Malaysia bổ sung rạn nhân tạo để ngăn đánh cá

Malaysia sẽ bổ sung thêm nhiều rạn nhân tạo để có thể ngăn chặn hoạt động đánh cá bất hợp pháp mà đang phá hủy hệ sinh thái biển.
Malaysia sẽ bổ sung thêm nhiều rạn nhân tạo để có thể ngăn chặn hoạt động đánh cá bất hợp pháp mà đang phá hủy hệ sinh thái biển của nước này và ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân truyền thống.

Tổng Cục trưởng Cục Thủy sản Malaysia, Ahamad Sabki Mahmood, cho biết các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp của tàu thuyền tại các khu vực cấm đã lan tràn và đang là một thách thức cho cục này, đặc biệt là ngày càng có nhiều tàu lớn hơn và dụng công nghệ hiện đại.

Phát biểu tại hội thảo cấp quốc gia về nghiên cứu và phát triển rạn nhân tạo, ngày hôm nay, Ahamad Sabki cho biết các nhà khai thác hải sản bằng các tàu này đang gây ra nhiều nguy hại đối với các sinh vật biển, không chỉ ở ngoài khơi.

Hiện họ cũng đang lấn chiếm vào các khu vực dành cho hoạt động nghề cá quy mô nhỏ hơn. Bởi vậy, việc bố trí các rạn nhân tạo có thể bảo vệ các khu vực gần bờ vốn rất giàu tài nguyên và sinh vật biển này.

Ông cho biết các rạn san hô tự nhiên không thể tự tái tạo đủ nhanh nhưng việc thả những rạn nhân tạo đã cho thấy thành công trong việc bổ sung thêm các rạn và các bãi san hô.

Theo Ahamad Sabki, việc tiếp tục phát triển các rạn nhân tạo là cần thiết để bảo đảm nguồn cung cấp hải sản của Malaysia được bền vững. Điều này sẽ có lợi ích to lớn trong việc duy trì sinh kế của khoảng 80.000 ngư dân của nước này và giảm việc nhập khẩu cá.

Hiện Cục Thủy sản Malaysia đã đặt 197 rạn nhân tạo trên cả nước và trong thời gian tới cần bố trí thêm hơn 50 rạn với khoản chi phí lên đến 25 triệu RM (khoảng 8,33 triệu USD).

Ông cũng cho biết chỉ trong năm nay Cục Thủy sản Malaysia đã bị thu hồi 10 giấy phép cấp cho các nhà khai thác ngoài khơi vì thực hiện việc đánh bắt gần bờ.

Rạn nhân tạo là các nhóm hay tập hợp của bất kỳ các chất hay vật liệu nào được thả xuống đáy biển nhằm tăng cường hoặc bổ sung nơi cư trú cho cá và các loài hải sản khác sinh sống.

Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm ngăn ngừa và hạn chế các phương tiện đánh bắt vùng gần bờ làm phá hoại hệ sinh thái như lưới rê, lưới kéo, lưới vây. Có rất nhiều dạng vật liệu được dùng để cấu thành nên rạn nhân tạo như lốp cao su cũ, cấu kiện bêtông, xác tàu đắm, ôtô cũ...

Tuy nhiên, Malaysia hiện đang ưu tiên chọn dùng cấu kiện bê tông nhằm tránh những tác hại ô nhiễm có thể xuất phát từ các vật liệu tạo rạn./.

Xuân Triển/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục