Mang cơ hội học tập cho học sinh nghèo vùng khó

Hơn 2.400 phòng học mới được xây dựng, gần 5 triệu sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy... đã được chuyển đến thầy và trò vùng khó khăn.
Gần 5 triệu đầu sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy, hàng trăm nghìn tài liệu hướng nghiệp, kỹ năng sống được gửi đến học sinh, thầy cô giáo, trên 2.400 phòng học, phòng thí nghiệm được xây dựng… Đó là những con số ấn tượng mà Dự án Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mang đến cho học sinh thuộc 22 tỉnh vùng khó của cả nước.

Dự án được thực hiện từ năm 2004, với nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Qua 6 năm thực hiện, Dự án đã thực sự mang lại cơ hội học tập công bằng hơn cho những học sinh nghèo.

Xây trường đón học sinh

Cơ sở vật chất thiếu thốn, số phòng học hạn chế nên không thể đón nhận được nhiều học sinh là thực trạng chung của các tỉnh vùng khó. Tuy nhiên, với hàng nghìn phòng học được xây dựng mới, hàng chục nghìn học sinh đã được tiếp tục cắp sách tới trường.

Các cơ sở mới của trường Trung học phổ thông Nguyễn Mai, Trung học phổ thông Ngọc Hiền của tỉnh Cà Mau, Trung học phổ thông Trường Chinh của tỉnh Gia Lai… đã giúp cho học sinh vùng xa rút ngắn được quãng đường tới trường. Nhiều phụ huynh trước đây cho con đi học xa tận Thành phố Hồ Chí Minh vì sợ trường địa phương không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, nay thấy trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang đã đưa con trở lại.

Không chỉ dựa vào vốn của dự án, nhiều trường đã nhân tiện huy động xã hội hóa, đưa số phòng học được xây dựng tăng lên. Ở Cà Mau, số trường được xây dựng tăng từ 23 lên 30 trường, số trường của Lạng Sơn cũng tăng từ 21 lên 25 trường… Đặc biệt, ở Gia Lai, số trường được đầu tư cơ sở vật chất tăng từ 27 lên 39 trường.

Để đảm bảo chất lượng công trình, thầy cô giáo cũng tích cực tham gia giám sát, cùng với Ban quản lý dự án và đại diện địa phương trông coi vật tư.

Với trường lớp mới, tỷ lệ tuyển sinh của các trường được mở rộng, số học sinh trên một lớp, số lớp trên mỗi phòng học giảm. Có trường còn đủ phòng để học một ca như trường Trung học phổ thông Nguyễn Mai, tỉnh Cà Mau.

Nói về ngôi trường mới được Dự án xây dựng, ông Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Tri, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn vui vẻ nói: “Nếu không có tòa nhà mới thì không thể tuyển được trên 60% học sinh tốt nghiệp bậc trung học cơ sở. Hiện nay, với 32 lớp, chúng tôi đã trở thành trường hạng 1.”

Cũng theo ông Thời, ở một nơi vốn rất nhiều khó khăn, trường lớp mới thực sự đã giúp cho học sinh phấn khởi hơn, giáo viên cũng nhiệt huyết hơn trong giảng dạy.

Hướng nghiệp cho học sinh nghèo


Công tác hướng nghề, hướng nghiệp đã trở thành quen thuộc với học sinh khu vực thành thị nhiều năm qua nhưng với học sinh miền núi lại hệt như một thứ “xa xỉ”. Nắm bắt được vấn đề này nên công tác hỗ trợ hướng nghiệp đã trở thành một phần của Dự án.

Với các buổi tư vấn, tài liệu hướng nghiệp, dạy nghề, 5.000 học sinh trung học phổ thông thuộc 22 tỉnh định hướng rõ hơn tương lai cho mình. Để việc tư vấn hiệu quả, Dự án đã tổ chức lớp bồi dưỡng 110 giáo viên cốt cán cấp tỉnh, 880 giáo viên trực tiếp tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Hơn 46.000 cuốn sổ tay tư vấn hướng nghiệp và chọn nghề đã được chuyển đến các em.

“Hoạt động này đã giúp cho học sinh có định hướng đúng đắn về nghệ nghiệp và tự tin khi chọn nghề, ngành học cho tương lai,” ông Phương Ngọc Thuyên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn nói.

Cùng với việc giúp học sinh định hướng nghề, Dự án cũng bổ sung kiến thức về giới, kỹ năng sống, đặc biệt quan tâm tới những học sinh nữ trong các gia đình nghèo. Có tới 90.000 cuốn sổ tay nữ sinh trung học phổ thông đã đến tay học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao hiểu biết về giới và bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình.

Hoạt động này đã giúp các em nhận thức tốt hơn và quyết tâm hơn trong học tập. Điển hình như một nữ học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn), người dân tộc thiểu số, nhà nghèo, bị gia đình yêu cầu bỏ học để lấy chồng. Nhưng với sự hỗ trợ của nhà trường, em đã tiếp tục được đi học và đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo ông Trần Như Tỉnh, Trưởng ban điều hành Dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông, những nỗ lực của dự án đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho các tỉnh vùng khó, mang lại cơ hội học tập công bằng hơn cho các em.

Tuy nhiên, ngay tại các tỉnh được thụ hưởng này vẫn còn thiếu rất nhiều phòng học, phòng thí nghiệm. Việc đổi mới phương pháp giáo dục cũng phải thực hiện liên tục. Do đó, việc đảm bảo công bằng trong giáo dục trung học phổ thông cho học sinh nghèo vẫn là nhiệm vụ dài hạn./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục