Màu dân tộc sáng bừng… nhờ cánh bướm

Cứ lúc nào rảnh rỗi, ông Hiển và ông Anh lại tới căn phòng nhỏ ở Chùa Bộc cắt, ghép những cánh bướm để làm ra những bức tranh tuyệt đẹp.
Cứ lúc nào rảnh rỗi, giáo sư, tiến sĩ Bùi Công Hiển và kỹ sư Đặng Ngọc Anh lại tới căn phòng nhỏ ở phố Chùa Bộc (Hà Nội) lúi cúi cắt, ghép những cánh bướm nhỏ xinh, làm ra những bức tranh Đông Hồ truyền thống.

“Vẽ” tranh bằng những cánh bướm không chỉ là thú vui của họ trong hơn 15 năm nay mà còn là cả những tâm sự về cách thức kiếm tiền nhờ côn trùng.

Hai ông già, một “nhà… bướm”

Đón khách dưới cổng, niềm nở dắt lên tầng 2 của Trung tâm phòng trừ Mối (nơi có 1 căn phòng nhỏ, là chỗ ông Hiển mượn của học trò để lấy nơi làm việc), vị giáo sư ở tuổi 67, mở cánh tủ cũ mèm, lấy ra cơ man những bức tranh bướm. Này nhé, nào là “Đám cưới chuột”, “Vinh hoa-Phú quý”, “Chăn trâu thổi sáo”…

Khi khách có vẻ đã "mãn nhãn", ông Hiển bắt đầu trò chuyện về những thứ côn trùng, rồi đi sâu vào những cánh bướm.

Ông Hiển mê côn trùng từ lâu lắm. Bởi thế, sau khi tốt nghiệp đại học, rồi sang Đức làm nghiên cứu sinh, năm 1973, ông về nước quyết định theo nghiệp “phấn trắng bảng đen” ở khoa Sinh (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đến giờ.

Năm 1992, trong một chuyến trao đổi nghiên cứu khoa học về côn trùng ứng dụng ở Thái Lan, ông Hiển thấy người Thái làm ra những bức tranh con vịt từ cánh bướm, bán cho khách du lịch với giá 20 USD. Lạ mắt và nảy ra ý định làm sản phẩm này phục vụ ngành du lịch nước nhà, ông Hiển gom góp tiền, mua về xem xét.

Về nước, ông Hiển thấy, bức tranh vịt của người Thái có nhược điểm là phải để trong hộp kính đệm bông nên bắt buộc phải bảo quản tốt.

Nghĩ cách khắc phục, ông thấy chỉ có cách ép plastic cánh bướm rồi dùng keo dính lên những khung tranh. Thế là, hơn một năm trời, cứ lúc nào rảnh rỗi công việc giảng dạy, ông lại cặm cụi trong phòng làm việc, tìm ra một loại keo tự nhiên để gắn cánh bướm.

Lại nữa, do những cánh bướm hơi… cứng, không uyển chuyển như nét cọ vẽ, ông Hiển lại phải tìm những loại tranh, ảnh hợp lý. Cuối cùng, ông chọn tranh Đông Hồ bởi những đường nét tuy đơn giản lại rất đa dạng, gần gũi với cuộc sống con người. Rồi, “đứa con nghệ thuật” đầu tiên của ông Hiển được chào đời vào năm 1994, ông đem tặng bạn bè làm kỷ niệm.

Hai năm sau, trong một lần tìm tài liệu về côn trùng trong lâm nghiệp, ông Hiển đã gặp kỹ sư Đặng Ngọc Anh (Viện điều tra quy hoạch rừng). Ý tưởng gặp nhau, ông Hiển rủ ông Anh cùng “vẽ vời” với mình. Đến nay, họ đã có gần đủ bộ tranh Đông Hồ với gần 30 bức.

Ông Hiển và ông Anh, bảo rằng, khó khăn nhất trong việc “vẽ tranh” là lúc gắn cánh bướm. Do lớp phấn trên cánh rất dễ phai màu, nên việc ghép cần sự khéo léo, tỉ mỉ và vô cùng cẩn thận.

Khách cứ tò mò về vô vàn những cánh bướm lấy ở đâu ra? Ông Hiển cười, bảo, những nguyên liệu ấy được 2 ông tìm ở rừng trong những chuyến dẫn sinh viên đi thực địa liên tu bất tận ở nơi rừng rú...

Trong những chuyến đi này, những chú bướm thu được sẽ chia làm 3 loại: Bướm rực rỡ thì vào tủ sấy để làm khô, còn nguyên vẹn để trưng bày và những con bị hỏng (mất đầu, chân...) thì được dùng làm nguyên liệu “vẽ tranh”.

Nghề mới cho nông dân (?)

Trong suốt cuộc trò chuyện, “hai ông già mê bướm” – cách gọi thân mật của đồng nghiệp với 2 người – bảo rằng, họ nghiên cứu côn trùng phục vụ khoa học. Còn làm tranh Đông Hồ vừa tận dụng cánh của những con bướm không bảo quản được và cũng là một thú vui.

Ông Hiển cũng tính đến giá trị kinh doanh của nó, song, không phải cho mình mà là cho… người khác. Một bức tranh bướm, theo ông, rẻ cũng có giá 150.000 đồng, đắt thì lên tới vài triệu.

“Đây có thể là cơ hội làm thành nghề mới cho nông dân, nhất là ở những vùng có khí hậu mưa nhiều, nắng ẩm,” ông Hiển nói. Bởi, theo ông, nông dân có thể nuôi côn trùng để phát triển du lịch như: Tranh bướm, móc treo chìa khóa, chặn giấy, cặp tóc bằng bọ xít, ve sầu, mối cánh…

Về mặt “nghiệp vụ”, ông Hiển cho rằng, người nông dân hoàn toàn có thể làm việc này, chỉ cần nắm vững các công đoạn, cẩn thận và sáng tạo là có thể làm tranh bướm.

Ngoài ra, phải biết nồng độ pha chế chất bảo quản hợp lý (nếu quá hay không đủ nồng độ sẽ rút ngắn tuổi thọ của sản phẩm). Chất liệu keo phải đặc biệt để cánh bướm được gắn chắc, nguyên màu sắc…

“Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ miễn phí, miễn sao phát triển được nghề này,” ông Hiển thổ lộ.

Ở những người có điều kiện đầu tư, hai ông khuyên họ xây dựng khu du lịch sinh thái chỉ có… côn trùng. Ở đó, có chỗ tham quan các sản phẩm côn trùng khô tại gian trưng bày, có khu vực nuôi côn trùng, rồi khách thưởng thức những món ăn lạ miệng từ côn trùng, mua quà kỷ niệm từ côn trùng…

Còn về phần mình, họ vẫn nghiên cứu khoa học về côn trùng. Ông Hiển đã thành lập Trung tâm ứng dụng côn trùng học và có một khu nhân nuôi bướm ở Ba Vì (Hà Nội), ông nói sẽ chuyển giao kinh nghiệm cho bà con nông dân.

“Thời gian rảnh rỗi, chúng tôi vẫn tiếp tục làm nốt những bức tranh Đông Hồ từ cánh bướm. Sau đó, sẽ làm tranh về 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S” ông Hiển nói.

Song, những bức tranh ấy cũng chỉ là… để chơi hoặc tặng bạn bè. Chỉ khi nào có người đầu tư, thương mại hóa thì những bức tranh Đông Hồ, hay tranh trang phục của 54 dân tộc của Việt Nam mới phổ biến và có thể trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục