Mạng lưới ngoại giao toàn cầu biến động trong năm 2019

Viện Lowy vừa công bố báo cáo về Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu 2019, trong đó đưa ra những nhận định về sự biến động trong mạng lưới ngoại giao thế giới suốt năm qua.
Mạng lưới ngoại giao toàn cầu biến động trong năm 2019 ảnh 1Cờ Trung Quốc và Mỹ. (Nguồn: ghanamotion)

Trang mạng lowyinstitute.org đưa tin, trong thời đại ngoại giao kinh tế, ngoại giao số, ngoại giao thể thao và tất nhiên là cả ngoại giao Twitter đang dần trở thành những hình thức mới trong quan hệ quốc tế, người ta vẫn không thể phủ nhận vai trò và vị thế của các hoạt động ngoại giao truyền thống.

Viện Lowy vừa công bố báo cáo về Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu 2019, trong đó đưa ra những nhận định về sự biến động trong mạng lưới ngoại giao thế giới suốt năm qua.

Đáng chú ý, trong số 61 quốc gia được đề cập tới trong bảng chỉ số - gồm toàn bộ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhóm G20 và hầu hết các quốc gia châu Á - có tới 34 quốc gia đã mở rộng đáng kể mạng lưới ngoại giao của mình trong giai đoạn từ 2017-2019.

Trung Quốc “soán ngôi” Mỹ để trở thành quốc gia có số phái đoàn ngoại giao lớn nhất thế giới

Với 276 cơ quan đại diện ngoại giao trên toàn cầu, lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Mỹ trên phương diện này.

Trong vòng 2 năm, Bắc Kinh đã tăng số lượng các phái đoàn ngoại giao lên thêm 5 đơn vị, sau khi mở thêm 7 trụ sở mới và đóng cửa 2 văn phòng đại diện.

Tốc độ mở rộng mạng lưới đại diện ngoại giao của Trung Quốc trên toàn cầu được cho là rất mạnh mẽ. Năm 2016, nước này đứng thứ 3 sau Mỹ và Pháp, song đến năm 2017 Trung Quốc đã vượt qua Pháp và chỉ đứng sau Mỹ.

Nền ngoại giao Mỹ bước vào giai đoạn bấp bênh

Trong khi Trung Quốc tích cực mở rộng quan hệ ngoại giao, sự hiện diện của Mỹ liên tục bị thu hẹp kể từ năm 2017.

Tổng số các phái đoàn ngoại giao của Mỹ hiện chỉ còn 273 đơn vị, sau khi Lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg bị đóng cửa vào năm 2018 do căng thẳng trong quan hệ với Kremlin và Mỹ không mở thêm bất kỳ cơ sở ngoại giao nào trong suốt 2 năm qua.

Cùng với đó, trong bối cảnh một Bộ Ngoại giao còn nhiều chỗ trống - với chỉ khoảng 73% vị trí nhân sự quan trọng được lấp đầy - và kế hoạch cắt giảm ngân sách chi tiêu dành cho bộ này và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tới 23%, nền ngoại giao Mỹ khó có thể được xem là sẽ có một tương lai ổn định. 

[Các đồng minh của Mỹ sẽ đối phó thế nào với yêu cầu tăng phí an ninh?]

Tuy nhiên xét trên bình diện rộng, Mỹ vẫn là nơi quan trọng được nhiều nước đặt cơ sở ngoại giao, cụ thể là có tới 342 cơ quan thuộc 61 quốc gia và vùng lãnh thổ được nhắc đến trong báo cáo của Lowy, trong khi con số này tại Trung Quốc chỉ là 256.

Thành quả của Trung Quốc là thiệt hại cho Đài Loan

Đài Loan (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ tụt hạng nhiều nhất khi xét đến số lượng các cơ quan đại diện ngoại giao khi từ 22 phái đoàn trong năm 2016 xuống chỉ còn 15 ở thời điểm hiện tại.

Nhờ chiến dịch lôi kéo bền bỉ nhằm vào những quốc gia cụ thể, Bắc Kinh đã thành công trong việc chia cắt nhiều đối tác ngoại giao cuối cùng của vùng lãnh thổ này.

Ngay sau các tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao của một số nước, Đài Bắc đã triệu đại diện về nước và Bắc Kinh cũng nhanh chân không kém khi sớm mở cửa các cơ quan ngoại giao thế vào chỗ trống.

Bắc Kinh đã có các phái đoàn ngoại giao tại Burkina Faso, Cộng hòa Dominicana, El Salvador, Gambia, São Tomé và Príncipe- các quốc gia từng là đối tác ngoại giao của Đài Bắc.

Các quốc gia chuẩn bị cho Brexit, thậm chí còn nhanh hơn cả Anh

Anh vẫn đang nặng nhọc tìm cách tiến tới mục tiêu trở thành “nước Anh toàn cầu” như hứa hẹn. Dù Thủ tướng Boris Johnson từng hứa hẹn vào năm 2018 về kế hoạch mở cửa ba cơ quan ngoại giao tại khu vực Thái Bình Dương, song các con số vẫn dậm chân tại chỗ và thậm chí 11 sứ quán còn bị hạ bậc xuống thành các tòa lãnh sự và văn phòng đại diện.

Ở chiều ngược lại, Ireland mở rộng mạng lưới ngoại giao với 8 cơ sở mới. Trước tương lai đối tác nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị ra đi, Dublin cho biết các diễn biến này là một phần “chiến lược Brexit” của Ireland.

Hà Lan cũng có những động thái thúc đẩy ngoại giao để chuẩn bị cho Brexit bằng việc tăng thêm 7 phái đoàn ở nước ngoài trong vòng hai năm và dự kiến sẽ mở rộng thêm vào năm 2021.

Nhật Bản âm thầm ghi dấu ngoại giao

Với tổng cộng 247 phái đoàn ngoại giao ở nước ngoài trong năm 2019, Nhật Bản vươn lên hàng thứ 4, vượt qua Nga.

Mạng lưới ngoại giao toàn cầu biến động trong năm 2019 ảnh 2Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) tại cuộc gặp ở Nagoya, Nhật Bản ngày 22/11 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh cán cân quyền lực khu vực có nhiều biến động, Nhật Bản đã âm thầm khẳng định vị thế ngoại giao của mình trong suốt gần một thập kỷ trở lại đây.

Từ năm 2017, Nhật Bản mở thêm các cơ quan đại diện mới ở các quốc gia có tiềm năng chiến lược như Campuchia, Philippines, Seychelles, và Vanuatu.

Đây là kết quả sau quá trình tăng ngân sách không chỉ cho quốc phòng mà còn cho cả các hoạt động ngoại giao công với sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Tokyo đã rất khéo léo và kín đáo trong việc thực hiện những nỗ lực này, tiến hành song song các sáng kiến thúc đẩy quyền lực mềm như tổ chức Cúp Bóng bầu dục Thế giới và Thế Vận hội 2020, thay vì những động thái ngoại giao ồn ào khác.

Tham vọng chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ vươn ra ngoài phạm vi phương Tây

Kế hoạch mở rộng mạng lưới ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, với 6 phái đoàn mới ở nước ngoài từ năm 2017, diễn ra cùng với những chính sách đối ngoại ngày càng tham vọng và các nỗ lực đa dạng hóa quan hệ bên ngoài các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Chính sách “Trở lại châu Á” của Thổ Nhĩ Kỳ vừa được công bố hồi tháng Tám vừa qua, song các cơ quan đại diện ngoại giao mới của nước này lại không tập trung hầu hết ở châu Á.

Ngoài đại sứ quán mới ở Lào, Thổ Nhĩ Kỳ chú trọng mở rộng mạng lưới ngoại giao tại Mỹ Latinh và châu Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục