Lý giải về sự “mờ nhạt” của châu Âu ở Trung Đông-Bắc Phi

Vai trò của “quyền lực cứng” tại khu vực MENA đã được thể hiện rất rõ ở Libya trong vài tuần qua, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga liên tục tăng cường hỗ trợ quân sự cho các phe phái đối địch tại khu vực này.
Binh sỹ Australia thuộc lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO dẫn đầu tuần tra tại Samawa, miền Nam Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Australia thuộc lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO dẫn đầu tuần tra tại Samawa, miền Nam Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng tin Arab News mới đây đăng bài phân tích về vai trò ngày càng suy giảm của châu Âu tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) và điều đó đang tạo cơ hội cho Nga cùng các thế lực khác trong khu vực.

Theo nội dung bài viết, vai trò của “quyền lực cứng” tại khu vực MENA đã được thể hiện rất rõ ở Libya trong vài tuần qua, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga liên tục tăng cường hỗ trợ quân sự cho các phe phái đối địch tại khu vực này.

Những diễn biến đó đã làm nổi bật dấu ấn ngày càng tăng của Nga và các thế lực khác, trong khi vai trò chiến lược của châu Âu trong khu vực ngày càng suy giảm.

Trên thực tế, châu Âu từng là một nhân tố quan trọng tại khu vực MENA. Trong lịch sử, các nước châu Âu đóng vai trò là cường quốc thực dân, chi phối nhiều quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, thời đại “hoàng kim” đó đã dần kết thúc, được đánh dấu bằng sự rút lui của Anh với tư cách là lực lượng hải quân chủ chốt ở Vịnh Arabian năm 1971.

Trong thập kỷ qua, vai trò của châu Âu trong khu vực MENA đã sụt giảm đáng kể, dù vẫn duy trì được những ảnh hưởng kinh tế và văn hóa. Sự thiếu phản ứng của châu Âu đối với các sự kiện ở Libya, Syria, Iran, Israel và Palestine đã làm suy yếu vai trò của nó.

Các nước châu Âu từng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc can thiệp do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu tại Libya hồi năm 2011, nhưng giờ đây đã mất phần lớn ảnh hưởng.

Cùng với đó, châu Âu cũng trở nên gần như không liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria. Họ không sẵn lòng hỗ trợ để phiến quân Syria theo đuổi đường lối dân chủ hoặc áp đặt quân sự lên Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì sử dụng vũ khí hóa học.

Khi xung đột tạo ra một cuộc khủng hoảng người di cư lịch sử, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phản ứng theo nhiều cách khác nhau, nhưng họ thiếu đi một chiến lược toàn châu lục và có xu hướng tập trung vào việc ngăn chặn người tị nạn thay vì giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu lại tham gia liên minh quốc tế để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và điều này phát đi thông điệp rằng châu Âu chỉ sẵn sàng sử dụng “quyền lực cứng” để đối phó với khủng bố và không ủng hộ các giá trị hoặc lợi ích chiến lược rộng lớn hơn.

[IMF cảnh báo gia tăng nợ công và thất nghiệp tại Trung Đông, Bắc Phi]

Khi ông Barack Obama còn là Tổng thống Mỹ, châu Âu vẫn có ảnh hưởng nhất định bởi Washington muốn các đối tác châu Âu ủng hộ hành động của Mỹ trong khu vực MENA.

Châu Âu đóng một vai trò trong chính sách của Mỹ đối với Libya và Syria, và đặc biệt là đối với Iran. Châu Âu đã giúp đàm phán và triển khai Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran. Tuy nhiên, khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, ông đã sớm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này bất chấp sự phản đối của châu Âu.

Những nỗ lực của châu Âu để cứu vãn JCPOA có vẻ rất yếu ớt. Tehran hy vọng rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ có hành động hiệu quả để ngăn chặn lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, sự kết hợp giữa hội nhập kinh tế và tài chính của châu Âu với thị trường Mỹ, đồng thời ý nguyện chính trị không đủ lớn, đã khiến châu Âu không còn đóng vai trò là một đối trọng khu vực.

“Lục địa già” đã mất nhiều thời gian để thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) - một cơ chế cho phép duy trì giao thương với Iran, nhưng phạm vi của nó hẹp hơn nhiều so với những gì mà Tehran mong đợi.

Các nhà lãnh đạo châu Âu hầu như không sẵn sàng thực hiện các hành động có thể bảo vệ nhiều công ty châu Âu khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ nếu làm ăn với Iran, trong khi các doanh nghiệp châu Âu cho thấy việc duy trì tiếp cận thị trường Mỹ quan trọng hơn cơ hội kinh doanh ở Iran.

Trong nhiều năm trước, châu Âu dường như rất quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Châu lục này đóng vai trò quan trọng trong một số cuộc đàm phán và cung cấp nguồn viện trợ đáng kể.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Chính quyền Tổng thống Trump một lần nữa chứng minh rằng phần lớn ảnh hưởng trong quá khứ của châu lục này phụ thuộc vào tầm quan trọng của họ đối với Washington.

Chính quyền Tổng thống Trump đã chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, cắt giảm gần như toàn bộ viện trợ của Mỹ cho người Palestine và ủng hộ quan điểm của Israel trong kế hoạch hòa bình Trung Đông, đồng thời sẵn sàng bỏ qua các mối quan tâm của châu Âu.

Lý giải về sự “mờ nhạt” của châu Âu ở Trung Đông-Bắc Phi ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những nỗ lực của châu Âu để duy trì tính trung lập trong môi trường chính trị hiện nay khiến họ dần đánh mất sự liên quan đối với các vấn đề khu vực.

Trong khi đó, nhiều yếu tố khác cũng dẫn đến sự suy giảm ảnh hưởng chính trị và chiến lược của châu Âu. Chính quyền Tổng thống Trump đã nói rõ rằng Mỹ không cần châu Âu, khiến hình ảnh của châu Âu bị tổn hại trên quy mô toàn cầu.

Các nước châu Âu thường thất bại trong việc điều phối chính sách đối ngoại của họ, làm suy yếu đòn bẩy chính trị tiềm năng và làm phức tạp hơn khả năng hành động hiệu quả của Liên minh châu Âu (EU).

Trong một thế giới với không gian chính trị ngày càng chật hẹp, những nỗ lực của châu Âu để trở thành một đối trọng cân bằng đã không tạo ra đủ xung lực cần thiết. Sự lưỡng lự trong sử dụng “quyền lực cứng” của châu lục này đã làm suy yếu ảnh hưởng của họ, ngay trong thời điểm các cường quốc như Nga và các thế lực khác ở Trung Đông-Bắc Phi đã sẵn sàng hơn và có thể ngay lập tức phô diễn sức mạnh quân sự.

Dù không thể phủ nhận châu Âu vẫn duy trì các mối quan hệ kinh tế và văn hóa quan trọng trong khu vực MENA, song điều này là không đủ để giữ cho châu Âu là một tác nhân chiến lược. Đối với châu Âu, những hậu quả từ sự suy giảm ảnh hưởng chiến lược là rất tiêu cực.

Khu vực MENA đã tạo ra những rủi ro cũng như cơ hội để châu Âu định hình khu vực, nhưng khả năng để châu Âu nắm bắt cơ hội đó đang mờ nhạt dần. Giờ đây, châu Âu ít có khả năng ngăn chặn hoặc ứng phó với các dòng người tị nạn và di cư, các mối đe dọa vũ khí hạt nhân hay rủi ro khủng bố...

Đối với những người chia sẻ các giá trị xung quanh nhân quyền và dân chủ, ảnh hưởng suy giảm của châu Âu rõ ràng là một sự phát triển tiêu cực. Sự suy yếu của châu Âu sẽ tạo ra nhiều “dư địa” hơn để các cường quốc khu vực hành động độc lập và tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn.

Trong khi đó, Nga đang cố gắng lấp đầy khoảng trống quyền lực đó và điều này có thể gây ra mối lo ngại mới đối với các thế lực trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục