Mali sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào ngày 28/7

Nội các Mali ngày 27/5 đã thông qua một dự luật, theo đó nước này sẽ tiến hành vòng một cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 28/7 tới.
Chính phủ Mali ngày 27/5 đã thông qua một dự luật, theo đó nước này sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào ngày 28/7 tới nhằm lập lại chế độ dân chủ và mở ra một thời kỳ mới sau chiến tranh và 18 tháng khủng hoảng chính trị.

Theo dự luật, chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu từ đêm 7/7 cho tới đêm 26/7. Trong trường hợp cần thiết, cuộc bầu cử sẽ tiến hành vòng hai vào ngày 11/8. Tổng thống tạm quyền tại Mali Dioncounda Traore khẳng định ông cùng các bộ trưởng trong chính quyền lâm thời sẽ không ra tranh cử.

Chính phủ mới tại Mali sẽ có nhiệm vụ chèo lái quốc gia Tây Phi này thoát khỏi khủng hoảng chính trị và xung đột bạo lực kéo dài từ tháng 1/2012, sau khi lực lượng nổi dậy Touareg thuộc Phong trào dân tộc giải phóng Azouad (MNLA) phát động chiến tranh đòi ly khai miền Bắc.

Tiếp đó, tháng 3/2012, Đô đốc Amadou Sanogo dẫn đầu một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ Tổng thống khi đó là Amadou Toumani Toure. Cuộc binh biến đã mở đường cho các tay súng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và lực lượng người Touareg chiếm giữ các tỉnh miền Bắc.

Với sự hỗ trợ của 4.000 binh sĩ Pháp, quân đội hai nước đã mở nhiều chiến dịch lớn truy quét các căn cứ hậu cần của lực lượng Hồi giáo vũ trang và đã đẩy lui lực lượng này khỏi hầu hết các căn cứ ở miền Bắc. Tuy nhiên, nhiều vùng ở Mali hiện vẫn nằm trong tay MNLA. Phong trào vũ trang này từ chối giải giáp vũ khí, không chấp nhận sự có mặt của nhà nước và quân đội ở vùng này, và đe dọa gây trở ngại cho tiến trình bầu cử.

 Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, Tổng thống Traore tuyên bố "không chấp nhận độc lập" cho miền Bắc Mali như mong muốn của lực lượng Touareg, nhưng có thể đồng ý để vùng này được hưởng quy chế "phân quyền" nếu tiến trình này được "thiết lập một cách đúng đắn". Ông cho biết vì sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc, chính phủ "buộc" phải đối thoại với MNLA. Tổng thống Traore khẳng định sẽ thảo luận với họ về "tất cả những vấn đề mà họ có thể quan tâm, miễn là họ từ bỏ ý định đòi độc lập, tôn trọng tính thế tục của nhà nước Mali và tham gia tiến trình bầu cử."

Phái bộ Liên hợp quốc hỗ trợ Mali (MINUSMA), với 12.600 lính mũ nồi xanh, sẽ được triển khai tới Mali từ tháng 7 tới, thay thế Phái bộ quốc tế hỗ trợ Mali (MISMA) và bù đắp khoảng trống an ninh sau khi Pháp rút 3.000 binh sĩ về nước. MINUSMA sẽ có nhiệm vụ huấn luyện lực lượng an ninh nước sở tại và nhanh chóng ổn định tình hình tại các thị trấn chủ chốt ở miền Bắc.

Cộng đồng thế giới đang kêu gọi đóng góp tài chính giúp Mali tái thiết đất nước sau cuộc chiến vừa qua.

Theo Liên minh châu Âu (EU), chiến tranh đã khiến 500.000 người ở nước này bị mất nhà ở, và 1/3 trong số đó phải đến các nước láng giềng tị nạn. Khoảng 2 triệu người dân Mali đang ở trong tình trạng đói ăn, trong khi 600.000 trẻ em nước này có nguy cơ bị suy dinh dưỡng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục