Lý giải nguyên nhân Ấn-Nhật thúc đẩy hợp tác các cơ quan không gian

Cuộc cạnh tranh địa chính trị ở châu Á, với sự nổi lên đồng thời của ba cường quốc châu lục, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các cơ quan không gian của Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường quan hệ đối tác.
Lý giải nguyên nhân Ấn-Nhật thúc đẩy hợp tác các cơ quan không gian ảnh 1Tên lửa đẩy PSLV-C43 mang theo vệ tinh quan sát HysIS rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan (SDSC), đảo Sriharikota, ngoài khơi vịnh Bengal, Ấn Độ ngày 29/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo Financial Express, cuộc họp đầu tiên của Đối thoại Không gian Ấn Độ-Nhật Bản dự kiến sẽ diễn ra tháng 3/2019. Tại đây, các cơ quan không gian của hai nước là Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) và Cơ quan Thăm dò Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sẽ tập trung thảo luận xoay quanh chủ đề Giám sát và Nhận thức hàng hải (MDA) tại các vùng biển thuộc biển Hoa Đông, Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Việc tổ chức cuộc Đối thoại này do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe công bố tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa hai nước hồi tháng 10 vừa qua. Đối thoại không gian sẽ quy tụ các đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng các bộ khác của Ấn Độ và Nhật Bản và cả các quan chức thuộc ISRO và JAXA.

Hiện cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có những hệ thống riêng để theo dõi các hình ảnh vệ tinh và di chuyển của tàu thuyền trên các đại dương, bởi những thông tin này rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và an ninh bờ biển của mỗi nước.

Theo tiến sỹ Rajeswari Pillai Rajagopalan, người đứng đầu Sáng kiến chính sách hạt nhân và không gian thuộc Quỹ nghiên cứu nhà quan sát, đối thoại không gian và quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn giữa Ấn Độ và Nhật Bản được thúc đẩy bởi nhân tố Trung Quốc trỗi dậy và các hệ quả chiến lược từ sự trỗi dậy đó.

[Ấn Độ chuẩn bị lắp đặt hơn 500 trạm không gian ở các nước láng giềng]

Cuộc cạnh tranh địa chính trị ở châu Á, với sự nổi lên đồng thời của ba cường quốc châu lục, là động lực cấp thiết mạnh mẽ thúc đẩy các cơ quan không gian của Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường quan hệ đối tác.

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều không có khả năng cạnh tranh với sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực không gian. Thông qua các nỗ lực hợp tác của mình, hai nước này sẽ có cơ hội tốt hơn để mang lại những thay đổi trong động lực an ninh không gian của châu Á.

Giám sát và Nhận thức hàng hải (MDA) tại các vùng biển thuộc biển Hoa Đông, Biển Đông và Ấn Độ Dương nhiều khả năng sẽ là những vấn đề trọng tâm trong đối thoại không gian song phương lần này.

Ấn Độ và Nhật Bản hiện đang có những kế hoạch thực hiện sứ mệnh Mặt trăng, lĩnh vực mà Trung Quốc đã đạt được những bước tiến ấn tượng. Động lực an ninh châu Á sẽ thúc đẩy hai nước này tiến đến những cấp độ hợp tác cao hơn trong những năm tới.

ISRO và JAXA đã tổ chức cuộc họp Nhóm công tác chung lần thứ hai hồi tháng 9/2018 để thảo luận các lĩnh vực hợp tác và công nhận tầm quan trọng của việc theo dõi các hoạt động trong vũ trụ và các đại dương.

Theo số liệu được công bố vào cuối Hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa hai nước vừa qua, trong năm ngoái, ISRO và JAXA đã ký Thỏa thuận Triển khai (IA) liên quan đến Tiền nghiên cứu Giai đoạn A và Nghiên cứu Giai đoạn A của Sứ mệnh thăm dò vùng cực Mặt Trăng. Hai bên đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu khả thi hồi tháng banăm nay.

Hiện Ấn Độ đang dựa vào các hình ảnh vệ tinh của Mỹ để theo dõi hoạt động di chuyển quân của Trung Quốc dọc khu vực biên giới, và với Đối thoại Không gian này giữa Ấn Độ và Nhật Bản, New Delhi đang hướng đến những nguồn khác để thu thập thông tin.

Cũng tại Đối thoại không gian, hai bên sẽ đề cập vấn đề rác thải vũ trụ và cách thức loại bỏ các mảnh vỡ đang di chuyển trong quỹ đạo Trái Đất.

Khu vực Ấn Độ Dương chiếm 66% lượng dầu mỏ của thế giới và 50% lượng vận chuyển container với hơn 100.000 chuyến tàu đi qua khu vực này mỗi năm.

Với trên 75% hoạt động thương mại đường biển của thế giới và 50% lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu đi qua khu vực này mỗi ngày, Ấn Độ Dương đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thương mại thế giới và sự thịnh vượng kinh tế của nhiều quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục