Mang múa dân tộc đến với cộng đồng Việt kiều

Kiều bào mong mỏi xây dựng nền văn hóa Việt Nam vững mạnh, không phải mang tính chất vui vẻ mà còn mang tính giáo dục cộng đồng.
Một trong những nguyện vọng thiết tha của kiều bào tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất vừa qua là việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt ở ngước ngoài. Nhiều đại biểu đặc biệt mong muốn cho con em mình được học nghệ thuật múa dân tộc truyền thống.

Họ cũng đã bày tỏ tâm nguyện với Chủ tịch Hội múa đồng thời là Phó ban Văn hóa Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Chu Thúy Quỳnh.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với bà Chu Thúy Quỳnh về vấn đề này.

Nhiều kiều bào bày tỏ với bà rằng họ muốn phổ cập bộ môn múa dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bà có suy nghĩ thế nào?

NSND Chu Thúy Quỳnh:
Đúng như vậy. Nhiều kiều bào sinh sống ở nước ngoài chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, họ rất mong mỏi cộng đồng bên đó xây dựng được nền văn hóa Việt Nam vững mạnh, không phải mang tính chất vui vẻ mà nó còn mang tính chất giáo dục cộng đồng. Chính vì thế họ muốn thành lập những câu lạc bộ, trung tâm văn hóa nghệ thuật ở từng nước.

Như anh Vũ ở bên Pháp, vừa là chỉ đạo nghệ thuật vừa là ca sĩ, người phụ trách, có trong tay cả một đoàn nghệ thuật, muốn tôi sang giúp dàn dựng chương trình cho cộng đồng người Việt ở bên đó. Đây không phải chỉ là việc sang đó làm một chương trình mà mình có điều kiện để giới thiệu, tuyên truyền cho bà con hiểu hơn về nghệ thuật của Việt Nam, đặc biệt dễ tiếp thu là âm nhạc.

Tôi nghĩ những việc như vậy thì chúng tôi hoàn toàn có thể tạo điều kiện giúp đỡ được và tôi cũng có nhận lời tháng 12 này sẽ sang Pháp, đại diện bên Cộng hòa Séc cũng nói muốn sau đó tôi từ Pháp qua, rồi từ Séc đi Ba Lan. Bởi sang năm họ cũng có rất nhiều chương trình giới thiệu về Việt Nam.

Kế hoạch tháng 12 này đi sang các nước đó của bà cụ thế sẽ là gì?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Bên đó sẽ xây dựng chương trình, tôi đóng góp ý kiến và cố vấn giúp họ nên làm thế nào cho phù hợp với nội dung là các chương nghệ thuật đặc biệt, là chương trình lễ hội hay những chương trình giao lưu Tết của bà con… Nội dung là theo yêu cầu của bên đó.

Còn công tác giảng dạy thì sao thưa bà?

NSND Chu Thúy Quỳnh:
Cái thiếu của bà con bên đó là không có người để giảng dạy thường xuyên. Vậy thì trước mắt sang bên đó chúng tôi sẽ đào tạo nguồn nòng cốt, dạy cho một số các em lớn để các em có thể tiếp thu được nhanh những bài múa trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng. Rồi sau chính các em này sẽ dạy lại thường xuyên hơn cho cộng đồng của mình.

Bà sẽ chọn một giáo trình như thế nào dành cho các em nhỏ người Việt ở nước ngoài?

NSND Chu Thúy Quỳnh:
Hiện nay trong hệ thống dạy của trường múa có rất nhiều giáo trình, ví dụ như giáo trình cho 7 năm, 4 năm, 3 năm… Còn giáo trình dành cho các em nhỏ người Việt ở nước ngoài thì chúng tôi sẽ phải dựa trên yêu cầu của từng nơi.

Ví dụ như ở Cộng hòa Séc, họ muốn chúng tôi dạy từ từ cho các em bé làm quen với múa dân tộc đồng thời dạy các tác phẩm cho những anh chị lớn, cho các diễn viên… Thậm chí có nơi đã có sẵn ca múa nhạc cả rồi, như ở Pháp chẳng hạn, thì chúng tôi chỉ việc sang đó giúp họ dàn dựng chương trình.

Theo bà, các em nhỏ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có hứng thú với việc học các điệu múa dân tộc Việt Nam?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Có chứ. Tôi cho rằng lớp trẻ, đặc biệt là các em nhỏ của cộng đồng người Việt mình ở nước ngoài đang tuổi đi học muốn được tham gia những chương trình sinh hoạt về quê hương đất nước, trong đó nghệ thuật múa cũng là một trong những bộ môn mà các em rất ham.

Tôi nghĩ, với chuyên ngành của mình chúng tôi có thể dạy các em những động tác múa Việt Nam, múa của dân tộc Kinh, múa của dân tộc thiểu số, múa những tác phẩm của Việt Nam đã được sáng tác, đã được lưu truyền rất nhiều trên sân khấu ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Tức là chúng tôi không chỉ giới thiệu và giảng dạy cho các em hiểu biết về múa mà còn dạy cả những tác phẩm múa đã được chọn lọc.

Đã có những Hội Việt kiều ở nước nào đặt vấn đề trực tiếp mời bà qua đó giới thiệu, giảng dạy hay dàn dựng chương trình múa dân tộc cho họ?

NSND Chu Thúy Quỳnh: Đó là Séc, Ba Lan, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, sau khi gặp đều muốn tôi sang bên đó mở trường lớp và dàn dựng chương trình. Thực ra những cái đó cũng chính là những điều mà tôi và Hội múa mong muốn từ lâu lắm rồi mà chưa có điều kiện để trực tiếp làm việc với các Hội Việt kiều ở các nước, mà gặp được họ ở Hội nghị như vừa rồi là rất hiếm.

Xin cảm ơn bà./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục