Mặt trận Tổ quốc tăng cường vai trò phản biện xã hội

Bộ Chính trị đang xem xét quyết định Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tăng cường nhiệm vụ này.
Phó Chủ tịch Vũ Trọng Kim Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết hiện nay Bộ Chính trị đang xem xét quyết định Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội để tăng cường nhiệm vụ này.

Ngày 7/12, tai Hội nghị bàn tròn nêu ý kiến, kiến nghị của nhân dân về “Phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội”, ông Kim cũng cho biết theo quy chế này, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội sẽ được thực hiện theo từng chủ đề, bám sát chủ trương và những vấn đề nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời điểm để có giải pháp thực hiện. Đồng thời, có sự phân công cụ thể để tránh trùng lặp, chồng chéo; có bộ phận chuyên trách.

Năm 2013, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc sẽ tập trung vào một số vấn đề như Luật Đất đai (sửa đổi) và những tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; tham gia xây dựng sửa đổi Hiến pháp 1992, đi sâu vào vào vấn đề quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước; cụ thể hóa hơn nữa vấn đề dân chủ, tiếp thu tiếng nói nhân dân trong sửa đổi Luật Mặt trận để những chủ trương, chính sách ra đời phù hợp hơn, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng đó, giám sát, phản biện công tác phòng, chống tham nhũng vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, cấp bách.

Một điểm mới đáng chú ý, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc sẽ chủ động “đặt hàng” các Hội đồng tư vấn theo từng chủ đề chuyên sâu, phù hợp với lĩnh vực phụ trách với những yêu cầu cụ thể, tập trung, trọng tâm, trọng điểm hơn.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim, trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia xây dựng Đảng và chính quyền, đề cao vai trò giám sát và góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vì vậy, việc nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn ở cấp Mặt trận là một trong những việc làm rất quan trọng đã và đang thể hiện sự đổi mới tích cực và có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ tham chính của mình trong tình hình mới.

Việc phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn tham mưu cho Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong nhiệm vụ này là yêu cầu có tính chiến lược, cấp bách.

Những năm qua, 7 Hội đồng tư vấn ở trung ương đã giúp Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhìn chung, các Hội đồng tư vấn đã có các hoạt động thiết thực; bám sát chức năng, nhiệm vụ tư vấn, chủ động nghiên cứu, đề xuất ý kiến về những nội dung có liên quan đến lĩnh vực của từng Hội đồng, khẳng định được vai trò của mình, đóng góp vào các hoạt động quốc kế dân sinh, qua đó khẳng định vị trí của Mặt trận trong nhân dân và hệ thống chính trị. Hoạt động của một số Hội đồng tư vấn cũng đã thể hiện rõ nhạy cảm chính trị, kịp thời hiệu quả; góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội...

Tuy nhiên, kết quả hoạt động còn chưa đồng đều do một số khó khăn, tồn tại, chủ yếu về cơ chế phối hợp, đảm bảo điều kiện hoạt động…

Để làm tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện, các ý kiến tại hội nghị cho rằng các Hội đồng cần được bảo đảm đủ điều kiện cho các hoạt động tư vấn; khai thác, phát huy, tổng hợp được trí tuệ, kinh nghiệm của thành viên các Hội đồng.

Việc kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội đồng tư vấn cũng như đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là yêu cầu khách quan cần thiết, là những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và phải đạt hiệu quả cao.

Thông qua đó, đạt mục tiêu cao nhất là tạo sự đồng thuận trong xã hội; phản ánh cơ bản, đầy đủ ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, lợi ích quốc gia, dân tộc./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục