“Mảng tối” tiếp tục bao phủ công ty chứng khoán nhỏ

Nửa cuối quý II, thị trường rơi vào chu kỳ điều chỉnh mạnh điều này có nghĩa “sự u ám” một lần nữa quay trở lại với các công ty chứng khoán.
Từ trung tuần tháng 5 trở lại đây, thị trường chứng khoán rơi chu kỳ điều chỉnh, cùng với đó là hoạt động giao dịch trên thị trường cũng giảm sút mạnh mẽ. Điều này, đồng nghĩa với việc “sự u ám” thêm một lần nữa quay trở lại với các công ty chứng khoán và báo hiệu bức tranh “xám” về kết quả kinh doanh quý II này.

Báo hiệu mùa báo cáo ảm đạm

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2012, hiện đã có một số công ty chứng khoán công bố lợi nhuận âm, trong đó Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) có mức lỗ 11,53 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước lãi 55,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là do KLS đã giải ngân mạnh trong quý II, khiến trích lập dự phòng giảm gần 75 tỷ đồng. Lũy kế cả 6 tháng đầu năm, KLS doanh thu đạt 161 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 50 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2011 là 85,7 tỷ đồng.

Công ty cổ Chứng khoán Phương Đông (ORS), trong quý II/2012 doanh thu sụt giảm mạnh chỉ còn 6,39 tỷ đồng, với mức doanh thu này đã khiến cho ORS lỗ 369 triệu đồng và kéo lãi 6 tháng đầu năm xuống còn 129 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng có kết quả ảm đạm, doanh thu trong quý đạt 15,9 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2011, lợi nhuận sau thuế quý II/2012 của PHS lỗ hơn 36,7 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2012 lên trên 50 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, do thanh khoản trên thị trường giảm sút mạnh khiến nguồn thu từ môi giới, dịch vụ tài chính… cũng giảm theo, thêm vào đó nhiều công ty dồn kinh doanh về mảng đẩu tư chứng khoán dẫn đến kết quả kinh doanh kém hiệu quả.

Trước đó, hồi đầu năm thị trường chứng khoán có đợt tăng trưởng mạnh (từ tháng 1 tới tháng 5), chỉ số VN-Index tăng tốc từ mốc đáy 336,73 (6/1) lên đỉnh 486,07 (10/5) và HNX-Index cũng leo từ mức đáy 55,27 (9/1) lên đỉnh 83,76 (9/5).

Tuy nhiên trong bối cảnh thuận lợi đó, nhiều công ty chứng khoán vì bị tổn thất nặng trong năm 2011 đã không tiếp cận được xu thế tăng trưởng của thị trường và tiếp tục thua lỗ ngay trong quý I/2012.

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong quý I/2012 có 54 công ty chứng khoán kinh doanh lỗ, nâng tổng số công ty có lỗ lũy kế tính đến hết Quý I/2012 là 66 công ty. Trong đó có 12 Công ty chứng khoán lỗ lũy kế trên vốn điều lệ hơn 50% và 27 Công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu thâm hụt 50% so với vốn pháp định.

Thêm vào đó, với diễn biến thị trường đang điều chỉnh mạnh như cái cách mà nó đi lên từ thời điểm giữa quý II, chốt phiên tháng Sáu chỉ số VN-Index đã phải lùi về mức 422,37 điểm và HNX-Index quay lại mức 71,07 thì khả năng số lượng các công ty chứng khoán lại sa vào tình trạng khó khăn sẽ còn cao hơn so với quý I.

“Sáng” nhờ kinh doanh khác

Bên cạnh các công ty chứng khoán thua lỗ, thị trường cũng xuất hiện những “điểm sáng”. Công ty Chứng khoán Sài Gòn hiện đang dẫn đầu về con số lợi nhuận. Trong quý II, Công ty này đạt doanh thu  245 tỷ đồng, sau khi trừ đi hết chi phí, lợi nhuận của SSI lên tới 119 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2012, SSI đạt 417,6 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế  là 331 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái SSI đã lỗ 153,5 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng bất ngờ công bố lãi hơn 55 tỷ trong quý II/2012  và Công ty này không có khoản vay nợ nào tại thời điểm 30/6/2012.

Tổng doanh thu quý II/2012 của BVSC đạt 70,67 tỷ, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 tháng đạt 116 tỷ đồng. Tính chung cả 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của BVSC đạt 65,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2011 lỗ hơn 80 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) có doanh thu quý II là 172 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 102,6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 330 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 164 tỷ đồng...

Điểm chung ở các công ty chứng khoán là lợi nhuận trong nửa đầu của năm 2012 lại nhờ hoạt động kinh doanh khác lĩnh vực kinh doanh chính.

Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu của SSI, doanh thu khác chiếm 180 tỷ đồng, doanh thu tự doanh là 153 tỷ đồng trong khi doanh thu môi giới là 65 tỷ đồng, riêng khoản gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn hạn 1.397 tỷ đồng đã mang đến cho SSI một khoản lãi đáng kể.

Tính đến 30/6, lượng tiền mặt của SSI là 2.252 tỷ đồng, trong đó bao gồm 853 tỷ đồng tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư.

Đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của BVSC cũng là doanh thu khác, chiếm tỷ trọng 44%, sau đó doanh thu môi giới và tự doanh chiếm 27% và 24%.

Về tình hình tài chính, tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt của BVSC tại thời điểm 30/6/2012 đạt hơn 630 tỷ đồng và BVSC không có những khoản vay nợ chịu lãi.

Tương tự, lợi nhuận của SHC chủ yếu cũng đến từ hoạt động kinh doanh nguồn vốn đạt 187,7 tỷ đồng, trong khi môi giới và dịch vụ khách hàng là 71,7 tỷ đồng. Lợi nhuận từ bộ phận tự doanh và ngân hàng đầu tư không đáng kể, lần lượt là 5 tỷ và 7 tỷ đồng.

Cụ thể đến cuối quý II, HSC có khoảng 900 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chính nguồn tiền mặt dồi dào là yếu tố giúp Công ty tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, trường hợp của Chứng khoán Ngân hàng Công thương (CTS) trở thành hiện tượng khác biệt so với các công ty chứng khoán khác.

Với hoạt động tự doanh áp đảo, CTS đã thu về khoản lãi sau thuế gần 43 tỷ đồng trong hai quý đầu năm. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý 2/2012 của CTS đạt 18,13 tỷ, tăng 12% so với cùng kỳ 2011 và 6 tháng đạt 42,89 tỷ, tăng 86% cùng kỳ 2011.

Theo đó, tổng doanh thu quý II/2012 của CTS đạt 47,87 tỷ đồng, tỷ trọng tự doanh chiếm 67%  trong cơ cấu doanh thu, môi giới chiếm 18,5% và doanh thu khác chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng doanh thu./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục