“Bỏ quên” con cái

Mải kiếm tiền, cha mẹ đang “bỏ quên” con cái

Cuộc sống quá bận rộn khiến nhiều bậc cha mẹ gần như "khoán trắng" con mình cho nhà trường, xã hội, dẫn đến những hậu quả đau lòng.
Liên tục các vụ bạo hành trẻ em bị tố cáo, tuy nhiên, điều đáng buồn là ở tất cả các trường hợp trên, người phanh phui vụ việc lại không phải là cha mẹ các em.

Bé Hào Anh bị bạo hành liên tục trong 8 tháng, những vết sẹo chồng chất, dày đặc trên cơ thể nhưng mẹ em nói không biết vì chưa đến thăm con lần nào. Dư luận không khỏi bức xúc trước bà mẹ này khi để mặc con cả năm trời ở nơi đất khách quê người, với những người hoàn toàn xa lạ. Bà chỉ nghe tin con qua điện thoại và thấy con nói được chủ đối xử tốt nhưng không biết rằng mỗi lần Hào Anh gọi điện, vợ chồng chủ đều ngồi bên cạnh nên em không dám kể.

Trường hợp các phụ huynh gửi trẻ nơi bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hay Trần Thị Phụng cũng tương tự. Khi thấy con bị bầm tím, tinh thần hoảng loạn, phụ huynh cũng không có thời gian để tìm hiểu kỹ càng mà chỉ nghe theo lời bảo mẫu là con bị ngã. Chỉ đến khi sự việc bị phanh phui, họ mới nhìn nhận lại những thương tích của con mình và đua nhau… tố cáo.

“Bố mẹ ngày nay quá bận rộn, quá nhiều công việc, áp lực nên sự quan tâm dành cho con hạn chế hơn. Họ nghĩ rằng mình đi làm cũng là để lo cho con, để có tiền cho con đi nhà trẻ,” chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhận xét.

“Khoán trắng” con cho người khác


Tuy nhiên, theo chị Lê Thanh Nhàn ở Hà Đông, Hà Nội, thì những lý do trên chỉ mang tính bao biện. Cũng có con đang đi học mầm non, chị Nhàn cho biết hàng ngày, chị vẫn phải trò chuyện để con kể hôm nay đi học thế nào vì điều này vừa giúp cho mẹ con sẻ chia, thân thiết, lại biết cô giáo dạy con ở lớp ra sao.

“May cho các bậc phụ huynh là sự bạo hành kia được phát giác, con cái họ chưa phải chịu những hậu quả quá nghiêm trọng, nếu không thì không biết họ sẽ phải ân hận tới bao giờ. Con cái là thứ mà tiền không thể mua lại được,” chị Nhàn chia sẻ.

Cho con đi học và coi đó như là đã hoàn thành trách nhiệm, phó mặc lại mọi sự cho giáo viên là tâm lý của không ít bậc phụ huynh hiện nay, từ bậc mầm non đến trung học.

Theo cô giáo Trương Thị Hồng, trường Trung học phổ thông Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nhiều phụ huynh có suy nghĩ “khoán trắng” việc dạy dỗ con cái của mình cho trường trong khi trường chỉ quản lý các em một phần nhỏ thời gian. Phần lớn thời gian còn lại, các em ở nhà, ra ngoài xã hội, cần có sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ.

Thầy Lê Thiện Thuật, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân lập Lý Thái Tổ, cũng từng bức xúc vì học sinh vi phạm kỷ luật, trường gọi phụ huynh đến để cùng tìm cách giáo dục nhưng phụ huynh không đến vì “bận đi làm”. “Chúng tôi phải nói cho phụ huynh hiểu rằng nếu không dạy dỗ con cái cho tốt thì dù họ làm ra bao nhiêu tiền bạc cũng bằng thừa, họ mới chịu đến,” ông Thuật nói.

Có thể tước quyền nuôi con của cha mẹ
 
Trước tình trạng bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cha mẹ, bà Ma Thị Nguyệt, Phó chủ tịch tỉnh Thái Nguyên, đề xuất: “Có thể tước quyền chăm sóc trẻ của bố mẹ.”

Đây cũng là ý kiến của bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của UNICEF. Bà Loan cho biết, trên thế giới, nếu cha mẹ có hành vi cố tình ngược đãi gây nguy hiểm đối với trẻ, luật pháp có thể tước quyền chăm sóc của cha mẹ trong một thời gian, tùy mức độ vi phạm của cha mẹ. Thậm chí, tòa án cũng có thể tước bỏ vĩnh viễn quyền này.

Ở Việt Nam, việc tước quyền chăm sóc con của cha mẹ đã được quy định tại điều 41, Luật Hôn nhân và Gia đình (được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2000). Theo đó, nếu cha mẹ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, phá tài sản của con, có lối sống đồi trụy, ép buộc con làm việc trái đạo đức… thì tòa án có quyền không cho cha mẹ chăm sóc, quản lý tài sản của con trong thời gian từ một đến năm năm.  

Tuy nhiên, trên thực tế, ở nước ta gần như chưa có một trường hợp nào cha mẹ bị tước quyền chăm sóc con. Hiện mới có vụ việc bà Nguyễn Thị Xuân Lan, ở Đồng Tháp, hành hạ dã man con ruột mới 9 tháng tuổi là bé Nguyễn Thị Như Ý đang được công an điều tra và bà này có thể  bị xét tước quyền chăm sóc con.

Ủng hộ việc tước quyền cha mẹ nếu họ không hoàn thành trách nhiệm chăm sóc con nhưng bà Lê Hồng Loan cũng cho rằng gia đình, cha mẹ vẫn là nơi chăm sóc tốt nhất cho trẻ. Vì thế, nhà nước và cộng đồng cần có những biện pháp hỗ trợ cha mẹ có điều kiện thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm chăm sóc bảo vệ con em mình. “Tước quyền chăm sóc chỉ là giải pháp cuối cùng, khi không còn cách nào khác,” bà Loan nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục