"Mặt trận thể hiện chức năng phản biện là yêu cầu chính đáng"

Trả lời phỏng vấn TTXVN, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định lắng nghe ý kiến nhân dân là yêu cầu xuyên suốt của Mặt trận Tổ quốc các cấp
"Mặt trận thể hiện chức năng phản biện là yêu cầu chính đáng" ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn cơ quan báo chí. (Nguồn: TTXVN)

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII sẽ diễn ra từ ngày 25/9 đến 27/9, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dành cho báo giới cuộc trao đổi về các thông tin liên quan. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi này.

-Xin Chủ tịch đánh giá những kết quả đạt được qua Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp và công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Hướng tới Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc lần thứ VIII, từ cuối năm 2013, các cơ sở đã tiến hành chuẩn bị, từ cuối quý IV/2013 đến hết tháng 7/2014 đã hoàn thành đại hội tại 63 tỉnh, thành, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh.

Có thể nói, đợt tổ chức Đại hội này thể hiện tinh thần đổi mới, tổng kết kết quả nhiệm kỳ 5 năm, hướng tới những yêu cầu mà Hiến pháp 2013 đã xác định cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như tinh thần mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã vạch ra. Khi tiến hành đại hội ở cấp xã, huyện, tỉnh đã có thảo luận rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về nội dung Mặt trận cấp xã, huyện, tỉnh và định hướng cấp Trung ương. Đây là hoạt động mang tính chất chính trị-xã hội rộng rãi, phát huy được sáng kiến của các đoàn thể, tầng lớp nhân dân.

Đại hội các cấp đã đạt được ba yêu cầu: thứ nhất, đảm bảo được tiến độ đến tháng 7 hoàn thành ở cả ba cấp của 63 tỉnh thành. Nội dung thảo luận sâu sắc và có đổi mới. Thứ hai, thành phần lãnh đạo Mặt trận các cấp so với nhiệm kỳ trước đều tăng thêm, tuổi bình quân trẻ hơn nhiệm kỳ trước.

Ở cấp xã, 90% Chủ tịch Mặt trận tham gia cấp ủy, ở cấp huyện, tỉnh là 100%, trong đó, tham gia Thường vụ ở cấp huyện là 58%, cấp tỉnh là trên 60%. Một nội dung nữa là tỉ lệ người dân không phải đảng viên tham gia Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng tăng hơn trước… Có thể nói, Đại hội đại biểu các cấp đã tạo tiền đề rất quan trọng để hướng tới chuẩn bị Đại hội cấp Trung ương.

Khi Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh tiến hành Đại hội, song song với đó, ở Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các khóa, các cán bộ cách mạng lão thành, các chuyên gia về chương trình công tác Mặt trận nhiệm kỳ mới, việc sửa đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc. Dự thảo Báo cáo chính trị đã được đăng trên báo Nhân dân, báo Đại đoàn kết và website của Mặt trận làm cơ sở thu hút ý kiến của nhân dân.

Sau ngày 5/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã sơ kết ý kiến và hoàn chỉnh văn bản cuối cùng. Cùng với đó, công tác truyền thông đã được đẩy mạnh để tạo sự quan tâm và có sự tham gia tích cực của các tổ chức thành viên trong xây dựng báo cáo chính trị, sửa đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam .

- Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc lần này diễn ra giữa lúc đất nước chuẩn bị tổng kết 30 năm đổi mới, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 12 của Đảng. Chương trình của Đại hội Mặt trận Tổ quốc sẽ như thế nào để có thể lắng nghe được ý kiến rộng rãi của các tầng lớp, thưa ông?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: tại các Đại hội các cấp này, yêu cầu được đặt ta là làm thế nào lấy được ý kiến của các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu, góp ý cho chương trình công tác của Mặt trận. Một cơ chế đã được hình thành từ đầu năm nay là cứ ba tháng một lần, Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và Trung ương phải hoàn thành một báo cáo về tình hình nhân dân, trong đó nêu ý kiến của nhân dân.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp báo cáo cho Quốc hội, Chính phủ. Gần đến dịp Đại hội, trong tháng 8 vừa qua, 5 buổi lấy ý kiến của các chuyên gia đã được tổ chức. Lãnh đạo Mặt trận đã làm việc với từng hội, từng giới để nghe góp ý. Lần này, yêu cầu xuyên suốt là Mặt trận lắng nghe ý kiến nhân dân. Ở đâu nhân dân muốn nói, đóng góp, cảm thấy chưa được nghe kịp thời, chưa được nghe đủ ở chỗ khác, Mặt trận phải là địa chỉ cuối cùng và họ có quyền đặt ra yêu cầu đó.

- Thưa Chủ tịch, những chủ trương, định hướng lớn được thể hiện trong các văn kiện Đại hội như thế nào, đặc biệt là việc sửa đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Bước vào chuẩn bị Đại hội, 2 vấn đề được thảo luận, đó là chủ đề và tiêu đề của Đại hội. Chủ đề của Đại hội lần này là “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển.” Nói đến đoàn kết là nói đến chức năng của Mặt trận, tập hợp đoàn kết nhân dân trong nước, ngoài nước, phát huy sức mạnh dân tộc để đóng góp cho sự phát triển, tạo sự đồng thuận xã hội.

Nói đến dân chủ là ở cả hai phía, trong hệ thống Mặt trận cũng phát huy dân chủ, phát huy được sáng kiến của nhân dân từ cơ sở để có chương trình hoạt động hợp lý, đồng thời hoạt động của Mặt trận góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ trong xã hội. Về đổi mới, phải đổi mới công tác Mặt trận, góp phần vào đổi mới của đất nước. Về phát triển, Mặt trận phải phát triển cùng góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Tiêu đề lần này là “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.”

Trong chủ đề này, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và sức mạnh của chúng ta. Nội dung lớn thứ 2 là giữ vững hòa bình chủ quyền quốc gia. Đó là những đòi hỏi đang đặt ra hiện nay và trong thời gian tới. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,” nhưng Đại hội đặt thêm mục tiêu “hạnh phúc.” “Hạnh phúc” này chính là thước đo sức sống của Mặt trận đối với người dân ở cơ sở. Gia đình hạnh phúc, khu dân cư, thôn bản hạnh phúc, không chờ đến thật giàu mới hạnh phúc. Phải phấn đấu hạnh phúc hơn ngay từ thời điểm bây giờ.

Trên cơ sở đó, Mặt trận xác định 5 chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới, vừa phản ánh chức năng nhiệm vụ, vừa phản ánh đòi hỏi cuộc sống hiện nay. Thứ nhất đó là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Lâu nay, công tác tuyên truyền vẫn được triển khai, lần này đòi hỏi nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập hợp các tầng lớp nhân dân, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình thứ 2 là phát huy tinh thần sáng tạo, sự tự quản của nhân dân để thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Ở đây nhấn mạnh đến sự sáng tạo, tự quản của nhân dân, nhất là ở cơ sở. Những phong trào lâu nay vẫn làm nhưng làm rõ mô hình trong từng lĩnh vực, thể hiện sự sáng tạo, tự quản của nhân dân.

Chương trình thứ 3 là phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân, giám sát phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Đây là nội dung vừa truyền thống, đồng thời mang tính thời sự cao. Vì Mặt trận luôn gắn bó với dân, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhưng vế thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng vững mạnh là nội dung mới đã được ghi vào Hiến pháp 2013 và nội dung này được bổ sung một cách đậm hơn, phù hợp hơn.

Chương trình thứ 4 là mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tăng cường hữu nghị hợp tác quốc tế. Đây cũng là công tác truyền thống nhưng lần này mở rộng, tăng cường công tác hữu nghị nhân dân với các nước láng giềng, các nước ASEAN và bạn bè quốc tế.

Chương trình thứ 5 là hoàn thiện cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam . Bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp ngày càng hoàn thiện hơn với cơ quan của chính quyền, các đoàn thể khác, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng, việc nâng cao chất lượng cán bộ công tác Mặt trận, nâng cao điều kiện làm việc công tác mặt trận là rất quan trọng. Có thể nói, 5 chương trình này vừa kế tục những thành tựu thời gian qua, đồng thời phản ánh yêu cầu, mong muốn của nhân dân, các đoàn thể trong thời gian tới.

Điều lệ Mặt trận Tổ quốc lần này sửa không nhiều nhưng có ba vấn đề rất đáng quan tâm. Thứ nhất, phần mở đầu nói rõ hơn chức năng của Mặt trận, thể hiện tinh thần Hiến pháp 2013, đó là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh thông qua giám sát, phản biện. Thứ hai là về nhiệm vụ, các cấp đều có nhiệm vụ giám sát, phản biện, đây là nội dung mới.

Yêu cầu thứ 3, là lần đầu tiên quy định rõ quyền và trách nhiệm của thành viên Mặt trận, bao gồm thành viên tổ chức và thành viên cá nhân. Như vậy, những bổ sung một số điều theo ba hướng này làm cho “tầm” của Điều lệ ngang bằng với sự phát triển của đất nước hiện nay và bổ sung những vấn đề hạn chế phát huy tốt nhất đóng góp của các thành viên trong Mặt trận.

- Có thể nói, xây dựng Đề án nhân sự là một trong những khâu đặc biệt quan trọng trong công tác chuẩn bị Đại hội. Chủ tịch có thể cho biết đề án nhân sự Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII có điểm gì mới so với các nhiệm kỳ trước?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Về công tác nhân sự, ở khóa này, dự kiến có 385 Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng 30 người so với giai đoạn trước. Cụ thể, tập trung tăng những cá nhân tiêu biểu cho sự phát triển của đất nước như: các cá nhân đại diện cho công nhân, nông dân, những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học; lần đầu tiên có đại diện những người là tiểu thương ở hai miền đất nước và có đại diện của vùng biển đảo, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Trường Sa tham gia vào Ủy ban Trung ương nhiệm kỳ này. Tỷ lệ những người không phải đảng viên nhưng tham gia Mặt trận với tấm lòng, trách nhiệm cao là vẫn giữ được trên 50%.

- Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Công việc này được đề cập như thế nào trong báo cáo trình Đại hội VIII và để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội cần phải làm gì, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Lâu nay, nói đến giám sát tức là Mặt trận Tổ quốc kiểm tra việc thực hiện những chính sách, đường lối hiện nay trong thực tiễn như thế nào. Nói đến phản biện là nói đến góp phần xây dựng những chủ trương chính sách mới sẽ được triển khai trong tương lai. Hai nhiệm vụ này, Mặt trận đã làm trong những năm qua với mức độ khác nhau.

Ví dụ, công tác giám sát ở cơ sở có Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, các hoạt động thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là hoạt động giám sát đã làm lâu nay và được báo cáo kỹ trong phần đánh giá kết quả nhiệm kỳ vừa qua. Về phản biện, thời gian vừa qua, các cấp triển khai rất tích cực. Việc đóng góp xây dựng Hiến pháp 2013 trong số 22 triệu lượt người đã có ý kiến, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức cho các thành viên của mình tham gia đóng góp trên 8 triệu lượt ý kiến. Dự án Luật đất đai được nhân dân rất quan tâm, Mặt trận đã tổ chức các cuộc thảo luận để góp ý vào đó.

Giám sát, phản biện có phần đã làm nhưng đặc điểm lần này là nội dung nhiều hơn và mức cao hơn – đã hiến định trong Hiến pháp. Về mặt giám sát, xác định rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và năm tổ chức chính trị-xã hội: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền giám sát độc lập. Nghĩa là với vấn đề mà các tổ chức này hoặc Mặt trận Tổ quốc thấy nhân dân quan tâm, muốn tìm hiểu rõ đường lối chính sách, luật pháp, chương trình của Chính phủ, chính quyền các cấp thực hiện như thế nào thì họ tổ chức giám sát.

Tháng 12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành quy chế về tổ chức thực hiện giám sát phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng như quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân thực hiện việc tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có cơ chế triển khai tốt hơn.

Theo hướng đó, vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thảo luận và báo cáo Chính phủ thống nhất triển khai năm nội dung giám sát ở cấp quốc gia, các địa phương có thể tham gia đồng bộ hoặc chọn lọc theo điều kiện của mình. Chưa bao giờ có giám sát như vậy. Ví dụ, điều mà mọi người rất quan tâm là sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh, làm thế nào những người có công được Đảng, Nhà nước ghi nhận đúng mức, được trân trọng, được hỗ trợ trong cuộc sống.

Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị, Thủ tướng đồng ý chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công. Từ năm 1954 đến nay, việc tổng rà soát này chưa được triển khai vì mất rất nhiều sức lực và bộ máy nhà nước không đủ người làm.

Vì vậy, lần này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp có Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ, Hội nạn nhân chất độc da cam tham gia. Các đoàn thể này đang tiến hành rà soát để khẳng định những người có công thuộc bảy đối tượng đã được hưởng đúng và đủ chính sách.

Ngoài ra, Mặt trận đã ký kết phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai các chương trình giám sát chất lượng đầu vào nông nghiệp; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, y tế cho công nhân… Chương trình sẽ có sơ kết để nâng cao hiệu quả và quy mô của hoạt động lên. Đây là việc làm rất mới, vừa qua các đoàn thể, ban, ngành đã phối hợp chặt chẽ và tiến hành triển khai.

-Ở cuộc gặp ngày 6/8 vừa qua, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có ý kiến về việc Mặt trận phải làm sao thể hiện được chức năng phản biện của mình. Chủ tịch nghĩ thế nào về ý kiến này?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Chúng tôi cho rằng, đó là yêu cầu hết sức chính đáng, không phải của riêng của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình mà rất nhiều người dân, đảng viên có yêu cầu với Mặt trận như vậy. Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ cố gắng làm theo yêu cầu đó bởi Mặt trận có chức năng mà Hiến pháp 2013 quy định là đại diện và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong phương châm công tác, Mặt trận phải lắng nghe nhân dân nói, lắng nghe rồi phải truyền đạt đến những địa chỉ cần thiết để các cấp lãnh đạo có thể tiếp nhận những thông tin đó và theo dõi việc trả lời.

Gần đây nhất, tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa rồi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có báo cáo về tình hình nhân dân trước Quốc hội, trong đó đề cập đến sáu vấn đề lớn nhân dân cả nước quan tâm. Sau đó, trong vòng hai tuần, chín Bộ, ngành trung ương có văn bản gửi cho Mặt trận nêu rõ kế hoạch sẽ triển khai trên lĩnh vực đã được đề cập đến. Lần này, các Bộ trưởng chủ động phản hồi trở lại. Đó là một tín hiệu rất tốt, hình thành một cơ chế đối thoại, khi Mặt trận có ý kiến, các Bộ có phản hồi./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục