Mạng tin IPS nhận định: Hai điểm khác biệt của Cuba năm 2019

Mạng tin IPS nhận định năm 2019 của Cuba có 2 điểm khác biệt; trong đó đây là thời điểm Cuba kỷ niệm 60 năm Cách mạng thành công và sự khởi đầu của một tiến trình chuyển biến đất nước theo 4 hướng.
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày Cách mạng Cuba thành công, Santiago ngày 1/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày Cách mạng Cuba thành công, Santiago ngày 1/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng tin IPS nhận định năm 2019 của Cuba có 2 điểm khác biệt.

Thứ nhất, đây là thời điểm Cuba kỷ niệm 60 năm Cách mạng thành công và sự khởi đầu của một tiến trình chuyển biến đất nước theo 4 hướng: độc lập dân tộc, công bằng xã hội, chính phủ vì nhân dân và một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững.

Tiến trình đó tới nay đã trải qua 6 thập kỷ quật cường và hy sinh tập thể, luôn được đặt dưới một tên gọi duy nhất - Cách mạng Cuba.

Nếu phải đưa ra một tổng kết ngắn gọn, có thể nói rằng trong 60 năm qua, đất nước này đã lần đầu tiên thực hành quyền tự chủ toàn vẹn và chuyển mình thành một trong những nhân tố toàn cầu với chính sách chống bá quyền và đoàn kết quốc tế; đã có những bước tiến kinh ngạc trong y tế và giáo dục, mặc dù vẫn có những khoảng trống rộng lớn trong các dịch vụ xã hội khác như nhà ở và giao thông công cộng; đã xóa bỏ được “văn hóa” tham nhũng của chế độ cũ và tạo ra một hệ thống chính trị mới, sát sao hơn với nguyện vọng quần chúng, dưới hình ảnh và tài năng của một lãnh tụ tầm cỡ là Fidel Castro.

Trong khi đó trước kia, do một môi trường bị bao vây, Cuba đã phải đối mặt với một chế độ dân chủ chưa hoàn thiện, với bộ máy thể chế theo trục dọc và mang tính toàn trị, trong đó tệ quan liêu nhà nước và của đảng bị đẩy lên mức tràn lan; đã thất bại trong việc xây dựng một mô hình kinh tế thịnh vượng và bền vững, độc lập với sự viện trợ, giúp đỡ từ bên ngoài, trong khi các lực lượng sản xuất bị giới hạn bởi một hệ thống hành chính tập quyền cao độ và ít tính sáng tạo.

Khi phân tích những sai lầm của tiến trình này, hãy luôn nhớ rằng Chính phủ Cuba đã và đang nằm dưới sức ép của một chính sách thù địch phi lý và dai dẳng của một kẻ thù mà trước đây từng là đối tác được ưu tiên: Mỹ.

Điểm khác biệt thứ hai trong năm 2019, đúng hơn là giai đoạn 2018-2019, là chuyển biến chính trị lớn đầu tiên trong thời kỳ hậu cách mạng: sự chuyển giao quyền lực từ thế hệ lịch sử từng làm nên cuộc Cách mạng Cuba sang một thế hệ mới trẻ trung hơn, gồm những người chủ yếu ra đời sau năm 1959.

Sự chuyển giao này cần một Hiến pháp mới, trong đó hệ thống chính trị Cuba lần đầu tiên được thừa nhận như một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với tất cả những nội hàm của khái niệm này.

Quá trình soạn thảo, tranh luận, thông qua và ban hành văn bản luật cơ bản mới này, mà trong đó cũng không tránh được những xu hướng quen thuộc của cơ chế trục dọc trong văn hóa chính trị Cuba, đã trở thành ưu tiên hàng đầu trên chính trường Cuba từ tháng 7/2018 tới tháng Tư vừa qua, bao gồm cả một cuộc trưng cầu dân ý được đánh giá là thể hiện tính dân chủ cao.

Trùng hợp khi đây cũng là dịp tổng kết lại một năm cầm quyền của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng được bầu vào tháng 4/2018, ông Miguel Díaz-Canel Bermudéz và dĩ nhiên, việc tổng kết này không thể bó gọn trong khoảng thời gian trên.

Ông Díaz-Canel, có bằng Kỹ sư điện, nhưng trong suốt quá trình công tác chủ yếu giữ các vai trò lãnh đạo trong Đảng và chính quyền, kế thừa một tiến trình cải cách kinh tế và chính trị dang dở, được hoạch định cơ bản trong 12 năm cầm quyền của người tiền nhiệm, Đại tướng Raúl Castro.

[Lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba khẳng định tính tươi mới của cách mạng]

Mục tiêu trọng tâm của chiến lược cải cách này là vươn tới trạng thái mà bộ máy tuyên truyền chính thống gọi là “chủ nghĩa xã hội thịnh vượng và bền vững” thông qua việc “cập nhật mô hình kinh tế-xã hội Cuba.”

Điều này không có nghĩa là một sự đoạn tuyệt với những thành quả đã đạt được dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Fidel Castro, nhưng bao hàm - như chính ông Raúl Castro đã khẳng định ngày 27/7/2007 ở thời điểm bắt đầu cải cách - “việc đưa vào những thay đổi về cơ cấu và nhận thức cần có.”

Trong thời gian tại nhiệm, vị cựu Chủ tịch và đương kim Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba đã từng hơn một lần nhấn mạnh rằng kẻ thù chủ chốt mà quá trình chuyển mình này đối diện chính là “tư duy xưa cũ,” điều mà nhiều nhà phân tích cho rằng đã phơi bày rõ ràng một thực trạng: Dưới khẩu hiệu đoàn kết, có một cuộc đấu tranh gay gắt giữa 2 xu hướng, một bên ưu tiên thay đổi, sáng kiến và bên kia là cương quyết với lập trường tiếp diễn và bất động.

Như đã được chứng minh trong 12 năm qua, không thể có sự tiếp nối mà không có thay đổi và thích nghi với tình hình biến động cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, từ trung tâm tư tưởng hùng mạnh của Đảng, người ta vẫn bám giữ khẩu hiệu “chúng ta là sự tiếp nối”, điều có thể bóp nghẹt ý thức và hy vọng của người dân về nhu cầu thay đổi.

Trong hệ thống độc đảng luôn tồn tại nguy cơ nhầm lẫn thực tiễn với tuyên truyền; vì sau tất cả, bất kỳ khẩu hiệu tư tưởng-tuyên truyền nào cũng không thể hơn là một cách diễn giải thực tiễn và một thực tiễn rất bất biến. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên quan niệm cốt lõi về chủ nghĩa Marx: Thực hành chính là thước đo của chân lý.

Mặc dù cả ông Raúl Castro và ông Díaz-Canel đều nhấn mạnh rằng trận chiến chủ chốt của Cuba là trên lĩnh vực kinh tế, nhưng chắc hẳn năm 2018 sẽ được ghi nhớ trước hết bởi những thay đổi chính trị, trong đó không thể bỏ qua việc mở rộng không gian sử dụng Internet, sự hiện diện của các lãnh đạo Cuba trên các mạng xã hội và sự nhấn mạnh vào chính phủ điện tử.

Bản tổng kết năm 2018 vẫn cho thấy những bước hụt của quá trình chuyển biến kinh tế. Cả từ chính phủ lẫn trong giới học giả, người ta đều thừa nhận rằng các mục tiêu đề ra không được hoàn thành và vẫn còn nhiều chính sách đã được thông qua mà không được triển khai.

Có 2 yếu tố rõ ràng: Tất cả các chính sách của Chủ tịch Díaz-Canel đều hướng tới mục tiêu cập nhật mô hình kinh tế xã hội với tầm nhìn tạo ra chủ nghĩa xã hội thịnh vượng và bền vững; và bản thân Chủ tịch đã có những cố gắng lớn cả trong công việc lẫn trong hoạt động truyền thông để đạt được mục tiêu đó. 

Những thách thức mà Chính phủ Cuba giờ đây phải đối diện trong lĩnh vực đối ngoại là vô cùng lớn do tính thù địch ngày càng tăng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và những diễn biến nghiêm trọng tại Venezuela.

Cũng có một số yếu tố tích cực để hy vọng, nhưng Cuba lại thường không tận dụng được tất cả những tiềm lực của mình với sự nhanh nhạy cần có.

Không thể quên được rằng hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, nền kinh tế và chính trị gắn kết với nhau một cách không thể tách rời. Cuba đã biết và xác định được cần phải làm gì, nhưng vẫn không thể áp dụng một cách toàn vẹn, can đảm và dứt khoát. Và giờ đây, thời gian để chờ đợi đã hết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục