vụ việc này cho rằng tiến trình luận tội bà Yingluck liên quan tới chương trình trợ giá gạo là nỗ lực của những người bảo hoàng nhằm loại bỏ mọi ảnh hưởng chính trị của gia đình Shinawatra, từng giành chiến thắng trong bầu cử kể từ năm 2001.

Ông John Le Fevre, một nhà báo Australia sống lâu năm ở Thái Lan, cho biết: "Nếu người ta kết luận bà Yingluck thiếu trách nhiệm hay không thực hiện nhiệm vụ trong vai trò là thủ tướng và là người đứng đầu chương trình trợ giá gạo, thì có lẽ trong tương lai các thủ tướng của Thái Lan đều có khả năng bị kết tội như vậy vì một trách nhiệm nào đó."

Liệu việc luận tội lần này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị nữa ở Thái Lan hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải bởi lẽ những người được hưởng lợi từ chương trình trợ giá gạo có thể không để yên chuyện này. Việc luận tội có thể sẽ khuấy lên tình cảm ủng hộ gia đình ông Thaksin và sẽ dẫn tới sự phản đối của những người áo đỏ.

Ông Thaksin đã lên làm Thủ tướng Thái Lan vào năm 2001 và trở thành thủ tướng được bầu đầu tiên của Thái Lan hoàn thành trọn vẹn một nhiệm kỳ. Ông đã chiến thắng tiếp ở nhiệm kỳ thứ hai, nhưng ngay sau đó đã bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính năm 2006. Tuy nhiên, trong những năm cầm quyền ông Thaksin đã xây dựng được một hậu phương vững chắc ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan thông qua các chính sách vì người nghèo, đặc biệt là chương trình trợ giá gạo cho những người nông dân ở hai khu vực này.

Trong hai năm cầm quyền tạm thời, ông Abhisit Vejjajiva của đảng Dân chủ cũng từng thực hiện chương trình trợ giá gạo kiểu này, nhưng với giá thu mua chỉ cao hơn chút ít so với thị trường tự do. Theo kết luận điều tra các chương trình trợ giá gạo kể từ năm 2004 thì các chính phủ ở Thái Lan đều thực hiện chuyện này và đã chịu lỗ tổng cộng 682 tỷ bạt trong 15 vụ mùa. Riêng chính phủ của bà Yingluck thực hiện trợ giá trong 4 vụ mùa, nhưng chịu lỗ với số tiền kỷ lục là 510 tỷ bạt bởi giá thu mua được nâng lên cao hơn 40% so với thị trường.

Việc gia đình Shinawatra chiếm ưu thế trên chính trường thông qua hệ thống bầu cử đã làm nảy sinh những lo ngại về tương lai của thể chế hiện nay tại Thái Lan khi mà Nhà Vua đang ngày càng ốm yếu hơn và việc lựa chọn người kế nhiệm lại chưa rõ ràng.

Cuộc đảo chính quận sự gần đây nhất và những gì mà chính quyền hiện nay đang tiến hành được cho là nhằm để bảo vệ thể chế hiện nay khi Thái Lan đang chuẩn bị bước vào thời kỳ giữa hai đời Vua, một thời kỳ có thể xảy ra nhiều xáo trộn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục