Marcus Vũ Mạnh Cường: RapNewsPlus kéo khán giả quay lại với thời sự

Từng là Chủ tịch và Trưởng ban tuyển phim của YxineFF 5 năm, Marcus Vũ Mạnh Cường bảo điều quan trọng mà RapNews làm được là hướng tới và hấp dẫn một lượng độc giả trẻ không hề quan tâm tới thời sự.
Marcus Vũ Mạnh Cường: RapNewsPlus kéo khán giả quay lại với thời sự ảnh 1Marcus Vũ Mạnh Cường cho biết anh rất ấn tượng với bản tin RapNewsPlus. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từng là Chủ tịch và Trưởng ban tuyển phim của YxineFF 5 năm, Marcus Vũ Mạnh Cường là gương mặt quen thuộc đã đồng hành với những nhà làm phim ngắn trẻ trong nước nhiều năm qua.

Dành nhiều tâm huyết và gắn bó với nghệ thuật thứ bảy nhưng lại chọn một nghề chẳng liên quan, Mạnh Cường bảo, dẫu sao anh vẫn luôn tự uốn mình đi theo “đường ray” của điện ảnh.

Đã định cư ở Đức nhưng Vũ Mạnh Cường vừa trở về quê nhà để tham dự Liên hoan phim “Clap!” với tư cách nhà tuyển chọn Phim ngắn Việt Nam cho sự kiện này, và phóng viên VietnamPlus đã tranh thủ có cuộc trao đổi với anh.

RapNews kéo khán giả lại với thời sự

- Tham gia tuyển chọn 4 phim ngắn của Việt nam (“16.30,” “Một cuộc thẩm vấn,” “Hai chú cháu,” “Mùi”) dự Liên hoan phim “Clap!”, theo anh, những phim này đã thực sự tiêu biểu để đại diện cho phim ngắn Việt Nam ở sân chơi của “Clap!” chưa?

Vũ Mạnh Cường: Khi bạn xem “16.30” của Trần Dũng Thanh Huy, “Một cuộc thẩm vấn” của Nghiêm Quỳnh Trang, “Hai chú cháu” của Nguyễn Đình Anh, và “Mùi” của Lê Bảo ở “Clap!” vào tối ngày thứ Bảy (24/1), bạn sẽ thấy các tác phẩm hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh ở sân chơi này, qua sự đầu tư công phu về tính sáng tạo, kỹ thuật và cả về cảm xúc nữa. Tôi chọn các tác giả này cũng vì muốn giới thiệu những xuất phát điểm khác nhau của nhà làm phim ngắn Việt Nam cùng hướng tới mục tiêu là trở thành nhà làm phim dài.

Ngoài ra, tôi cũng đánh giá cao Đỗ Quốc Trung ở Hà Nội với “Đóng vào, mở ra” hay “Trực nhật với Thư Kỳ,” nhưng tôi không chọn phim của bạn ấy tham gia “Clap!” vì thời lượng chương trình cũng có hạn, hơn nữa xuất phát điểm của Trung cũng giống Thanh Huy.

Trong thời gian khoảng bảy năm, tôi đã chứng kiến sự tiến bộ và phát triển vượt bậc của những gương mặt đạo diễn phim ngắn trẻ của Việt Nam, xuất phát từ những phim ngắn bài tập, ví dụ như Đỗ Quốc Trung tôi biết từ năm 2010 với phim đầu tay “Những tia nắng nhảy múa,” nhưng sau đó đã có nhiều tác phẩm để lại dấu ấn.

Mặc dù có những xuất phát điểm khác nhau, cách đến với điện ảnh khác nhau nhưng các bạn trẻ ấy đã cùng chia sẻ một mục tiêu chung là niềm đam mê điện ảnh.

Marcus Vũ Mạnh Cường: RapNewsPlus kéo khán giả quay lại với thời sự ảnh 2Cảnh trong phim "16.30" của Thanh Huy. (Ảnh: Viện Pháp cung cấp)

- “Clap!” là liên hoan phim của các xu hướng mới xuất hiện trong lĩnh vực sáng tạo nghe nhìn và cũng là sân chơi dành cho những tài năng trẻ giống như YxineFF nhưng ra đời sau, do Viện Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức cùng nhiều đối tác. Với các loại hình được giới thiệu trong khuôn khổ liên hoan, anh ấn tượng với loại hình nào nhất?

Vũ Mạnh Cường: Ấn tượng đầu tiên của tôi là “Clap!” rất hay khi tập hợp được một cách đầy đủ nhất có thể những loại hình liên quan đến nghe nhìn trong khuôn khổ liên hoan.

Còn loại hình ấn tượng nhất, mà tôi tin chắc nhiều người cũng đồng ý với tôi đó là RapNewsPlus.

Không phải thông qua “Clap!” tôi mới biết đến RapNewsPlus mà năm ngoái, khi tôi về Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một số sự kiện, giữa giờ nghỉ của một cuộc họp đang phải bàn nhiều chuyện rất mệt mỏi thì các đồng nghiệp có mở RapNewsPlus cho tất cả cùng xem.

Tôi thấy đây là sáng tạo rất hay, kết hợp giữa truyền thông truyền thống là tin tức thời sự - một format vừa cổ vừa khó cải tiến nhất trên thế giới, hầu như không thay đổi - kết hợp với một hình thức khá đương đại và mới được giới trẻ quan tâm đó là rap.

Có thể, không phải số RapNewsPlus nào cũng có chất lượng tốt nhất nhưng về mặt ý tưởng thì tôi nghĩ đó là loại hình đáng chú ý.

Theo tôi, điều quan trọng mà RapNewsPlus làm được là đã hướng tới và hấp dẫn một lượng độc giả, khán giả trẻ không hề quan tâm tới thời sự. Bởi tôi thấy đã lâu rồi nhiều người ở Việt Nam không còn muốn coi thời sự vì nhiều lý do.

Và RapNewsPlus đã kéo lượng khán giả nhất định quay lại với thời sự, với những thông tin đáng chú ý. Tất nhiên họ coi RapNewsPlus là chính chứ không phải thời sự của đài truyền hình Việt Nam.

Điện ảnh Việt Nam vẫn bị định kiến

- Theo anh, trong 5 năm trở lại đây, năm nào phim ngắn Việt Nam phát triển nhất và lộ diện nhiều gương mặt nổi bật nhất?

Vũ Mạnh Cường: Xét mặt bằng chung, 2012 là năm có một thế hệ tài năng các nhà làm phim ngắn trẻ tuổi ở Việt Nam đồng loạt lộ diện như Trần Dũng Thanh Huy, Đỗ Quốc Trung, Lê Bình Giang, Nguyễn Đình Anh và một số gương mặt khác nữa.

Chất lượng những năm khác có độ trồi, sụt nhất định cũng như có cả các nhân tố bừng sáng như Lê Bảo năm 2014 có phim “Mùi,” 2013 có “Cục Than.”

Marcus Vũ Mạnh Cường: RapNewsPlus kéo khán giả quay lại với thời sự ảnh 3Cảnh trong phim "Hai chú cháu" của Nguyễn Đình Anh. (Ảnh: Viện Pháp cung cấp)

- Trong quan điểm của một doanh nhân đam mê điện ảnh, theo anh, những nhà làm phim trẻ Việt Nam nói chung hiện nay có lợi thế và còn thiếu gì để thành công và ghi dấu ấn với quốc tế?

Vũ Mạnh Cường: Theo tôi, lợi thế lớn là các bạn ấy được sống trong một môi trường xã hội đang phát triển, có ngồn ngộn đề tài hay cho nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng như: những mối quan hệ phức tạp, những dằn vặt, mâu thuẫn, những điều đáng được quan tâm nói chung của con người… với nét đặc thù rất Việt Nam.

Các bạn làm phim ngắn ở Việt Nam có thể được tự do, tự do theo nghĩa cộng đồng những người quan tâm đến phim ngắn rất rộng lớn ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và luôn sẵn sàng chung tay, hỗ trợ lẫn nhau.

Một điểm vừa lợi thế nhưng vừa hạn chế của các nhà làm phim trong nước là Việt Nam vẫn còn là cái tên quá mới mẻ. Lợi thế ở chỗ mình sẽ dễ được chú ý, dễ gây tò mò như một nhân tố lạ nhưng lại thường bị bạn bè quốc tế nhìn bằng ánh mắt định kiến chứ không phải là một nền điện ảnh có sức nặng.

Vì thế, nhiệm vụ của các nhà làm phim Việt Nam là phải chứng minh: chúng tôi hay, để thế giới phải thưởng thức và chiêm ngưỡng mỗi khi các bạn đại diện cho Việt Nam ở nước ngoài.

Tôi nghĩ, những bước đi thành công đầu tiên của điện ảnh Việt Nam ra với thế giới đã có vài gương mặt như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp. Chúng ta rất cần một thế hệ nữa, một làn sóng mạnh mẽ hơn nữa…

- Đúng như anh nói, hai nhà làm phim độc lập đó đã chứng tỏ được năng lực cũng sự nhạy bén của mình bằng các dự án phim nghệ thuật chất lượng như “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di,“Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp… hay vừa mới đây đạo diễn Nguyễn Đăng Di tiếp tục khẳng định tên tuổi với “Cha, con và…”- bộ phim lọt vào danh sách tranh giải Gấu Vàng và Gấu Bạc của Liên hoan phim Quốc tế Berlin (Đức). Theo anh, điều gì đã làm nên thành công cho các dự án này?

Vũ Mạnh Cường: Tôi nghĩ, thành công quan trọng nhất về mặt nghệ thuật của Di và Điệp là đã tìm được một cách thể hiện riêng biệt. Tác phẩm của họ ra với thế giới và được công nhận đã chứng minh một điều, để làm được những tác phẩm như thế phải rất kiên trì, mất nhiều thời gian, công sức, mồ hôi nước mắt mới có thể đi đến đích cuối cùng.

Người làm phim cực vô cùng, khi phải chăm sóc cho “đứa con” từ lúc ý tưởng hình thành, viết ra kịch bản đến lúc cả êkíp bắt tay vào làm ra tác phẩm. Có phim rồi câu chuyện tiếp theo sẽ là mang nó đến với khán giả thế nào, về mặt cảm xúc có đến được với khán giả hay không…

Theo tôi, đề tài chỉ là một phần làm nên thành công, quan trọng là cách bạn thể hiện tác phẩm như thế nào mà thôi.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của anh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục