Mải chơi ngày Tết, quên một mũi tiêm insulin dẫn đến hôn mê

Ngày Tết, có không ít người bệnh lơ đễnh đi tình trạng bệnh tật của mình như tiêm thuốc, uống thuốc không đều dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong.
Mải chơi ngày Tết, quên một mũi tiêm insulin dẫn đến hôn mê ảnh 1Bác sỹ điều trị cho bệnh nhân gout tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày Tết là dịp để mọi người có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và gặp gỡ bạn bè sau một năm làm việc, học tập vất vả.

Tuy nhiên, có không ít người bệnh do mải ham vui, mải chơi mà lơ đễnh đi tình trạng bệnh tật của mình như tiêm thuốc, uống thuốc không đều dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như phải nhập viện cấp cứu, hay rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tử vong…

Hôn mê vì mải chơi

Nói về ca bệnh đặc biệt trong dịp Tết vừa qua, thạc sỹ Tôn Thất Kha – Trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, trong những ngày Tết bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp một bệnh nhân nữ cấp cứu trong tình trạng khá nặng.

Bệnh nhân nữ trên mắc bệnh đái tháo đường, do mải vui chơi với bạn bè đã quên một mũi tiêm insulin dẫn đến đường huyết tăng lên quá cao, sau đó bệnh nhân rơi vào trạng thái lơ mơ rồi hôn mê.

Bệnh nhân tên Đ.M.T. 21 tuổi, quê ở Hòa Bình. Bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1 (loại nặng nhất) suốt 9 năm nay.

Chị Bùi Thị Vinh – mẹ của bệnh nhân trên cho hay, mỗi ngày T. phải tiêm 2 mũi nhưng ngày mùng 4 Tết do mải mê tụ tập, vui với bạn bè nên T. đã quên tiêm một mũi tiêm Insulin dẫn đến đường huyết tăng cao khiến bệnh nhân phải đi cấp cứu ngay trong đêm mùng 4 (31/1).

Chị Vinh kể, ban đầu, thấy con kêu đau bụng, mọi người và cả bệnh nhân nghĩ rằng bị ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, đến đêm thì gia đình phải tức tốc đưa bệnh nhân đi cấp cứu vì bệnh nhân đã rơi vào trạng thái lơ mơ rồi sau đó là hôn mê.

Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường – bệnh mãn tính đã lâu nên rất có kinh nghiệm trong việc giữ gìn sức khỏe và chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, do một chút ham chơi của tuổi trẻ mà quên đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Sau khi nhập viện, được sự tận tình cứu chữa của đội ngũ y bác sỹ kịp thời, bệnh nhân đã dần hồi phục, tỉnh táo trở lại. Hiện bệnh nhân đã thoát khỏi trạng thái hôn mê, ăn uống được bình thường, bệnh nhân đã ngồi dậy thoải mái tuy nhiên vẫn phải theo dõi đặc biệt tại khoa Điều trị tích cực vì các biến chứng tăng đường huyết.


Hơn 243.000 ca cấp cứu

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong bảy ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho hơn 243.100 trường hợp, trong đó có 159.964 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, 13.402 trường hợp phải chuyển viện. Các bác sỹ thực hiện hơn 16.900 ca phẫu thuật...

Trong bảy ngày tết tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận 22 trường hợp nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Đây hầu hết là những ca nặng và đặc biệt, nhất là những bệnh nhân bị bệnh về tiểu đường và gout.

Thạc sỹ Tôn Thất Kha cho hay, ngày Tết, nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái đường huyết tăng lên cao. Nguyên nhân là do vấn đề về dùng thuốc, vận động thể lực và chế độ ăn có sự xáo trộn mạnh. Ngày Tết mọi người có xu hướng ăn lên nhiều, nhất là những đồ ăn có nhiều tinh bột như gạo, bánh chưng, trong khi vận động ít dẫn tới đường huyết tăng lên cao.

Tại Bệnh viện Đại học Y, những ngày sau Tết bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng, thậm chí tử vong.

Tiến sỹ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho hay, ngày 1/2 (tức ngày mùng 5 Tết), có đến 3 ca đau ngực được bác sỹ khuyên đi viện trước Tết nhưng bệnh nhân sợ cả năm phải nằm viện và hậu quả là 2 bệnh nhân không thể qua khỏi do tắc động mạch phổi.

Theo các bác sỹ, người dân trong dịp Tết dù bận bịu hay mải vui chơi cũng không nên bỏ quên việc chăm sóc bản thân, tuân thủ đúng những yêu cầu chăm sóc bản thân như những ngày bình thường. Đặc biệt, người dân không nên nặng nề quan niệm đầu năm đi viện thì cả năm ốm đau, nên kiêng không đến bệnh viện mà ở nhà tự điều trị.

Bởi thực tế cho thấy, các bệnh nhân khi có các dấu hiệu trầm trọng không đến viện có thể mất đi cơ hội điều trị, người bệnh sẽ không thể qua khỏi. Vì thế, khi ốm đau, các biểu hiện trầm trọng cần được đưa đến viện khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh như những trường hợp cố ở lại nhà rồi tử vong như hai bệnh nhân trên./.

Bệnh nhân bị hôn mê đang dần hồi phục
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục