Macau: Cơ hội, thách thức trong tham vọng là trung tâm tài chính

Bắc Kinh có ý định hỗ trợ Macau phát triển thành một trung tâm tài chính nhưng giới học giả Trung Quốc cho rằng đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Macau.
Macau: Cơ hội, thách thức trong tham vọng là trung tâm tài chính ảnh 1Khu hành chính đặc biệt Macau. (Nguồn: The Pinnacle List)

Theo báo “Liên hợp buổi sáng” của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, nền kinh tế Macau đã phát triển nhanh kể từ sau khi Khu Hành chính Đặc biệt này trở về Trung Quốc vào năm 1999, song những vấn đề của một cơ cấu công nghiệp đơn nhất, với sự thống trị của lĩnh vực sòng bạc vẫn tồn tại.

Bắc Kinh có ý định hỗ trợ Macau phát triển thành một trung tâm tài chính. Tuy nhiên, giới học giả Trung Quốc cho rằng đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Macau.

Sự thay đổi của Macau

Trong buổi lễ long trọng ngày 20/12 vừa qua kỷ niệm 20 năm Macau được trao trả cho Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu bật tinh thần yêu nước của Macao và khẳng định Khu Hành chính Đặc biệt này là thành công rực rỡ của mô hình “một quốc gia, hai chế độ.”

Macau là một thành phố cảng nhỏ nằm ở bờ Nam Trung Quốc, phía Nam Quảng Châu và cách Hong Kong khoảng 65km. Thành phố được Bồ Đào Nha thuê năm 1557 và chính thức trở thành thuộc địa nước này năm 1887.

Bà Agnes Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Macau của Đại học Macau, nói: “Khi người Bồ Đào Nha hoàn toàn cai trị Macau, họ đã phải đàm phán với Trung Quốc bởi vì nó quá gần. Mọi thực phẩm đều đến từ Trung Quốc, do đó người Bồ Đào Nha luôn làm việc và hợp tác với Trung Quốc.”

Năm 1987, Bồ Đào Nha và Trung Quốc ký tuyên bố chung Trung Quốc-Bồ Đào Nha, rằng Macau sẽ được trả về cho Trung Quốc vào 20/12/1999.

Dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ,” Macau có chính quyền, luật pháp và hệ thống tài chính riêng. Đặc khu này cũng có đồng tiền địa phương riêng, gọi là Pataca và các luật địa phương riêng, bao gồm việc cho phép cờ bạc hợp pháp - vốn đóng góp lớn cho kinh tế Macau.

Lãnh đạo Macau được bầu lên bởi một Ủy ban gồm 400 thành viên do Bắc Kinh lựa chọn - gồm các chính trị gia và các doanh nhân.

Bà Agnes Lam nói rằng di sản truyền thông với Chính phủ Trung Quốc là lý do ở Macau, mô hình “một quốc gia, hai chế độ” hiệu quả hơn so với ở Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong.

Bà Agnes Lam nói thêm đã có sự tập trung cao độ vào việc cải thiện kinh tế cũng như hệ thống giáo dục của Macau.

Kết quả là, với dân số chỉ hơn 600.000 người, GDP bình quân đầu người của Macau cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Luxembourg và Thụy Sỹ. Năm ngoái, chính quyền Macau đã trao 10.000 pataca (khoảng 1.246 USD) cho các công dân thường trú như một phần của chương trình chia sẻ sự thịnh vượng.

Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS ở London, nói: “Người Trung Quốc đã mở cửa Macau cho lĩnh vực sòng bạc khổng lồ của Mỹ và đã biến Macau trở thành trung tâm sòng bạc quốc tế đồng thời đã mở rộng nền kinh tế một cách phi thường.

[Trung Quốc kỷ niệm 20 năm thực thi luật cơ bản đặc khu Ma Cao]

Cũng theo Giám đốc Steve Tsang, Macau - trước đây từng là một người hàng xóm nghèo của Hong Kong, nay đang có GDP bình quân đầu người cao hơn hẳn Khu Hành chính đặc biệt này.

Gần nửa dân số Macau là người di cư từ Trung Quốc đại lục. Vì thế nhìn từ quan điểm của Chính phủ Trung Quốc rằng, Macau là một hình mẫu cho mô hình “một quốc gia, hai chế độ.”

Thách thức không nhỏ

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc gần đây đã đánh giá cao những thành tựu mà Macau đạt được trong 20 năm qua kể từ khi trở về Trung Quốc, giới thiệu thành công của Macau trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm thực hiện chế độ “một quốc gia, hai chế độ,” pháp luật, giáo dục và phát triển kinh tế.

Nhiều thông tin cho thấy Macau sẽ thành lập một sàn giao dịch chứng khoán bằng đồng nhân dân tệ, đồng thời tăng tốc thúc đẩy trung tâm thanh toán bằng đồng tiền này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ chuyển giao một phần đất ở Trung Quốc đại lục cho Macau để hỗ trợ Khu Hành chính đặc biệt này phát triển.

Tuy nhiên, phó giáo sư Tống Nhã Nam của Học viện Kinh doanh thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Macau cho rằng ngành tài chính của Macau luôn hướng nội và có khối lượng quá nhỏ. Do đó, mong muốn xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế giống Hong Kong ở Macau là không thực tế, nhưng cũng không thể dễ dàng xem nhẹ triển vọng này.

Lấy Sàn giao dịch chứng khoán Macau làm ví dụ, phó giáo sư Tống Nhã Nam cho rằng có nhiều loại cổ phiếu của Macau đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong. Sau khi Sàn giao dịch chứng khoán Macau được thành lập, các công ty này có khả năng sẽ trở lại Macau để niêm yết.

Bà Tống Nhã Nam cho biết: “Sau khi có thông tin về việc Macau có thể thành lập một Sàn giao dịch chứng khoán, một số công ty đã cho biết có ý định quay trở lại Macau. Rốt cuộc, chi phí tài chính của Macau thấp, các doanh nghiệp sở tại có niềm vinh dự và động lực lớn hơn để quay lại thị trường này.”

Tuy nhiên, bà Tống Nhã Nam cũng chỉ rõ rằng sự phát triển của ngành tài chính Macau vẫn đứng trước nhiều thách thức.

Một là, bầu không khí xã hội sở tại rất bảo thủ, trong khi mức độ tiếp nhận các vấn đề và khái niệm mới là tương đối chậm. “Trong nhiều năm, mọi người đã quen với lĩnh vực sòng bạc có thu nhập cao và vì thế thiếu động lực để kiếm những đồng tiền khó khăn hơn.”

Hai là, bất kể bộ phận quản lý giám sát tài chính của chính quyền Khu Hành chính đặc biệt này hay các cơ quan, tổ chức tài chính tư nhân đều thiếu nhân lực trong lĩnh vực tài chính, cần phải thu hút một số lượng lớn nhân lực ở nước ngoài.

Tuy nhiên, so với thái độ cởi mở của Singapore trong việc thu hút nhân tài từ nước ngoài, xã hội Macau tương đối bảo thủ, lo ngại ảnh hưởng đến sinh kế của người dân sở tại.

Trong khi chính quyền Macau thường áp dụng thái độ thỏa hiệp, không dám thu hút số lượng lớn lao động nước ngoài.

Ba là, là thiếu nhân tài có thể nói tiếng Bồ Đào Nha. Đại học Macau có chuyên ngành đào tạo tiếng Bồ Đào Nha, nhưng chủ yếu đào tạo về dịch thuật, chứ không đào tạo các ngành kinh doanh, tài chính, thương mại và luật bằng tiếng Bồ Đào Nha.

Macau: Cơ hội, thách thức trong tham vọng là trung tâm tài chính ảnh 235 sòng bạc của Macau đóng góp hơn 80% thu ngân sách của chính quyền thành phố này.

Bà Tống Nhã Nam cho biết: “Trong những năm gần đây, chính quyền Macau đã đẩy mạnh việc dạy tiếng Bồ Đào Nha ở các trường tiểu học và trung học, nhưng sẽ mất từ 8 đến 10 năm sau mới có thể đạt được kết quả và sẽ khó đạt được kết quả trong ngắn hạn.”

Từ Gia Kiện, phó giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Kinh tế của Đại học Trung văn Hong Kong, cho rằng việc Macau phát triển ngành tài chính có hai lợi thế.

Thứ nhất, Macau là một đặc khu của Trung Quốc, thực hiện chính sách “Một quốc gia, hai chế độ” nên sẽ được Bắc Kinh hỗ trợ về chính sách; hai là chính quyền Macau có tiền: “Nếu bạn có tiền, chắc chắn sẽ giúp ích lớn để làm về ngành tài chính!.”

Tuy nhiên, phó giáo sư Từ Gia Kiện cũng cảnh báo rằng hai Đặc khu Hong Kong và Macau có hệ thống luật khác nhau. Hong Kong thực hiện luật phổ thông, trong khi Macau thực hiện luật của đại lục. Với việc luật pháp Macau không phải là luật phổ thông, sẽ rất khó để Macau phát triển thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Ông giải thích rằng điều luật bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ trong thị trường tài chính là khác nhau do phụ thuộc vào hệ thống luật. So với các địa phương thực hiện luật của đại lục, các địa phương thực hiện luật phổ thông chú trọng hơn vào việc bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư nhỏ. Nói cách khác, Macau cần phải làm nhiều hơn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế.

Về việc Macau sẽ phát triển ngành tài chính như thế nào trong tương lai, ông Từ Gia Kiện cho rằng chính quyền Macau có thể tham khảo các mô hình của Thâm Quyến và Hong Kong, đưa ra một số chính sách ưu đãi về thuế và dòng vốn đầu tư; cũng có thể học hỏi từ Singapore, đưa ra các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài.

Bà Tống Nhã Nam cho rằng Macau nên tập trung phát huy vai trò là “người liên hệ tinh chuẩn” trong lĩnh vực tài chính, tạo ra ba tuyến hợp tác ngoại thương “Brazil-Mỹ Latinh, Bồ Đào Nha-Liên minh châu Âu (EU), Angola và Mozambique-châu Phi” để hỗ trợ Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước nói tiếng Bồ Đào Nha.

Bà Tống Nhã Nam lấy ví dụ, Bồ Đào Nha về ngoại giao tương đối nghiêng về Trung Quốc.

Trước đó, Ngoại trưởng Bồ Đào Nha đã từ chối yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nói rằng không loại trừ việc các công ty Trung Quốc sẽ cung cấp công nghệ cho thế hệ mạng không dây 5G tiếp theo ở Bồ Đào Nha.

Bà nói: “Hiện tại, mối quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng, Macau thúc đẩy hợp tác Trung Quốc-Bồ Đào Nha thông qua giao lưu nhân dân và trao đổi thương mại, từ đó thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-EU. Đây là điều Bắc Kinh rất muốn thấy”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục