Malaysia: Gần 1% công trình có tính đến động đất

Chỉ gần 1% số tòa nhà ở Malaysia được xây dựng có tính đến động đất, bất chấp việc quốc gia này nằm kề khu vực hay xảy ra động đất.
Trong khi động đất luôn xảy ra với nước láng giềng Indonesia thì kết luận “chưa tới 1% các tòa nhà được xây dựng ở Malaysia có tính toán đến vấn đề động đất” của nhóm nghiên cứu thảm họa thuộc Đại học Khoa học Malaysia (USM) đã gây hoang mang cho người dân nước này.

Theo phó giáo sư Taksiah Abdul Majid, nhà nghiên cứu hàng đầu về động đất và là trưởng nhóm nghiên cứu trên, hầu hết các tòa nhà ở Malaysia đều không lưu tâm đến các đặc điểm kỹ thuật nếu có động đất vì các nhà thiết kế và xây dựng cho rằng nước này không có khả năng xảy ra động đất.

Bà cho biết: “Malaysia ít xảy ra động đất mạnh và yếu tố này làm cho rất nhiều chi tiết kỹ thuật trong xây dựng các tòa nhà không quan tâm nhiều đến động đất. Tuy nhiên, chúng ta không thể tự mãn vì Kuala Lumpur chỉ cách Sumatra, nơi thường xuyên xảy ra các vụ động đất mạnh, 300km”.

Theo bà, trong số các tòa nhà mà chi tiết kỹ thuật có tính toán đến động đất là Tháp đôi Kuala Lumpur, cầu Penang và tòa nhà Komtar.

Taksiah cho biết nhóm của bà đang chuẩn bị những chỉ dẫn trong xây dựng đế gửi đến chính phủ với nổ lực nhằm đảm bảo rằng mọi tòa nhà đều phải tính toán đến nguy cơ động đất xảy ra. Hiện các chỉ dẫn đã được phác thảo và đang trong quá trình kiểm tra kết luận trước khi gửi đến các nơi liên quan.

Trong khi đó, quyền Phó hiệu trưởng trường USM, giáo sư Omar Osman cho biết nhóm này được thành lập nhằm phối hợp các kiến thức trên nhiều môn học ở trường. Nhóm gồm có các chuyên gia trong các lĩnh vực sinh học, nhà ở, xây dựng, hoạch định, chuyên ngành nguyên vật liệu, thoát nước, nguồn khoáng sản và chuyên ngành công trình dân dụng.

Mục tiêu của nhóm là tập trung nghiên cứu 5 lĩnh vực chủ yếu gồm sóng thần và ảnh hưởng của chúng đối với cộng đồng, an toàn công trình xây dựng, dịch bệnh, sạt lở đất cũng như lũ lụt và mưa lớn.

Giáo sư Omar nói: “Có thể nghiên cứu này đã được làm ở nơi khác nhưng sự khác biệt của USM là chúng tôi phối hợp các phương pháp nghiên cứu mà trước đó thường tiến hành riêng lẻ và không kết nối với nhau. USM đã có chuyên môn trong các lĩnh vực cụ thể và từ lâu đã tiến hành các nghiên cứu theo các ngành tương ứng nên khi tập hợp lại thành nhóm, chúng tôi có thể tương tác dễ dàng hơn và hướng tới những nghiên cứu toàn diện hơn".

Theo ông, với tình hình biến đổi khí hậu gây ra những thảm họa thiên nhiên khôn lường như hiện nay, đã đến lúc phải có những nghiên cứu chi tiết về sự chuẩn bị đối phó của một quốc gia trước các thảm họa này./.

Xuân Triển/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục