Lý do Indonesia vẫn chưa trở thành trung tâm hàng hải toàn cầu

Nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiệm kỳ đầu tiên (2014-2019), Tổng thống Jokowi đã thất bại trong việc biến Indonesia thành một trung tâm hàng hải toàn cầu vì ít nhất ba lý do cơ bản.
Lý do Indonesia vẫn chưa trở thành trung tâm hàng hải toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: brookings.edu)

Trang mạng The Conversation mới đây đăng tải bài viết “Tổng thống Jokowi cần làm gì để thực hiện thành công chiến lược Trục hàng hải quốc tế?”

Bài viết đã nêu ra những nghi ngại rằng mặc dù Tổng thống Joko Widodo đã công bố chiến lược Trục hàng hải quốc tế, nhưng cho đến nay, Chính phủ của ông dường như vẫn chưa tìm ra được hướng đi hiệu quả để thúc đẩy việc thực hiện chiến lược này.

Trước thực trạng trên, giới chuyên gia đã đề xuất các giải pháp giúp Chính phủ Indonesia sớm giải quyết vấn đề đó.

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo (Jokowi) công bố chiến lược Trục hàng hải quốc tế nhằm biến Indonesia thành một cường quốc biển trên phạm vi toàn thế giới.

[Việt Nam-Indonesia thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư]

Với chiến lược Trục hàng hải quốc tế, ông Jokowi nuôi tham vọng kết hợp phát triển kinh tế trên bộ và thế mạnh tiềm năng biển của “quốc gia Vạn đảo” để tăng tốc phát triển cho Indonesia, giúp cho đất nước này nhanh chóng tận dụng được ưu thế vốn có để trở thành trung tâm hàng hải quốc tế, kết nối mọi tuyến vận tải biển không chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, đến nay người ta chưa thực sự thấy có nhiều thay đổi hay những bước đi cơ bản của Chính phủ Indonesia trong việc thực hiện chiến lược đầy tham vọng này.

Trục hàng hải quốc tế là gì và vì sao chưa phát huy hết công lực

Xét trên góc độ lý thuyết, chiến lược Trục hàng hải quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Indonesia trong việc cải thiện kết nối giao thông giữa các đảo của quốc gia đang sở hữu hơn 17.000 hòn đảo.

Việc kết nối giao thông thuận lợi sẽ giúp Indonesia thu hẹp khoảng cách phát triển không đồng đều giữa các nhóm đảo, đặc biệt là giữa đảo Java, một trong ba hòn đảo lớn nhất của Indonesia, nơi có thủ đô Jakarta với các đảo khác của Indonesia.

Bên cạnh đó, việc kết nối sẽ giúp Indonesia tăng cường khả năng kiểm soát đối với những vùng biển đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành mục tiêu của các quốc gia bên ngoài xâm lấn.

Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản trong việc Indonesia chưa thực hiện thành công chiến lược Trục hàng hải toàn cầu.

Nói cách khác, những nguyên nhân chính làm cho tham vọng trở thành cường quốc biển của nước này bị cản trở, trong đó nhấn mạnh Chính phủ Indonesia đã quá đề cao việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà bỏ qua việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tăng năng suất hàng hóa và chất lượng dịch vụ.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiệm kỳ đầu tiên (2014-2019), Tổng thống Jokowi đã thất bại trong việc biến Indonesia thành một trung tâm hàng hải toàn cầu vì ít nhất ba lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tác động quá lớn đến nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc tại Indonesia.

Một phần trong chiến lược Trục hàng hải quốc tế của ông Jokowi là xây dựng các cảng biển, các tuyến đường biển kết nối giữa các đảo, rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực của Indonesia.

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải này đã bị trì hoãn, thậm chí bị hủy bỏ do thiếu vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, quốc gia hiện đang bị ảnh hưởng nghiên trọng trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Trong khi đó, Indonesia không thể trông chờ vào các nguồn vốn đầu tư khác vì vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng tại Indonesia vẫn còn rất thấp.

Thứ hai, Indonesia chưa khai thác hết tiềm năng trong ngành thủy sản. Theo đánh giá của giới chuyên gia quốc tế, đến nay Indonesia vẫn là quốc gia chưa sản xuất sản phẩm hải sản chất lượng cao để cung cấp cho thị trường quốc tế.

Điều này cho thấy Indonesia chưa khai thác hết tiềm năng của mình kể cả về tiềm năng nguồn nhân lực lẫn tiềm năng thiên nhiên để hỗ trợ nền kinh tế hàng hải của quốc gia mà lẽ ra Indonesia phải tranh thủ tận dụng được lợi thế này làm bàn đạp phát triển mạnh mẽ hơn.

Thứ ba, Indonesia đang dần suy giảm năng lực đóng mới và phát triển tàu biển hiện đại. Trong thời kỳ đầu hiện đại (1450-1750), những người thợ đóng tàu truyền thống của Indonesia đã chế tạo ra nhiều loại tàu thủy được đánh giá là tương đối hiện đại so với trình độ phát triển lúc đó.

Giai đoạn những năm 1900, công ty do nhà nước sở hữu PT PAL Indonesia đã sản xuất ra nhiều thế hệ tàu vận tải biển và tàu chiến cỡ lớn được cả thể giới biết đến.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp đóng tàu của Inodnesia đã xuống dốc nghiêm trọng, thậm chí có giai đoạn đứng trước nguy cơ phá sản, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 1997-1998.

Trách nhiệm nặng nề của Tổng thống Jokowi

Cho đến nay, ngành công nghiệp đóng tàu của Indonesia vẫn đang vật lộn xoay sở để tìm lại chỗ đứng.

Theo định hướng của Chính quyền Tổng thống Jokowi, PT PAL Indonesia đã đầu tư khoảng 150 tỷ rupiah cho công nghệ đóng tàu hiện đại.

Ngoài ra, công ty cũng đã tìm các đối tác nước ngoài ký kết hợp đồng chế tạo các loại tàu vận tải, tàu thương mại và tàu chiến cung cấp cho nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, năng lực PT PAL Indonesia vẫn ở mức độ nhất định vì chưa sở hữu lực lượng lao động tay nghề cao, cũng như chưa nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ để đổi mới công nghệ và dây chuyền sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển của thế giới.

Để có bước đi đúng hướng nhằm trở thành một cường quốc biển, Indonesia nên hồi sinh văn hóa hàng hải, nền văn hóa mà trong lịch sử phát triển đã được các vương quốc cổ đại ở Java và Sumatra xây dựng.

Indonesia nên phát triển công nghệ hàng hải và kết hợp phát triển kinh tế trên bộ, trên biển. Bước đầu tiên sẽ bao gồm các công nghệ hàng không và vệ tinh.

Sau đó, tập trung tăng cường tổng hợp cả tài nguyên trên cạn và trên biển để tăng trưởng kinh tế.

Giới quan sát cho rằng với khoảng thời gian 5 năm trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai này, ông Jokowi vẫn còn cơ hội thực hiện thành công chiến lược Trục hàng hải quốc tế mà ông đã đưa ra từ khi nhậm chức Tổng thống Indonesia năm 2014.

Biện pháp mà Chính phủ Indonesia nên tiến hành đó là ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải, Chính phủ nên chú trọng đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến cũng như tích hợp các nền kinh tế trên đất liền và trên biển.

Đối với hoạt động đầu tư vào công nghệ tiên tiến, Chính phủ của ông Jokowi cần thúc đẩy công nghệ hàng không và vệ tinh của đất nước để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và giao dịch toàn cầu.

Hoạt động vận tải biển trên nhiều tuyến hải hàng trong phạm vi rộng lớn của Indonesia cần phải có hệ thống an ninh giám sát chặt chẽ, đem lại sự an toàn cho mọi hoạt động trong mọi tình huống….mới có thể phát huy được tính hiệu quả của các tuyến vận tải biển.

Có nhiều tín hiệu cho thấy Chính phủ Indonesia thời gian qua đã nghiêm túc xem xét vấn đề này và đã quyết định chi 1,1 tỷ USD vào việc phát triển công nghệ giám sát an ninh vệ tinh.

Tiếp theo đó là hướng đi tích hợp phát triển kinh tế trên đất liền và kinh tế biển làm sức mạnh tổng hợp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Nếu Indonesia thực sự muốn trở thành Trục hàng hải của thế giới, quốc gia này cần phải hợp nhất các nền kinh tế giữa vùng nội địa và vùng ven biển. Tại các khu vực nội địa cần được xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại và có kết nối chặt chẽ với nhau.

Song song với đó cần tạo ra các cấu trúc chính sách kinh tế nhất định, như tối đa hóa các cảng biển để vận chuyển các mặt hàng thực phẩm bao gồm rau, trái cây, thịt… phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Chính phủ có thể thiết kế một chính sách đặc biệt để giúp việc vận chuyển hàng hóa của người dân dễ dàng hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Tất cả là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Bằng cách này, các khu vực sẽ tự hình thành mối quan hệ cung và cầu, điều này sẽ tạo ra cơ chế của một thị trường quốc gia độc lập và sẽ giúp Indonesia “miễn nhiễm” trong bối cảnh suy thoái thị trường ngắn hạn và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Hơn nữa, điều này sẽ phát triển đáng kể nền kinh tế hàng hải, chủ yếu sử dụng tiềm năng của khu vực.

Lý do Indonesia vẫn chưa trở thành trung tâm hàng hải toàn cầu ảnh 2Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Jakarta ngày 16/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuối cùng là hồi sinh văn hóa hàng hải Indonesia. Trong lịch sử phát triển, hai vương quốc lớn là Srivijaya (nay là vùng Palembang thuộc tỉnh Nam Sumatra) và Majapahit (nay là tỉnh Đông Java) đã trở thành các cường quốc hàng hải trên thế giới.

Khi đó người dân của các vương quốc này đã tiến hành các hoạt động giao thương rất dễ dàng với người Trung Quốc thông qua các tuyến đường biển. Họ thành thạo các kỹ năng giao thương và đi biển, từ đó khởi xướng “Con đường gia vị,” kết nối phương Đông với phương Tây, do đó họ độc lập về mặt kinh tế.

Thậm chí ngày nay, một số người Indonesia vẫn tự nhận mình là những người đi biển có kiến thức hàng hải uyên thâm, những người đóng tàu đáng gờm và những thương lái trên biển thành đạt.

Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, Indonesia vẫn còn cách xa vinh quang hàng hải mà trong lịch sử phát triển vương quốc Srivijaya và Majapahit đã có được.

Trách nhiệm của Tổng thống Jokowi là làm sống lại nền văn hóa hàng hải này, vì vậy Indonesia một lần nữa có thể trở thành những người đóng vai trò chính trong mạng lưới hàng hải toàn cầu, chứ không phải là các đối tượng phải bỏ ra chi phí để mua dịch vụ từ mạng lưới vận tải biển quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục