Macau cấm dùng ô khi đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chính quyền đặc khu đã ban hành lệnh cấm sử dụng những chiếc ô khi đón nhà lãnh đạo cao nhất, bởi chiếc ô gợi nhớ tới các cuộc xuống đường ở đặc khu hành chính Hong Kong.
Macau cấm dùng ô khi đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đáp xuống Macau hôm 19/12 (Nguồn: Xinhua)

Hôm 19/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ghé thăm Macau nhân kỷ niệm 15 năm đặc khu hành chính này trở về với đại lục. Tuy nhiên, chính quyền đặc khu đã ban hành lệnh cấm sử dụng những chiếc ô khi đón nhà lãnh đạo cao nhất, bởi chiếc ô gợi nhớ tới các cuộc xuống đường ở đặc khu hành chính Hong Kong.

Chuyến đi dài 2 ngày tới Macau của ông Tập diễn ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Hong Kong dọn sạch 3 điểm cắm chốt cuối cùng, nơi người biểu tình đã có 3 tháng ở lại đây để đòi cải cách cơ chế bầu lãnh đạo đặc khu.

Theo AFP, chuyến thăm của ông Tập là cơ hội để chuyển tải thông điệp rằng đặc khu hành chính Macau cần đa dạng hóa hoạt động bên cạnh việc kinh doanh sòng bạc, vốn đã suy giảm do kinh tế đặc khu chật vật tăng trưởng và do chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.

Hùa theo phong trào "Chiếm Trung tâm" ở Hong Kong, hàng trăm người Macau đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tuần hành ở trung tâm đặc khu này trong ngày 20/12.

Nhưng theo AFP, nhà chức trách đã tỏ ra cảnh giác với các dấu hiệu thể hiện sự chống đối. Theo đó, các phóng viên hiện diện ở đường băng đón ông Tập không được phép dùng ô. Thay vì thế, họ đã được phát cho những chiếc áo mưa.

“Người ta nói rằng anh không thể mở ô tại sân bay vì việc này sẽ ảnh hưởng tới các chuyến bay” – một phóng viên tới đây từ Hong Kong nói với AFP.

Một phóng viên khác, nằm trong nhóm 40 phóng viên đón ông Tập, kể rằng nhà chức trách Macau giải thích quyết định cấm dùng ô là do gió quá mạnh đã khiến những cái ô trở nên mất an toàn. Trong các cuộc xuống đường phản đối chính quyền ở Hong Kong, sinh viên đã dùng ô để tránh không bị cảnh sát xịt hơi cay vào mặt.

Bất chấp việc trời mưa nhẹ, không ai trong đoàn quan chức đón tiếp ông Tập dùng ô.

"Tôi tin rằng dưới chính sách một nhà nước hai chế độ và Luật cơ bản, Macau chắc chắn sẽ trở nên ngày càng ổn định và tốt hơn theo thời gian” – ông Tập nói với các phóng viên sau khi bước xuống khỏi máy bay, có nhắc tới tình trạng hiện nay của đặc khu hành chính này.

Trấn áp tham nhũng làm ảnh hưởng tới các sòng bạc

Macau hiện là vùng đất duy nhất ở Trung Quốc hợp pháp hóa hoạt động đánh bạc trong casino. Sau khi Macau mở cửa lĩnh vực sòng bạc cho hoạt động đầu tư nước ngoài hồi năm 2002, nơi đây đã trở thành thiên đường cờ bạc. Macau đã vượt qua Las Vegas trong vai trò “kinh đô” cờ bạc của thế giới, tính theo doanh thu.

Tuy nhiên vào tháng 10 vừa qua, hoạt động kinh doanh sòng bạc đã suy giảm mạnh, tụt giảm lợi nhuận tới 23%, xuống chỉ còn 28,025 tỷ patacas (3,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nguyên nhân do nhiều con bạc lớn ở Trung Quốc đã không còn tới Macau, sau khi chính quyền đại lục tiến hành trấn áp tham nhũng. Kinh tế đại lục suy giảm cũng là nguyên nhân nữa gây ra hiện tượng này.

Đầu tháng 12, quan chức Trung Quốc phụ trách Hong Kong và Macau là Li Fei đã cảnh báo rằng vì lợi ích chung của quốc gia, Macau cần xem xét lại việc quá lệ thuộc vào hoạt động kinh doanh cờ bạc.

Theo nhà phân tích chính trị Sonny Lo ở Hong Kong, thông điệp mà ông Tập có thể đưa ra trong chuyến đi lần này sẽ là Macau không thể lệ thuộc vào hoạt động kinh doanh sòng bạc, cũng là điểm trú chân an toàn cho nhiều quan chức tham nhũng của đại lục.

Macau cấm dùng ô khi đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ảnh 2Một sòng bạc tại Macau (Nguồn: AFP)
Bắc Kinh hiện đã tiến hành trấn áp các dòng tiền trái phép chảy từ đại lục tới các sòng bạc Macau.

Tuần này, tờ South China Morning Post cho biết thời gian tới, Bộ Công an Trung Quốc sẽ được xem xét tất cả các giao dịch thực hiện qua dịch vụ thanh toán China UnionPay để xác định các giao dịch mờ ám.

Lời nhắc nhở kín đáo

Trưởng đặc khu Macau hiện nay là ông Fernando Chui, vốn được bầu lên bởi một ủy ban tương tự như quy chế bầu trưởng đặc khu Hong Kong. Ông Chui sẽ làm lễ nhậm chức bên cạnh ông Tập trong ngày 20/12. Hồi tháng 8 vừa qua, ông Fernando Chui đã đắc cử ghế lãnh đạo đặc khu Macau nhiệm kỳ 2.

Gần đây các quan chức Bắc Kinh đã ca ngợi Macau là “ví dụ sáng chói về mô hình một nhà nước, hai chế độ.”

Theo nhà phân tích Sonny Lo, chuyến thăm của ông Tập sẽ “phát đi thông điệp gián tiếp cho Hong Kong rằng mô hình phát triển chính trị của Macau là thứ cần phải học theo”./. 


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục