Lý giải những quan ngại khi ZTE và Huawei tiếp cận thị trường Mỹ

Theo giới phân tích, do luôn đau đáu lo ngại các sản phẩm viễn thông sẽ “mở lối” cho Bắc Kinh bí mật theo dõi Mỹ, Chính phủ Mỹ sẽ duy trì “đóng cửa” đối với các sản phẩm của ZTE, Huawei.
Lý giải những quan ngại khi ZTE và Huawei tiếp cận thị trường Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Mặc dù chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt thỏa thuận nới lỏng trừng phạt sau khi ZTE nhất trí trả khoản phạt khổng lồ, song các công ty viễn thông Trung Quốc như ZTE và Huawei vẫn đối mặt với khả năng thắt chặt khi tiếp cận vào thị trường Mỹ.

Theo giới phân tích, do luôn đau đáu lo ngại điện thoại, thiết bị định tuyến và các sản phẩm khác sẽ “mở lối” cho Bắc Kinh bí mật theo dõi Mỹ, Chính phủ Mỹ sẽ duy trì “đóng cửa” đối với các sản phẩm của ZTE và Huawei, đồng thời khẳng định ngành viễn thông Mỹ sẽ tiếp tục chịu sức ép để tránh các thiết bị có xuất xứ từ hai nguồn trên.

Thượng viện Mỹ ngày 19/6 đã thông qua một dự thảo sửa đổi về việc áp đặt trở lại lệnh cấm Bộ Quốc phòng nước này mua sắm thiết bị từ tập đoàn viễn thông ZTE khổng lồ của Trung Quốc.

Dự thảo sửa đổi này, một phần trong Đạo luật Cấp phép quốc phòng, được coi là sự chống trả trước những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc cho phép ZTE tiếp cận thị trường Mỹ.

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những tác động tới kinh tế toàn cầu]

Trước đó, ngày 13/6, các nghị sỹ và cố vấn Mỹ cho biết thỏa thuận nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Washington đối với ZTE có thể sẽ bị Quốc hội Mỹ bác bỏ.

Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, nghị sỹ Cộng hòa Mac Thornberry, cho biết ông sẽ phản đối bất kỳ điều khoản nào trong Đạo luật Cấp phép quốc phòng không phù hợp quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ nếu các điều khoản này đe dọa trì hoãn việc thông qua ngay lập tức dự luật quốc phòng trị giá 716 tỷ USD này.

Bốn thượng nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa Mỹ – những người lên án thỏa thuận cho phép ZTE khôi phục hoạt động mua linh kiện điện tử của Mỹ - ngày 5/6 cũng đã đề xuất việc cấm triệt để chính phủ mua các sản phẩm và dịch vụ từ cả ZTE và Huawei.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio nhấn mạnh: “Huawei và ZTE tạo ra mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia của Mỹ. Các công ty này có các mối liên hệ trực tiếp với Chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Quan chức này khẳng định: “Các sản phẩm và dịch vụ được dùng phục vụ mục đích do thám và đánh cắp sở hữu trí tuệ, và chúng đã và đang đặt người Mỹ và nền kinh tế Mỹ trước rủi ro…”

Về phần mình, các chuyên gia cho biết động thái trên có thể cản trở tăng trưởng của mạng không dây 5G thế hệ kế tiếp tại Mỹ. Hai công ty Trung Quốc này đang ở vị trí trở thành những đơn vị đi đầu toàn cầu trong việc triển khai mạng 5G, mới bắt đầu tại một số quốc gia trong năm nay.

Chuyên gia an ninh Trung Quốc tại Eurasia Group Paul Triolo nhìn nhận: “Lo ngại nhìn chung là các công ty này thân cận với Chính phủ Trung Quốc,” “lo ngại đã được thúc đẩy gia tăng” do công nghệ di động thế hệ thứ 5 dựa trên nền tảng đám mây, ẩn chứa khả năng mở lối để nhà cung cấp dịch vụ tiếp cận các dữ liệu nhạy cảm.

Trên thực tế, các quan chức Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cho rằng hai công ty trên có thể thiết kế thiết bị của họ cho phép cơ quan tình báo Trung Quốc đột nhập các mạng lưới của Mỹ và “hút” lấy dữ liệu, thông tin cá nhân từ điện thoại di động.

Một báo cáo của Quốc hội năm 2012 chỉ ra rằng việc sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE tại hạ tầng quan trọng của Mỹ “có thể làm xói mòn những lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của Mỹ”.

Phát biểu tại một tiểu ban Thượng viện Mỹ hồi tháng Hai, sáu quan chức tình báo và an ninh hàng đầu của Mỹ cho biết họ sẽ không sử dụng thiết bị từ hai công ty trên.

Đáng chú ý, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray bày tỏ: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các rủi ro của việc cho phép bất cứ công ty hoặc tổ chức nào liên quan đến các chính phủ nước ngoài không chia sẻ các giá trị nhằm giành các vị trí quyền lực trong các mạng lưới viễn thông của chúng tôi”.

Giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Mỹ William Evanina hồi tháng Năm đã xác nhận những điện thoại dán mác ZTE quá rủi ro. Lời cảnh báo được đưa ra giữa bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về công nghệ và hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Facebook mới đây cũng bị lên án vì cho phép các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc, bao gồm Huawei, tiếp cận kho dữ liệu cá nhân khổng lồ của người dùng mạng xã hội này.

Mối đe dọa là có cơ sở khi nhiều chuyên gia tình báo tin rằng Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các hãng bán công nghệ Mỹ mở một lối tiếp cận cửa sau với công nghệ. Tình báo Mỹ liên tục gây sức ép cho Thung lũng Silicon tạo ra các cách thức để họ có thể sở hữu các ứng dụng được mã hóa.

Cho đến nay, chưa ai công khai chi tiết về các ví dụ cụ thể thể hiện những nỗ lực này của Huawei và ZTE. Song một ví dụ gần đây cho thấy các nguy cơ khi năm 2016, hãng tư vấn an ninh Mỹ Kryptowire đã phát hiện ra hàng triệu điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chương trình cơ sở chuyển dữ liệu, liên lạc và tin nhắn từ những điện thoại này về một công ty tiếp thị Thượng Hải 72 tiếng một lần mà người dùng không được thông báo.

Công ty Thượng Hải, mà Huawei và ZTE là khách hàng, cho biết chức năng trên nhằm mục đích giám sát cách điện thoại được sử dụng và không được cài đặt trên các điện thoại bán ở Mỹ.

Tom Karygiannis, Phó Chủ tịch Kryptowire, cho biết sự nguy hiểm gần như không thể tránh khỏi trong các thiết bị điện tử dành cho người tiêu dùng, do tất cả các thiết bị đều ẩn chứa những nguy cơ và phần lớn trong số này được chế tạo ở Trung Quốc. Một người tiêu dùng không thể kiểm chứng chương trình cơ bản trên một điện thoại thường được cập nhật tự động. Chỉ những công ty lớn mới có thể thực sự kiểm soát công nghệ họ đang có.

Paul Triolo cho biết các nhà vận hành mạng có thể kiểm soát những điều có trong thiết bị của họ. Thực sự khó để chứng minh được mặt tiêu cực của thiết bị, chuyên gia này khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục