Lý do Mỹ không cần quá lo lắng về 'liên minh Trung Quốc-Taliban'

Theo trang mạng thehill.com, dù tham vọng của Trung Quốc trong việc giành được sự khai thác độc quyền đất hiếm ở Afghanistan là đáng lo ngại, Mỹ cũng không nên quá bi quan về điều này.
Lý do Mỹ không cần quá lo lắng về 'liên minh Trung Quốc-Taliban' ảnh 1Các công nhân khai thác khoáng sản ở Afghanistan. (Ảnh: Al Jazeera)

Theo trang mạng thehill.com, khi nỗi thất vọng về cuộc rút lui đầy hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan ngày càng dâng cao, những mối lo ngại của Mỹ và các đồng minh về sự xuất hiện của một liên minh Trung Quốc-Taliban cũng bắt đầu lớn dần.

Yếu tố then chốt gây căng thẳng chính là trữ lượng khoáng sản khổng lồ của Afghanistan, đặc biệt các nguyên tố đất hiếm như neodymium và lithium - vốn là những nguyên liệu thiết yếu cho nhiều lĩnh vực công nghệ trong thời đại chúng ta.

Về lý thuyết, Trung Quốc đang thống trị toàn cầu về đất hiếm, và việc tiếp cận một cách dễ dàng hơn với các nguồn khoáng sản của Afghanistan - ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD - sẽ càng giúp nâng cao "đòn bẩy" kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc so với phần còn lại của thế giới.

Sự thao túng kinh tế của Bắc Kinh là vấn đề rất đáng quan tâm, nhưng Mỹ cũng không cần phải quá lo lắng về mối quan hệ kinh tế đang nổi lên giữa Trung Quốc và Taliban.

Chi phí để Trung Quốc khai thác khoáng sản của Afghanistan là cao hơn nhiều so với những gì người ta nhìn thấy bề ngoài, và các quốc gia phương Tây đang tìm cách giành lại phần nào sự tự chủ về đất hiếm để khỏi phải phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Rõ ràng, Bắc Kinh đang rất quan tâm đến đất hiếm của Afghanistan. Một ước tính cho thấy nhu cầu toàn cầu về lithium, nguyên liệu rất quan trọng để sản xuất pin lithium-ion, sẽ tăng lên gấp 40 lần vào năm 2040 do sự gia tăng nhu cầu về năng lượng tái tạo.

Theo đánh giá của Lầu Năm Góc hồi năm 2010, trữ lượng lithium của Afghanistan vẫn chưa được khai thác và đây có thể là nguồn lithium lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các khoáng sản của Afghanistan hiện vẫn chưa được khai thác là do những khiếm khuyết nghiêm trọng về cấu trúc của nền kinh tế nước này, và sự can dự của Trung Quốc (thay thế Mỹ) cũng khó có thể làm thay đổi được tình trạng đó.

[Dấu chấm hết cho ảnh hưởng của Mỹ ở Afghanistan trong tương lai?]

Mỏ đồng MesAynak và dự án dầu mỏ lưu vực Amu Darya là những khoản đầu tư đáng kể nhất mà Trung Quốc đã nỗ lực đổ vào Afghanistan trong 2 thập kỷ qua. Cả 2 dự án này hiện đều bị đình trệ do tình trạng an ninh kém và thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản.

Việc khởi động lại các dự án này có thể đòi hỏi phải có sự hợp tác sâu rộng với Taliban để cung cấp các phương tiện công cộng cơ bản.

Trung Quốc không có kinh nghiệm trong việc xây dựng quốc gia kiểu này; sự hợp tác với Cộng hòa Djibouti ở châu Phi là trải nghiệm duy nhất mà Trung Quốc có được cho đến nay. Sau nhiều năm đầu tư cơ sở hạ tầng ở quốc gia châu Phi nhỏ bé nhưng quan trọng vì nằm ở cửa ngõ Biển Đỏ, Trung Quốc đã thiết lập được căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại quốc gia này vào năm 2017.

Căn cứ này chỉ cách Cảng đa dụng Doraleh vài phút lái xe, do Djibouti và Trung Quốc hợp tác xây dựng và nhằm bảo vệ nguồn đầu tư của Bắc Kinh. Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc-Djibouti đang có dấu hiệu lạnh nhạt sau khi khoản đầu tư của Trung Quốc không mang lại lợi nhuận như mong đợi.

Ngay cả khi Trung Quốc có ý định lấp đầy khoảng trống ở Afghanistan, sự phụ thuộc của Mỹ vào đất hiếm của Trung Quốc cũng có thể sẽ sớm được giảm bớt đáng kể nhờ những tiến bộ công nghệ gần đây. Mỹ hầu như nhập khẩu toàn bộ đất hiếm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Điều này không phải là vì Mỹ không có trữ lượng khoáng sản mà vì việc khai thác và chế biến chúng theo truyền thống đã gây hại cho môi trường quá mức - một vấn đề mà Trung Quốc không quá quan tâm.

Chẳng hạn, việc khai thác lithium sẽ thải ra khí CO2, làm ô nhiễm nguồn nước và phá hoại đất đai. Tuy nhiên, theo các công ty phương Tây đang nghiên cứu công nghệ xanh để chiết xuất lithium thì vấn đề này hiện có thể giải quyết được.

Tại vùng nước mặn giàu lithium ở Biển Salton thuộc bang California, được mệnh danh là “thung lũng Lithium”, việc khai thác bền vững có thể được thực hiện trong các nhà máy địa nhiệt.

Với việc hầu như không gây hại cho môi trường, các Công ty sáng tạo này đang xây dựng các dự án điển hình hứa hẹn sẽ đáp ứng 40% nhu cầu lithium toàn cầu chỉ trong vài năm. Các nỗ lực tương tự cũng đang được xúc tiến tại Vương quốc Anh và Đức.

Các cơ quan chính phủ Mỹ cũng đang khuyến khích những đổi mới này. Bộ Năng lượng đã tài trợ cho các dự án thử nghiệm về các phương pháp khác nhau để chiết xuất lithium từ nước muối.

Ủy ban Năng lượng California đã trao các khoản tài trợ cho các dự án thử nghiệm tại vùng Biển Salton. Nếu không có bất kỳ rào cản nào về chính sách hoặc quy định, những tiến triển đầy hứa hẹn này có thể sớm giải phóng nhu cầu lithium của Mỹ khỏi sự độc quyền của Trung Quốc.

Cách Mỹ kết thúc “cuộc chiến bất tận” ở Afghanistan đang gây thất vọng về nhiều mặt. Tuy nhiên, dù tham vọng của Trung Quốc trong việc giành được sự khai thác độc quyền đất hiếm ở Afghanistan là đáng lo ngại, Mỹ cũng không nên quá bi quan về điều này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục