Ma trận “dịch vụ nhạy cảm” bao vây trường học

Tại các địa điểm có nhiều trường học ở Hà Nội những hàng quán như tẩm quất, nhà nghỉ, ghi lô đề, game... mọc lên như nấm.
Mặt lạnh tanh, một thanh niên ngồi trên "con" xe Air Blade vẫn nổ máy, tay rút ra một tập tiền mệnh giá 100.000, đưa vào mặt chủ cửa hàng ghi lô đề và nói "ghi 200 điểm con 36". Nhận "tích-kê" xong, vù một cái, xe và người đã biến mất trong dòng người tấp nập trên con phố Trần Đại Nghĩa...

Tôi ngồi ở quán trà đá trước cổng đại học Bách Khoa chưa đầy nửa tiếng mà đã có đến hơn chục người có hành động giống như người thanh niên kia. Và đó cũng không phải là "của hiếm" khi mà tại các địa điểm có nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội hiện nay, những hàng quán như: Tẩm quất, nhà nghỉ, ghi lô đề, game... mọc lên như nấm gặp trời mưa.

Bản đồ "ma trận"


Phố Vọng từ trước tới nay vẫn được “mệnh danh” là phố “vẫy”,  bắt đầu từ cổng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho đến đường Giải Phóng, con phố chừng vài trăm mét mà có đến vài chục quán tẩm quất massage cũng như nhà nghỉ hoạt động. Cách đấy không xa là con ngõ Tự Do nằm ngay sát nách trường Kinh tế Quốc dân, nơi phải có đến cả trăm quán game online cũng như các tiệm cầm đồ.

Chưa hết, nằm cạnh đó là những khu phố đã được giới sinh viên gọi là "phố game" như Lê Thanh Nghị, Tạ Quang Bửu, Lương Định Của. Chỉ cần bước một chân ra khỏi khu ký túc xá là các bạn sinh viên ở khu vực này sẽ bước vào một "ma trận" đầy rẫy những dịch vụ rất... khiêu khích.

Những quán game online giờ cũng quy mô hơn rất nhiều so với trước. Đoạn cuối đường Trần Đại Nghĩa dài chưa đầy trăm mét mà có đến cả chục quán trưng biển to tướng "Siêu thị Game Online". Ở các quán này, máy móc cấu hình cao, chỗ ngồi ngon lành là những điều kiện để các sinh viên nghiện game có thể đốt thời gian cả buổi, thậm chí là cả ngày.

Khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân nơi tập trung nhiều trường đại học lớn của Hà Nội, thì nhà nghỉ, massage, cầm đồ cũng mọc lên san sát quanh khu vực cổng các trường như Cao đẳng Du lịch, Đại học Ngoại ngữ…Đó là chưa kể cứ tầm chiều chiều có hàng tá các quầy ghi lô đề bày san sát ở các vỉa hè để...phục vụ.

Ghi nhận từ khảo sát của phóng viên Vietnam+, thì một thực tế đáng buồn là rất nhiều học sinh, sinh viên là khách hàng "ruột" của các hàng quán có dịch vụ nhạy cảm. Đặc biệt là các quán ghi lô đề thì "thượng đế" chiếm đa phần là những sinh viên!

Một chủ cửa hàng game trên phố Trần Nghĩa khẳng định: Chỉ có học sinh, sinh viên mới chơi game nhiều, phải thuê những địa điểm ở gần trường học thì mới có khách, thậm chí thà chịu tiền thuê nhà đắt hơn những nơi khác. Vị chủ quán này cũng khẳng định thêm "khách chơi game ở quán của tôi phải đến 90% là học sinh, sinh viên".

...Và "mục sở thị"

Mục sở thị "ma trận" các dịch vụ nhạy cảm xung quanh các trường học, tôi đã thuyết phục được Khánh-sinh viên năm 3 trường đại học Xây dựng dẫn đường để thâm nhập những tụ điểm có đông sinh viên chơi game nhất.

Khánh dẫn tôi vào một quán game trên phố Lê Thanh Nghị, nhìn bề ngoài quán game này thật "đơn sơ" với gần 2 chục bộ máy tính dùng để truy cập ADSL cũng như chơi game online. Nhưng phía sau căn phòng này, trên tầng 2 là cả 40-50 bộ máy chạy liên tục ngày đêm. Quân giải thích: "chỉ có khách quen là những game thủ nghiền lâu mới được lên khu vực này". Tôi bước vào căn phòng tầng hai, khói thuốc mù mịt, tiếng của vài chục bộ máy tính lẫn tiếng chửi bậy của người chơi tạo ra một không gian hỗn độn, nhếch nhác.

Cũng theo Khánh thì những người ngồi chơi ở bên trong có ít cũng chơi gần ngày, bình thường thì qua đêm luôn, thậm chí "có những bọn cày đến vài ngày vài đêm là chuyện thường". Các game thủ đủ mọi tầng lớp từ học sinh, sinh viên đến cả những kẻ vô công rồi nghề, lang thang cũng có thể ngồi lỳ hàng ngày, hàng tuần và thậm chí mang ba lô đựng quần áo đến “cắm trại” luôn tại quán để “chiến” game hiện nay không phải là hiếm.

Chơi nhiều tốn nhiều, có những người đã phải cầm cố đồ đạc để trả nợ game "có đứa khi đứng dậy thanh toán tiền đi tong cả con Wave RS. Rồi cũng có đứa nợ nhiều quá đến độ bố mẹ lên thanh toán vài chục triệu tiền chơi game ở khu này là chuyện thường tình" Khánh nói đầy vẻ am hiểu.

Theo Khánh thì cổng trường Đại học Bách khoa có bao nhiêu quán nước trà đá là có bấy nhiêu chân rết làm đội ngũ ghi đề, chưa kể mấy bà bán xổ số ghi để... kiếm thêm. Từ 16h đến 19h, tại các quán nước này vô cùng rôm rả với những cái đầu chụm vào các cuốn sổ ghi kết quả theo ngày tháng mà lẩm nhẩm tính toán.

Có nhiều sinh viên, chơi lâu còn có cả một quyển số chuyên để tình toán lô đề. Cứ tầm chiều là ghi chép, nghiền ngẫm, gạch xóa với đủ hình nối quái dị giữa các con số rồi mới quyết định “chốt hạ” một con “nghẹ” nào đấy.

Cũng từ những dịch vụ nhạy cảm mà "dịch vụ ăn theo" như cầm đồ cũng có cơ hội phát triển. Khánh khẳng định: "Những cửa hàng cầm đồ gần các trường học thế này thì khách đa phần là mấy ông sinh viên, chơi nhiều quá phải cắm ký, chứ người bình thường mấy ai mang đồ đi cầm".

Đồ sinh viên mang đến cắm rất đa dạng về chủng loại và phong cách. Từ những đồ ít tiền như quần áo, giày dép, điện thoại rồi đến cả xe máy… cũng đều được sinh viên mang ra "gửi quán" mỗi khi “kẹt” tiền.

Đặc biệt hơn, đi đôi với cần đồ là dịch vụ cho "vay nóng" cũng đã len lỏi vào các trường học. "Vay nóng thường lãi suất theo ngày, từ 20-30%. Nhiều sinh viên đi vay nóng, không trả kịp, lãi mẹ đẻ lãi con đến khi số nợ tăng lên vài chục lần phải bỏ học để trốn nợ", Khánh nói./.

Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục