Malaysia đứng đầu khối ASEAN về lạc quan đầu tư

Các nhà đầu tư Malaysia đứng đầu trong khu vực ASEAN về sức hút mạnh mẽ của họ đối với các quỹ tương hỗ hoặc quỹ đầu tư ủy thác.
Báo cáo chỉ số lạc quan về đầu tư của Manulife (Manulife ISI) cho thấy các nhà đầu tư Malaysia đứng thứ hạng cao nhất trong khu vực ASEAN về sức hút mạnh mẽ của họ đối với các quỹ tương hỗ hoặc quỹ đầu tư ủy thác.

Một cuộc khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2012 đến cuối tháng 1/2013, cũng cho thấy sự ưu tiên tài chính của hầu hết các nhà đầu tư Malaysia là "tích cốc phòng cơ (để dành lúc khó khăn)," trong khi các đối tác khu vực của họ lại tiết kiệm để dành cho khoảng thời gian hưu trí sau này.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng mặc dù các nhà đầu tư Malaysia là những người lạc quan nhất trong khu vực, họ vẫn bảo thủ với sở thích thiên về nắm giữ tiền mặt so với các công cụ đầu tư nhiều "rủi ro" khác như cổ phiếu và cổ phần.

Tại Malaysia, tiền mặt chiếm đến 2/5 tổng tài sản của nhà đầu tư, điều này phản ánh mức độ lạc quan của các nhà đầu tư Malaysia về hiệu quả của việc nắm giữ tiền mặt.

Tuy nhiên, theo khảo sát, đối với những nhà đầu tư Malaysia nắm giữ nhiều tiền mặt và thu nhập ổn định thì giá trị tiền tiết kiệm của họ bị hao mòn và điều này có thể dẫn đến sức mua sụt giảm trong những năm tới trong bối cảnh lạm phát.

Giám đốc điều hành công ty Manulife Holding Bhd, Mark O'Dell cho biết ngoài việc đầu tư vào tài sản cố định như nhà ở và nắm giữ tiền mặt, các nhà đầu tư Malaysia còn thiên về các sản phẩm bảo hiểm cung cấp nguồn thu nhập ổn định.

Ông nói tiết kiệm là bước đi đầu tiên của bất kỳ chiến lược quản lý tiền bạc, nhưng quản lý đầu tư cũng là chìa khóa cho người Malaysia khiến đồng tiền làm việc cho họ.

Mark O'Dell cho biết 30% các nhà đầu tư Malaysia không có kế hoạch bắt đầu sắp xếp cho việc nghỉ hưu vì họ cảm thấy sự ổn định trong tài khoản sẽ hỗ trợ cho việc nghỉ hưu sau này.

Theo ông Mark O'Dell, do lĩnh vực đầu tư lớn nhất của các nhà đầu tư Malaysia là bảo hiểm và nhà cửa, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy phần lớn trong số họ (khoảng 92%) không sử dụng chuyên gia tư vấn tài chính chuyên nghiệp vì họ cảm thấy có thể tự quản lý đầu tư.

Báo cáo chỉ số lạc quan về đầu tư của Manulife (Manulife ISI) tại châu Á là nghiên cứu thuộc sở hữu của Manulife nhằm đánh giá và theo dõi quan điểm của các nhà đầu tư đối với các loại tài sản chính yếu và các công cụ đầu tư, lần đầu tiên được thực hiện tại bảy thị trường châu Á là Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Malaysia và Indonesia.

Nghiên cứu này được khảo sát trên 500 nhà đầu tư tại mỗi thị trường bằng phương thức phỏng vấn trực tuyến tại Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore và phỏng vấn trực tiếp tại Malaysia và Indonesia.

Những người được phỏng vấn là những người thuộc tầng lớp trung lưu và các nhà đầu tư giàu có, có độ tuổi từ 25 trở lên; họ cũng là người đưa ra quyết định cuối cùng đối với các vấn đề tài chính trong gia đình và đang tham gia hoạt động đầu tư./.

Kim Dung/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục