Mảnh ghép còn thiếu trong sự liên kết của các quốc gia Bộ Tứ

Chuyến thăm của 3 thượng nghị sỹ Mỹ là Tammy Duckworth, Dan Sullivan và Christopher Coons đến Đài Loan vào tháng 5/2021, đã báo hiệu sự tiếp nối trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan (Trung Quốc).
Mảnh ghép còn thiếu trong sự liên kết của các quốc gia Bộ Tứ ảnh 1Lô vaccine ngừa COVID-19 viện trợ cho Đài Loan (Trung Quốc) chuẩn bị được chuyển lên máy bay ở sân bay Narita ở Chiba, Nhật Bản ngày 4/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, trong một động thái nhằm hỗ trợ Đài Loan (Trung Quốc) xúc tiến chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, Mỹ đã tài trợ 2,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho hòn đảo này.

Một số diễn biến gần đây, trong đó có chuyến thăm của 3 thượng nghị sỹ Mỹ là Tammy Duckworth, Dan Sullivan và Christopher Coons đến Đài Loan vào tháng 5/2021, đã báo hiệu sự tiếp nối trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.

Trên thực tế, Washington đang theo đuổi chính sách hành động mau lẹ - một chính sách vốn không phải nhằm vào Trung Quốc mà là nhằm hỗ trợ Đài Loan đạt được các mục tiêu chính sách ngoại giao của mình.

Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng xúc tiến việc hỗ trợ Đài Loan trong cuộc chiến chống đại dịch tại hòn đảo này. Tokyo đã tài trợ 1,24 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 hồi đầu tháng 6/2021 và thêm 1,13 triệu liều vào tháng này.

Có vẻ như Mỹ, Nhật Bản và thậm chí cả Australia đang cùng nhau đứng về phía Đài Loan. Tháng 5/2020, các văn phòng đại diện (trên thực tế là các đại sứ quán) của Mỹ, Nhật Bản và Australia tại Đài Loan đã ra một tuyên bố chung ủng hộ việc kết nạp Đài Loan vào Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) với tư cách một quan sát viên.

Trong khi hầu hết các quốc gia có chung chí hướng đều đã bày tỏ sự ủng hộ của họ dành cho Đài Loan và đang phỏng đoán những hàm ý trong thái độ ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc, Ấn Độ lại tránh đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về Đài Loan.

Ngày 12/3, lần đầu tiên các lãnh đạo Bộ Tứ đã họp với nhau theo hình thức trực tuyến và cũng là lần đầu tiên 4 nước sử dụng cụm từ “Bộ Tứ” để đề cập đến sự sắp xếp này, ám chỉ một sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia trong nhóm.

[Trung Quốc: Kinh tế Đài Loan có thể thực sự khởi sắc sau COVID-19?]

Tuy nhiên, một tuyên bố ủng hộ Đài Loan đã không được đưa ra. Đây là một "lỗ hổng" đáng chú ý bởi Đài Loan đã xuất hiện trong các tuyên bố chung gần đây sau cuộc họp thượng đỉnh song phương Nhật-Mỹ hồi tháng 5/2021 cũng như cuộc họp G7 hồi tháng 6/2021.

Với thực tế rằng Bộ Tứ là một trong những cơ chế quan trọng trong khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc Ấn Độ né tránh bày tỏ sự ủng hộ với Đài Loan có nguy cơ làm tổn hại đến những triển vọng của một Bộ Tứ mạnh mẽ hơn.

Có thể hiểu được là tranh chấp ở biên giới và sự cần thiết của việc điều phối quan hệ với Trung Quốc đã cản trở Ấn Độ làm điều này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục tỏ ra miễn cưỡng một cách rõ rệt trong việc xử lý các vấn đề dai dẳng này và thậm chí còn có những hành động làm gia tăng rủi ro, những rào cản trên không nên là nhân tố định hình chính sách của Ấn Độ đối với Đài Loan nữa.

Để cân nhắc điều này, cách tiếp cận thận trọng của Ấn Độ đối với Đài Loan chỉ đang khiến chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của họ trở nên không hoàn thiện, thậm chí ở một chừng mực nào đó còn đặt ra những thách thức đối với sự tín nhiệm trong dài hạn của cả Bộ Tứ. 

Việc Ấn Độ điều chỉnh chính sách đối với Đài Loan sao cho phù hợp với các nước Bộ Tứ khác không nên bị coi là một động thái nhằm chống đối Trung Quốc, mà nên được coi là một động thái hỗ trợ Ấn Độ củng cố thêm Chính sách Hành động hướng Đông và tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này.

Điều này cũng sẽ có lợi cho những tham vọng khu vực của Ấn Độ và sẽ giúp Bộ Tứ mạnh hơn. Hiện là lúc Ấn Độ nên làm những điều mà các nước cùng chung chí hướng khác đã làm và đi theo xu hướng chung.

Nhật Bản đang chủ động thúc đẩy sự tham gia của Đài Loan vào một số nền tảng quốc tế, điều đã giúp định hình nhận thức của các quốc gia châu Á khác cùng chung chí hướng về Đài Loan.

Ấn Độ cũng chia sẻ các giá trị chung với Nhật Bản, và mối quan hệ đối tác của họ đang ngày càng sâu sắc hơn. Sự ủng hộ của Nhật Bản dành cho Đài Loan cũng có thể tác động và khuyến khích các nước như Ấn Độ ủng hộ Đài Loan nhiều hơn.

Về phần mình, Đài Loan cũng có nhiệm vụ hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước khác để tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của họ.

Chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã thực hiện một số bước đi nhằm củng cố hơn nữa các mối quan hệ của họ.

Chẳng hạn, một trong những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Đài Loan dưới thời chính quyền đảng Dân Tiến là tích cực hợp tác với các quốc gia cùng chung chí hướng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và một khuôn khổ chính sách cũng đã được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu này.

Đây là lần đầu tiên Đài Loan đưa ra một chính sách hợp tác với 6 quốc gia Nam Á, các nước thành viên ASEAN, Australia và New Zealand. Kể từ đó, Chính sách Hướng Nam mới này đã trải qua 5 năm.

Mặc dù trong quá khứ chính sách này đã mang lại những kết quả tiềm năng và sinh lợi cho Đài Loan, song điều quan trọng là Đài Loan cần phải củng cố thêm chính sách bằng cách đề ra tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình và đặt chính sách này trong bối cảnh rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Điều này sẽ cải thiện vị thế của Đài Loan trong khu vực cũng như trên quốc tế. Một động thái như vậy rất có thể sẽ trở thành một lời đáp trả cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kìm hãm không gian quốc tế của Đài Loan.

Thêm vào đó, điều này cũng sẽ thúc đẩy Ấn Độ, nước có chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương toàn diện và liên kết chặt chẽ với Chính sách Hành động hướng Đông, tìm kiếm những đường lối để hợp tác với Đài Loan.

Cuộc thảo luận về việc mở rộng Bộ Tứ có vẻ như có chút vội vàng vào thời điểm này, nhưng 4 nước có thể bắt đầu bằng cách thống nhất các quan điểm của họ về Đài Loan.

Ấn Độ nên nhận thức rằng sự đồng nhất lớn hơn về các vấn đề cùng quan tâm có tầm quan trọng vô cùng lớn khi mà hiện nay dường như chưa có cách thức nào khác để đối phó với thách thức đến từ Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục