Quân đồng minh khiến Mỹ khó rút khỏi các cuộc chiến ở nước ngoài?

Lý do Mỹ khó rút khỏi các cuộc chiến ở nước ngoài

Các đồng minh của Mỹ đều không sẵn sàng gửi thêm quân đến những điểm nóng chiến sự ở các nước, và cho tới lúc này, sự ủng hộ của họ đối với các chiến dịch của Mỹ chủ yếu dừng ở mức độ danh nghĩa.
Lý do Mỹ khó rút khỏi các cuộc chiến ở nước ngoài ảnh 1Binh sỹ Mỹ phong tỏa hiện trường một vụ tấn công ở Kabul, Afghanistan, ngày 24/9/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Nước Mỹ đã nhiều lần kêu gọi đồng minh tăng cường ủng hộ các chiến dịch quân sự của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông, với hy vọng nhờ đó Washington có thể tập trung nguồn lực trong cuộc chiến đối đầu với Nga và Trung Quốc.

Thế nhưng hầu như các đồng minh của Mỹ đều không sẵn sàng hoặc không có khả năng gửi thêm quân đến những điểm nóng chiến sự ở các nước, và cho tới lúc này, sự ủng hộ của họ đối với các chiến dịch của Mỹ chủ yếu dừng ở mức độ danh nghĩa.

Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin tình báo địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, phân tích rằng sự thiếu tin tưởng ngày càng gia tăng của các nước đồng minh đối với đường hướng, kế hoạch của Mỹ về vấn đề Iran chính là nguyên nhân khiến Nhà Trắng khó huy động được ủng hộ cho chương trình an ninh ở Vịnh Persian.

Ở những khu vực khác như Syria, có thể Mỹ sẽ huy động thêm được một số quân hậu thuẫn từ các nước khác nhưng vẫn không thể đủ số lượng cần thiết để Washington có thể rút hoàn toàn khỏi vùng chiến sự này.

Đồng minh Tây Âu: có khả năng nhưng không sẵn sàng Ở châu Âu, Anh và Pháp là hai đồng minh mạnh nhất và có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ. Cả hai nước đều tích cực tham gia chiến dịch chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) do Mỹ đứng đầu.

Đặc biệt, Anh là nước đóng góp lượng quân khá lớn cho chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan và trong năm vừa qua Anh đã điều gấp đôi số quân tới nước này theo đề nghị của Mỹ.

Pháp đã rút quân khỏi Afghanistan từ cuối năm 2012 nhưng Paris vẫn có lực lượng hoạt động trên khắp khu vực tiểu vùng Sahara ở châu Phi sát cánh bên lực lượng của Mỹ.

Kể từ khi ông Trump bất ngờ tuyên bố kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Syria hồi tháng 4/2019, Nhà Trắng đã cố thuyết phục các đồng minh tăng cường gửi quân đến khu vực này để quá trình rút quân của Mỹ được thuận lợi.

Tuy nhiên, cả Anh, Pháp và các đồng minh của Mỹ đều tỏ ra lưỡng lự về việc duy trì quân của họ ở Syria mà không có sự hiện diện của Mỹ bởi lo ngại bị bỏ rơi không được hỗ trợ tại một địa bàn rất dễ đụng độ với các lực lượng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Gần đây, Pháp và Đức đã có chút nhân nhượng về việc cam kết tăng số quân tới Syria của họ lên 10% nhưng điều này không thấm gì so với đề nghị của ông Trump nhằm có được lực lượng hậu thuẫn thay thế để rút quân Mỹ khỏi nơi đây. Và câu chuyện tương tự cũng xảy ra trong vấn đề Vịnh Persian.

[Lầu Năm Góc: IS lợi dụng việc Mỹ rút quân để hồi sinh ở Syria, Iraq]

Sau hàng loạt vụ tấn công tàu chở dầu liên quan đến Iran hồi tháng 7/2019, Washington muốn thành lập liên minh các đồng minh khu vực và toàn cầu nhằm đảm bảo an ninh cho các tàu chở dầu qua lại khu vực này, và đó cũng là hành động “dằn mặt” Iran nếu định có tiếp những hành động khiêu khích trong tương lai.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Trump quyết định rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018, hầu hết các đồng minh của Mỹ trên toàn cầu đều nghi ngại đường hướng của Washington đối với Tehran.

Và như vậy hầu hết đồng minh của Mỹ, kể cả những đồng minh khăng khít nhất, đều từ chối ủng hộ sáng kiến giám sát an ninh ở khu vực Vịnh Ba Tư do Mỹ đề xuất bởi e ngại sẽ bị sa lầy vào cuộc chiến thực sự với Iran.

Ngoài Anh và Pháp, Đức từ lâu là đối tác quân sự trung thành của Mỹ. Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức hiện cung cấp khá nhiều phương tiện quân sự cho quân đội Mỹ và điều động khá nhiều quân đến Afghanistan với số lượng chỉ kém Mỹ.

Tuy nhiên, Đức vẫn rất quan ngại về đường hướng của Washington. Chính điều này, cộng với việc người dân Đức không ủng hộ đưa quá nhiều quân đến các nước khác, là lý do Đức đã từ chối đề nghị của Mỹ là cử thêm quân đến Syria hay tham gia hợp lực vào chiến dịch giám sát an toàn vùng vịnh Ba Tư của Mỹ có tên gọi “Sentinel” (Canh gác).

Đồng minh Đông Âu: Sẵn sàng nhưng không có tiềm lực Một số đồng minh Đông Âu nhỏ hơn của Mỹ như Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Gruzia tỏ ra sẵn sàng hơn nhiều trong việc tham gia vào các chiến dịch quân sự của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới.

Các nước này, không phải ngẫu nhiên, đều rất lo ngại về nguy cơ có thể đụng độ với Nga. Chính vì vậy, họ sẵn sàng làm tất cả trong khả năng của mình để hỗ trợ Mỹ trong các chiến dịch quân sự ở các nước khác, với mong đợi rằng Washington cũng sẽ giúp họ khi cần trong trường hợp họ phải đối đầu với Moskva.

Tuy nhiên, vấn đề của những nước này là họ không có tiềm lực. So với quy mô một nước nhỏ như Gruzia thì những gì nước này đã đóng góp quá nhiều cho chiến dịch của Mỹ ở Afghanistan.

Tổng cộng số lượng quân của Gruzia ở Afghanistan hiện nay gần bằng số quân của Anh và Đức, trong khi dân số của Gruzia là 4 triệu người, của Đức là 83 triệu người và của Anh là 66 triệu người.

Những yếu tố buộc các nước Đông Âu phải tham chiến cùng với quân đội của Mỹ cũng chính là là những yếu tố hạn chế khả năng họ có thể tham gia hiệu quả, hay nói cách khác, sức mạnh quân sự của họ chưa đủ để hậu thuẫn Mỹ và cũng chưa đủ để tự vệ chống lại Nga khi cần.

Châu Á-Thái Bình Dương: vừa sẵn sàng vừa không Tất nhiên, đối tác của Mỹ không chỉ có ở phương Tây. Washington có một số đồng minh khá mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Ví dụ, lực lượng hải quân hùng mạnh của Nhật Bản có thể hỗ trợ rất tốt trong việc đối phó với Iran ở vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, cũng giống như các đồng minh Tây Âu của Mỹ, Nhật Bản vẫn khá đề phòng những ý đồ của Mỹ và cho đến lúc này vẫn từ chối tham gia vào chiến dịch giám sát an toàn vùng vịnh Ba Tư mang tên Sentinel.

Mặc dù vậy, ngay cả khi Tokyo sẵn sàng giúp sức Mỹ, thì quan điểm yêu chuộng hòa bình nói chung của người dân Nhật Bản và những điều khoản trong bản Hiến pháp của nước này cũng sẽ hạn chế khả năng Nhật Bản có thể tham gia vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài.

Trong khi đó, khả năng ngày một gia tăng của Hàn Quốc khiến họ trở thành đối tác “khá hấp dẫn” với Mỹ trong mục tiêu huy động quân tới Trung Đông và các khu vực khác nữa.

Nhưng trong thời điểm hiện tại, Seoul lại đang tập trung mọi nguồn lực của mình để đối phó với các nguy cơ từ Triều Tiên, cho nên chắc chắn sẽ không chấp nhận điều động lực lượng quân sự lớn của họ tham gia vào các chiến dịch của Mỹ.

Và cuối cùng là Australia. Liên minh quân sự giữa Australia và Mỹ đã được củng cố trong những năm gần đây và Canberra đã góp phần đáng kể vào nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

Tuy nhiên, quy mô quân đội khá nhỏ của Australia đã hạn chế việc nước này có thể hỗ trợ Mỹ thực hiện các ưu tiên quân sự toàn cầu. Hơn nữa, với lực lượng quân sự ngày càng gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực Thái Bình Dương, cả Australia và Nhật Bản đều muốn duy trì đa số lực lượng trong nước.

Tương tự như vậy, các hoạt động hiếu chiến của Nga trong khu vực cũng buộc các nước Đông Âu nhỏ hơn cần tập trung bảo vệ lãnh thổ của mình trước.

Chính vì vậy, mặc dù Mỹ có thể khó tìm được đồng minh hỗ trợ cho mình rút khỏi các cuộc chiến đã kéo dài ở Trung Đông, nhưng họ có thể tìm được đồng minh sẵn sàng hợp tác với Mỹ để chống lại Moskva và Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục