Malaysia xử tội giết người với đối tượng bỏ rơi con

Nhằm đối phó với nạn bỏ rơi trẻ sơ sinh ngày một tăng, Malaysia sẽ xử phạt tội giết người đối với những người vứt bỏ con mình.
Để đối phó với tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày một gia tăng, Chính phủ Malaysia đã phải có những biện pháp răn đe mạnh tay nhằm ngăn chặn một cách có hiệu quả.

Giám đốc Cục điều tra tội phạm Mohd Bakri Zinin cho biết cảnh sát sẽ phân loại cụ thể để xác định rõ những người phải chịu trách nhiệm trước những trường hợp trẻ bị bỏ rơi.

Đối với những trẻ bị chết, người bỏ rơi chúng sẽ bị xử phạt theo điều khoản 302 về tội giết người của bộ luật hình sự và những trẻ còn sống, người vứt bỏ chúng bị xử theo điều 307 về tội có ý định giết người của bộ luật này.

Quyết định trên được đưa ra sau khi nội các Malaysia chấp thuận đề nghị của Bộ trưởng Bộ các vấn đề phụ nữ, gia đình và phát triển cộng đồng Shahrizat Abdul Jalil nhằm buộc tội bất cứ ai vứt bỏ con mình và nếu trẻ bị chết, người đó sẽ phải chịu hình phạt tử hình.

Công nghệ hiện đại như phân tích ADN sẽ được áp dụng để xác định cha mẹ của trẻ bị bỏ rơi. Tuy nhiên, quyết định của nội các chấp thuận kiến nghị của bà Shahrizat không có nghĩa là mọi trường hợp bỏ rơi trẻ đều bị xử tội giết người.

Nhân tố chủ đạo khiến ngày càng có nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi chính là con số trẻ vị thành niên hoang thai đang tăng đáng kể. Chỉ từ đầu năm tới nay, tại bệnh viện Kuala Lumpur người ta đã thống kê được tới 301 ca sinh con ngoài giá thú, trong đó 34 trẻ có mẹ dưới 18 tuổi.
 
Theo con số thống kê, trong năm ngoái có 79 trẻ bị bỏ rơi nhưng chỉ trong tám tháng đầu năm nay, con số này đã là 65 bé. Tính từ năm 2005 tới nay đã có 472 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong cả nước, trong đó 258 trẻ đã bị chết.

Nhiều chức sắc trong xã hội Malaysia đều bày tỏ đồng tình với quyết định áp đặt hình phạt nặng đối với những người phạm tội vứt bỏ con.

Thủ hiến bang Malacca, Mohd Ali Rustam cũng đã lên tiếng ủng hộ quyết định này và cho rằng tử hình là một sự răn đe khắt khe không được coi nhẹ.

Phó chủ tịch Hiệp hội phòng ngừa tội phạm Malaysia, Lee Lam Thye cũng nói rằng áp dụng hình phạt nặng hơn đối với những kẻ phạm tội sẽ là bài học cho giới trẻ nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.

Trong khi đó lãnh tụ tinh thần của Đảng Hồi giáo toàn Mãlai, Nik Abdul coi án tử hình là một giải pháp có thể thực hiện được vì nó hợp với giáo huấn của đạo Hồi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại cho rằng các biện pháp quyết liệt này của nội các Malaysia sẽ buộc những ông bố bà mẹ đau buồn và có thể bị chê cười về hành vi của con cái họ sẽ có những quyết định thiếu suy nghĩ và làm cho tình hình bất lợi.

Người ta cho rằng một khi quyết định trên được thực thi, nó sẽ phát sinh nhiều tiêu cực chẳng hạn như tỷ lệ nạo phá thai chui sẽ gia tăng.

Ước tính hiện có tới 300 ca nạo phá thai mỗi ngày nhưng nếu các bà bầu bắt đầu phải đi phá thai chui thì con số này sẽ tăng thêm nhiều hơn nữa./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục