Malaysia đang cần lượng lớn lao động Việt Nam

Trong 4 tháng cuối năm, thị trường lao động Malaysia cần lượng lớn lao động Việt Nam khi các xí nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng.
Để đảm bảo việc làm cho lao động trong nước, đầu năm 2009, Chính phủ Malaysia đã quyết định ngừng tuyển dụng lao động nước ngoài trong các khu vực sản xuất hàng điện, điện tử, may mặc và dịch vụ. Tuy nhiên, sang quý II/2009, kinh tế Malaysia đã có dấu hiệu phục hồi. Các xí nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng của nước ngoài nên nhu cầu về nhân lực đang ngày một gia tăng.

Ông Vũ Đình Toàn, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia đã trao đổi với Vietnam+ về tình hình người lao động Việt Nam ở nước này.

Xin ông cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài nói chung cũng như lao động Việt Nam nói riêng tại Malaysia hiện nay như thế nào?

Ông Vũ Đình Toàn: Số lượng lao động Việt Nam tại Malaysia sang năm 2009 đã giảm nhiều. Một phần là do các lao động cũ hết hợp đồng về nước, một phần do phía Malaysia ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài để tạo việc làm cho lao động trong nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lan rộng.

Hiện tại chúng ta còn khoảng 70.000 lao động đang làm việc tại Malaysia, giảm nhiều so với con số 110.000 của năm 2006-2007.

Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, nền kinh tế nước sở tại có dấu hiệu phục hồi nên đại bộ phận người lao động Việt Nam đều có việc làm và thu nhập ổn định.

Rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam nói riêng đến làm việc. Có một số doanh nghiệp nói với chúng tôi rằng họ sẵn sàng tiếp nhận hàng trăm lao động Việt Nam ngay một lúc.

Hiện nay khu vực sản xuất nào của Malaysia thiếu nhân công nhất? Ngành nghề nào phù hợp với lao động Việt Nam và các chủ lao động ưa tuyển dụng lao động Việt Nam trong những lĩnh vực sản xuất nào?

Ông Vũ Đình Toàn: Hầu hết các khu vực sản xuất tại đây đều rất cần lao động. Cứ nói đến những công việc cần sự chăm chỉ, tỉ mỉ và khéo léo như các ngành điện tử, chế tác vàng, dệt may, cơ khí, mộc và sản xuất găng tay cao su, bao giờ chủ lao động cũng muốn tuyển dụng lao động Việt Nam.

Ngoài ra, lao động Việt Nam còn được nhiều chủ lao động trong các ngành dịch vụ như bán hàng tại các siêu thị, phục vụ nhà hàng... tin dùng bởi sự nhanh nhẹn và tận tình với khách của họ.

Mặt bằng lương ở Malaysia nhìn chung không cao. Mức lương từ 19-21 ringgit/ngày như hiện nay khó thu hút được lao động trong nước sang làm việc tại Malaysia. Vậy theo ông giải pháp nào là tối ưu nhất để xử lý vấn đề này?

Ông Vũ Đình Toàn: Hãy cứ lấy một ví dụ nhỏ: Mức thu nhập của công nhân xây dựng tại thị trường Trung Đông là khoảng 300 USD/tháng, trong khi lao động xây dựng ở Malaysia với mức lương cơ bản tối thiểu là 30 ringgit/ngày, cộng với thu nhập làm thêm giờ thì tổng thu nhập hàng tháng của họ tối thiểu đạt khoảng 1.200 ringgit (tương đương 338 USD), mà khí hậu tại Malaysia không khắc nghiệt như ở Trung Đông.

Tuy nhiên, theo tôi, muốn thu hút lực lượng lao động trong nước tham gia thị trường Malaysia, cần tập trung giải quyết đồng bộ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, chúng ta chỉ có thể khôi phục và phát triển trên cơ sở ổn định của lực lượng lao động Việt Nam tại Malaysia. Muốn vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý lao động, nâng cao trách nhiệm với người lao động để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh và phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Malaysia.

Thứ hai, từng bước nâng thu nhập cho người lao động. Từ đầu năm tới nay, hầu hết các chủ nhà máy, cơ sở sản xuất, dịch vụ có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam đều chấp nhận mức lương cơ bản tối thiểu là 21 ringgit/ngày, cộng với 2 đến 3 giờ làm thêm ca mỗi ngày thì thu nhập của người lao động tối thiểu đạt khoảng 800 ringgit/tháng.

Cùng với việc không phải trừ khoản thuế hàng tháng như trước đây thì thu nhập của người lao động đã được cải thiện hơn so với những năm trước.

Thứ ba, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người lao động và chính quyền địa phương trong nước hiểu đúng về tình hình thị trường lao động Malaysia.

Thứ tư, kiên quyết xử lý đối với một số doanh nhiệp xuất khẩu lao động vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm với người lao động; ví dụ như Công ty Việt Thắng, Halasuco, Enlexco Thừa Thiên Huế, Hancorp, Coopimex, Cienco 4, Incomex Sài Gòn, Leesco, Solgimexco…

Thứ năm, cần nâng cao chất lượng của người lao động về một số mặt như khả năng giao tiếp, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện hợp đồng lao động, kỷ luật lao động và trật tự, vệ sinh nơi công cộng.

Đối với một số nghề (may, cơ khí) cần trang bị cho người lao động kỹ năng nghề để nhanh chóng làm quen công việc và đạt thu nhập cao.

Hiện nay, có tình trạng một số lao động Việt Nam được các doanh nghiệp trong nước đưa sang Malaysia thông qua công ty tiếp nhận và quản lý lao động nước ngoài của nước sở tại. Tuy nhiên, sau khi sang đến nơi, trong một thời gian dài những lao động này không có việc làm và các doanh nghiệp tuyển dụng họ lại không có bất cứ biện pháp giải quyết nào. Cách hạn chế tình trạng này như thế nào?

Ông Vũ Đình Toàn: Các công ty tiếp nhận và quản lý lao động nước ngoài của Malaysia trong một vài năm vừa qua mắc nhiều sai phạm như không đảm bảo việc làm cho người lao động, trả thu nhập không đầy đủ, không gia hạn thủ tục cư trú, giấy phép làm việc cho người lao động...

Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía công ty tiếp nhận và quản lý lao động nước ngoài thì các vụ việc phát sinh chủ yếu do doanh nghiệp xuất khẩu lao động của chúng ta đưa lao động sang nhưng không thẩm định hợp đồng tại Ban Quản lý lao động Việt Nam ở Malaysia, không theo dõi, quản lý tốt lực lượng lao động.

Bên cạnh đó tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cũng là một nguyên nhân khách quan nữa khiến người lao động không có việc làm.

Hiện nay Bộ Nội vụ Malaysia đã đưa ra một số biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với các công ty tiếp nhận và quản lý lao động nước ngoài của Malaysia, buộc họ phải thực hiện đầy đủ mọi trách nhiệm của mình bởi trong thời gian qua, họ đã gây ra nhiều lo ngại và làm các chính phủ, người lao động cũng như các tổ chức nước ngoài hiểu sai lệch về Malaysia.

Sở dĩ có nhiều dị nghị về các công ty tiếp nhận và quản lý lao động nước ngoài của Malaysia là do các công ty này thu phí quá cao của người lao động nhưng lại không cung cấp bất cứ dịch vụ nào cho các đối tượng đó, thậm chí một số công ty lại còn bỏ rơi người lao động khi họ mới đến Malaysia.

Kết quả thẩm định của Ban Quản lý lao động về nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam trong thời gian tới tại Malaysia ra sao, thưa ông?

Ông Vũ Đình Toàn: Số lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc từ đầu năm đến nay rất ít nhưng riêng trong tháng 7/2009, số lao động được thẩm định là 436, gần bằng tổng số của 6 tháng đầu năm 2009.

Sang tháng 8, số lượng lao động được thẩm định đã tăng lên 1.036, gấp 2,37 lần của tháng 7.

Theo tôi, nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam trong 4 tháng cuối năm 2009 là rất lớn. Vừa qua tôi có đi khảo sát tại 4 nhà máy ở bang Johor, tại đây họ có nhu cầu tuyển dụng ngay gần 1.000 lao động Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, số nhà máy có nhu cầu tiếp nhận từ 100-300 công nhân Việt Nam là khá nhiều. Như vậy tính chung có thể lên đến 20.000 người. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có nguồn lao động để cung ứng thì các chủ nhà máy sẽ chuyển sang tuyển dụng lao động đến từ các nước khác.

Mới đây Indonesia quyết định tạm ngừng đưa lao động giúp việc gia đình sang làm việc tại Malaysia khiến chính phủ nước sở tại phải tính đến khả năng tuyển dụng lực lượng lao động này từ các nước châu Á khác. Vậy Việt Nam có tận dụng cơ hội đó để đưa lao động sang làm việc trong khu vực đó không? Xin ông cho biết lao động giúp việc gia đình đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu gì? Mức lương và các quyền lợi khác của họ ra sao?

Ông Vũ Đình Toàn: Theo tôi, việc đưa lao động sang Malaysia làm việc tại gia đình chỉ nên nhằm mục tiêu giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho một bộ phận nữ lao động ở độ tuổi 35-45 do họ khó có khả năng làm việc ở nước ngoài trong các lĩnh vực khác như điện tử, dệt may, dịch vụ...

Đối với người lao động sang làm giúp việc gia đình tại Malaysia cần đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, khả năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng các trang thiết bị trong gia đình, cần cù và được chuẩn bị tốt về tâm lý.

Người lao động làm giúp việc gia đình được hưởng mức lương cơ bản tối thiểu 750 ringgit/tháng (đối với người có kinh nghiệm, có khả năng tốt hơn có thể được trả 800-850 ringgit/tháng), các điều kiện khác do chủ đảm bảo như vé máy bay, ăn, ở, chi phí bảo hiểm, chi phí khám chữa bệnh và tiền thuế.

Thưa ông, mục tiêu phấn đấu của chúng ta trong thời gian tới như thế nào?

Ông Vũ Đình Toàn: Con số 100.000 lao động tại thị trường Malaysia là mục tiêu phấn đấu của chúng tôi trong 4 tháng cuối năm 2009 và trong năm 2010.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này./.

Thanh Thủy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục