Maroc rút khỏi vùng đất gây tranh cãi Guerguerat tại Tây Sahara

Maroc sẽ rút khỏi một vùng đất gây tranh cãi tại Tây Sahara, khu vực là tâm điểm gây ra sự cưng thẳng giữa nước này với tổ chức Mặt trận Polisario.
Maroc rút khỏi vùng đất gây tranh cãi Guerguerat tại Tây Sahara ảnh 1Vùng đất Guerguerat. (Nguồn: huffpostmaghreb.com)

Phóng viên TTXVN tại Algeria dẫn nguồn tin chính thức cho biết từ ngày 26/2, Maroc sẽ rút khỏi một vùng đất gây tranh cãi tại Tây Sahara, khu vực là tâm điểm gây ra sự cưng thẳng giữa nước này với tổ chức Mặt trận Polisario.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Maroc cho biết từ ngày 26/2 Maroc đơn phương rút khỏi Guerguerat nằm ở vị trí Tây Nam của Tây Sahara, và thuộc biên giới với Mauritani. Văn bản trên không cho biết thêm chi tiết về sự rút lui này.

Trước đó, ngày 24/2, Quốc vương Maroc Mohammed VI đã đề nghị Liên hợp quốc có các biện pháp khẩn cấp để chấm dứt sự "khiêu khích" của Mặt trận Polisario trong việc vi phạm lệnh ngừng bắn tại Tây Sahara.

Trong tuyên bố gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Quốc vương Mohammed VI cho biết Mặt trận Polisario đã có hành động "khiêu khích" và "tính toán trước" để gây mất ổn định trong khu vực.

Quốc vương Maroc kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra "các biện pháp cấp bách và cần thiết để chấm dứt hành động khiêu khích và đe dọa nghiêm trọng thỏa thuận ngừng bắn năm 1991 và có nguy cơ gây bất ổn định tại khu vực này."

Căng thẳng tái bùng phát vào cuối năm 2016 sau khi Mặt trận Polisario thiết lập một căn cứ quân sự mới gần biên giới với quốc gia láng giềng Mauritania và Maroc bắt đầu xây dựng con đường kiên cố ở khu vực phía Nam của vùng đệm ngăn cách giữa hai bên.

Guerguerat nằm ở vị trí Tây Nam của Tây Sahara, và thuộc miền biên giới với Mauritani. Tây Sahara là thuộc địa cũ của Tây Ban Nha và thuộc sự kiểm soát của Maroc từ năm 1975.

Mặt trận Polisario, được sự ủng hộ của Algeria, vẫn đòi trưng cầu dân ý về quyền tự quyết và muốn độc lập đối với Maroc. Hai bên đã chiến đấu để giành quyền kiểm soát lãnh thổ này trong giai đoạn 1974-1991 và chính quyền Rabat đã giành quyền kiểm soát lãnh thổ trước khi lệnh ngừng bắn do Liên Hợp quốc làm trung gian có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục