Lý do Nhật Bản thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên

Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào là một sự thay đổi so với chính sách đối ngoại trước đây của Tokyo.
Lý do Nhật Bản thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: japantimes.co.jp)

Trang mạng The Diplomat ngày 14/5 có bài viết tiêu đề “Nhật Bản thúc đẩy Hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên.”

Bài viết cho rằng việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào là một sự thay đổi so với chính sách đối ngoại trước đây của Tokyo. Nội dung bài viết như sau:

Nhật Bản hiện đang tìm kiếm một cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào mặc dù trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra tín hiệu rằng sẽ chỉ đồng ý cuộc gặp như vậy nếu Tokyo được bảo đảm về tiến trình giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.

[Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ giúp Nhật Bản-Triều Tiên xích lại gần nhau?]

Đây rõ ràng là sự nhượng bộ của Nhật Bản nhằm dọn đường cho một cuộc gặp trực tiếp sau khi nước này loại bỏ nội dung “tối đa hóa áp lực đối với Triều Tiên” trong Sách Xanh ngoại giao năm 2019, ban hành tháng Tư vừa qua.

Đầu năm 2019, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, Nhật Bản đã quyết định không tham gia cùng với Liên minh châu Âu (EU) trình hồ sơ nhân quyền Triều Tiên lên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc.

Ông Abe đã công khai lập trường gặp lãnh đạo Triều Tiên vô điều kiện sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 6/5.

Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh Tokyo sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để tìm giải pháp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì ổn định, hòa bình khu vực.

Tuy nhiên, ông Abe lưu ý rằng ưu tiên ngoại giao của Nhật Bản là làm rõ số phận của công dân nước này bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Trao đổi với báo giới, Thủ tướng Abe nói: “Để giải quyết vấn đề bắt cóc, chúng ta không nên bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào. Bản thân tôi phải gặp trực tiếp Chủ tịch Kim Jong-un mà không cần kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Tôi dự định thực hiện điều này với quyết tâm rằng chúng tôi sẽ không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.”

Năm 2002, có 5 nạn nhân bị bắt cóc đã được trở về Nhật Bản sau khi Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Junichiro Koizumi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il- cha của Kim Jong-un.

Sau sự kiện này, Bình Nhưỡng đã nhiều lần khẳng định rằng các nạn nhân bị nghi ngờ bắt cóc khác đã qua đời hoặc chưa bao giờ đặt chân được tới Triều Tiên.

Tuy nhiên, Tokyo không tin những tuyên bố này và cho rằng nhiều công dân Nhật Bản bị bắt cóc hiện vẫn có thể còn sống tại Triều Tiên.

Phát biểu tại một cuộc họp báo về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, một quan chức Nhật Bản cho biết “mục tiêu cuối cùng, tôi nghĩ là khá rõ ràng, chúng tôi muốn đưa mọi người hồi hương sớm nhất có thể."

Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 6/2018, ông Abe đã tuyên bố chuẩn bị gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy nhiên, nhiều quan sát cho rằng Tokyo sẽ đề nghị một số đảm bảo về tiến trình giải quyết vấn đề bắt cóc.

Tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2018, ông Abe nhấn mạnh “nếu hội nghị thượng đỉnh Nhật-Triều được tổ chức thì tôi xác định đó phải là một cuộc họp góp phần giải quyết vấn đề bắt cóc.”

Tuy nhiên, Nhật Bản dường như đang bị Triều Tiên phớt lờ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gặp các lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga, tất cả các thành viên trong các cuộc đàm phán 6 bên trước đây trừ Nhật Bản.

Điều này khiến Nhật Bản phải tìm sự hỗ trợ từ các nhà lãnh đạo khác như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, để có được vị thế nhằm giải quyết vấn đề bắt cóc với Triều Tiên.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã không đạt được hoàn toàn mục đích do mỗi quốc gia đều có những ưu tiên ngoại giao riêng. Ông Abe đã phải thay đổi quan điểm bằng cách hướng tới một cuộc đàm phán song phương vô điều kiện.

Trước đó, Bình Nhưỡng đã gửi tín hiệu lạnh nhạt với Tokyo thông qua phương tiện truyền thông nhà nước vào tháng 3/2019, bằng việc đổ lỗi cho Nhật Bản vì đã đưa vấn đề bắt cóc vào nội dung cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội, gây ảnh hưởng nhất định, khiến Hội nghị này đổ vỡ.

Tờ báo của nhà nước Triều Tiên Rodong Sinmun khẳng định “Tokyo đừng mơ tới việc giao dịch với Triều Tiên mà chưa thực hiện bồi thường đầy đủ cho những tội ác trong quá khứ, thời gian chiếm đóng bán đảo Triều Tiên."

Hiện tại, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đề nghị một cuộc gặp trực tiếp sớm nhất để thảo luận thẳng thắn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sankei Shimbun, ông Abe cho biết “điều quan trọng nhất là Nhật Bản có sáng kiến riêng để giải quyết vấn đề này.”

Ông cũng cho biết thêm “một nguyên nhân khiến ông đau khổ tột độ” là Nhật Bản không thể thực hiện được việc đưa những nạn nhân bị bắt cóc của nước này về nước kể từ năm 2002.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bình luận tuyên bố của thủ tướng nước này về hội nghị thượng đỉnh Nhật-Triều vô điều kiện là sự phản ánh rõ ràng quyết tâm chấm dứt mối ngờ vực lẫn nhau để hướng tới giải quyết các vấn đề hạt nhân, tên lửa và bắt cóc.

Ông Suga đã tới Mỹ để thảo luận về vấn đề này với Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan.

Tuyên bố do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Suga và ông Pompeo hôm 9/5 cho biết hai bên đã tái khẳng định cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng” bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm Washington và New York của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên tiến hành 2 vụ thử tên lửa trong vòng chưa đầy một tuần.

Theo đánh giá của chính phủ Nhật Bản, hai tên lửa mà Triều Tiên phóng trong vụ thử hôm 9/5 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Tokyo lên án các vụ phóng tên lửa này và cho rằng Bình Nhưỡng đang cố gắng chen vào giữa quan hệ của Mỹ và các đồng minh khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc.

Khi được hỏi liệu Washington có phải đã đề nghị Tokyo thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều vô điều kiện hay không, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản - tại buổi họp báo sau cuộc điện đàm giữa ông Abe và ông Trump - cho biết: “Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết về những gì thực sự được thảo luận trong cuộc điện đàm (giữa Trump và Abe), nhưng tôi có thể nói rằng chúng tôi liên lạc rất chặt chẽ với Mỹ ở mọi cấp độ và về cơ bản khi chúng tôi đưa ra bất kỳ quyết định nào, tôi nghĩ rằng trước tiên chúng tôi sẽ trao đổi với người Mỹ và ngược lại.”

Tại buổi họp báo, các quan chức Nhật Bản cũng cho biết Tokyo sẽ tiếp tục tìm kiếm một cuộc đối thoại với Triều Tiên qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm cả kênh mà nước này vẫn sử dụng, đó là thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục