Mafia Italy mở rộng "đầu tư" ra nước ngoài

Mafia Italy mở rộng hoạt động "đầu tư" ra nước ngoài

Các hệ thống mafia Italy đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng ra nước ngoài, sử dụng các thu nhập phi pháp để "đầu tư" rửa tiền vào hàng loạt hoạt động kinh doanh.

Các hệ thống mafia của Italy đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng của chúng ra nước ngoài, sử dụng các thu nhập phi pháp để "đầu tư" rửa tiền vào hàng loạt hoạt động kinh doanh.

Đó là kết luận của Transcrime, trung tâm nghiên cứu về tội phạm xuyên quốc gia thuộc trường Đại học Cattolica, ở Milan, miền bắc Italy.

Theo trung tâm này, xu hướng mafia chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện việc rửa tiền không còn là việc mới mẻ, nhưng đang tăng lên với tốc độ chóng mặt về số lượng các vụ "đầu tư" và giá trị tổng cộng của các "thương vụ."

Chỉ tính riêng năm 2013, Ngân hàng nhà nước Italy đã nhận được cảnh báo về 60.000 vụ chuyển tiền có dấu hiệu mờ ám ra nước ngoài, với tổng giá trị lên đến 85 tỷ euro.

Theo Transcrime, những vụ đó đều bị chặn lại do không rõ ràng về nguồn gốc. Đích đến của hầu hết những thương vụ đáng ngờ ấy là Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Albania, Romania và Croatia.

Các nhà phân tích hiện chưa có những con số thống kê cụ thể về việc mafia đã chuyển ra nước ngoài bao nhiêu tiền, nhưng họ đã có những kết luận về việc dòng tiền được trung chuyển thế nào, và vào những lĩnh vực đầu tư nào.

Theo Transcrime, 'Ndranghetta, hệ thống mafia ở vùng Calabria, miền nam Italy, là "tiên phong" trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài.

Hiện chúng kiểm soát phần lớn hệ thống phân phối ma túy ở châu Âu, thông qua các mối quan hệ với mafia Colombia, mafia Mỹ và mafia châu Á. Chúng hoạt động rất mạnh ở Đức, nơi có đông kiều dân Italy có nguồn gốc xứ Calabria.

'Ndranghetta cũng đầu tư vào hoạt động nhà hàng và khách sạn ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các hoạt động ngân hàng ở Thụy Sĩ, Anh.

Các hệ thống Cosa Nostra (mafia Sicily), Camorra (mafia ở vùng Campania) và Sacra Corona Unita (mafia xứ Puglia) hoạt động trong các lĩnh vực đánh bạc, giao thông, sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm và nhà hàng ở Pháp, Tây Ban Nha, Albania, Croatia và Rumania.

Theo ông Franco Roberti, công tố viên chống mafia, thì "đầu tư của mafia ra nước ngoài thường tới những nước mà hệ thống pháp luật tạo ra ít áp lực lên mafia hơn ở Italy."

Trên thực tế, việc thu giữ và sung công các tài sản mà mafia sở hữu khi các băng nhóm bị các lực lượng chống tội phạm phá được thực hiện rất quy mô ở Italy, nhưng không được tiến hành mạnh mẽ ở các nước khác.

Ông Ernesto Savona, giáo sư trường Đại học Cattolica và là giám đốc Transcrime, đó là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư ra nước ngoài của mafia Italy đang tăng lên mà không gặp quá nhiều trở ngại.

Ông nói trên tờ Corriere della Sera, "tại châu Âu, đầu tư của mafia ra nước ngoài thường nhắm vào các cộng đồng di cư Italy sống tại đó," được coi như là một phần hoạt động của kiều dân Italy tại các nước này, chứ chưa nằm trong tầm ngắm của cảnh sát.

Theo Transcrime, các cơ quan điều tra Italy rất muốn cộng tác với cảnh sát các nước để thực hiện việc tịch thu tài sản của mafia ở ngoài biên giới nước này, đồng thời thúc đẩy việc dẫn độ tội phạm xuyên quốc gia. Tuy nhiên, việc này gặp khá nhiều trở ngại từ luật pháp của các quốc gia đó.

Trong năm 2013, các cơ quan bài trừ mafia Italy đã phá được nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức, thu giữ hơn 4 tỷ euro giá trị tài sản của mafia, bao gồm nhiều công ty, các bất động sản và nhiều tài sản có giá trị khác.

Tuy nhiên, việc hợp tác với các nước khác liên quan đến vấn đề thu giữ tài sản đầu tư của mafia ra nước ngoài chưa có những tiến triển tích cực nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục