Mâu thuẫn nội bộ trong các chính đảng Anh về Brexit

Dự luật buộc chính phủ Anh phải yêu cầu gia hạn tiến trình Brexit được thông qua trong bối cảnh đảng Bảo thủ của bà May đang rơi vào cuộc “nội chiến” bởi chiến lược Brexit của bà.
Mâu thuẫn nội bộ trong các chính đảng Anh về Brexit ảnh 1Toàn cảnh phiên họp của Hạ viện về vấn đề Brexit ở London ngày 3/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng cnn.com/Reuters, với tỷ lệ sít sao, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật buộc chính phủ Anh phải yêu cầu gia hạn tiến trình Brexit.

Dự luật này, được thông qua với 313 phiếu thuận và 312 phiếu chống, nhằm ngăn chặn Thủ tướng Theresa May đưa Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.

Dự luật này được thông qua trong bối cảnh đảng Bảo thủ của bà May đang rơi vào cuộc “nội chiến” bởi chiến lược Brexit của bà.

Hai bộ trưởng trong chính phủ đã từ chức để phản đối nỗ lực của bà nhằm tìm kiếm thỏa hiệp với lãnh đạo phe đối lập Jeremy Corbyn.

Một trong số các bộ trưởng cấp cao nhất của bà cảnh báo rằng việc kéo dài tiến trình Brexit là điều không thể tránh khỏi.

Các nhân vật cấp cao ở cả 2 chính đảng đã nêu ra triển vọng về một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 để nhận được sự ủng hộ của người dân Anh cho một thỏa thuận nào đó - và để đưa ra lựa chọn ở lại EU.

Trong cuộc bỏ phiếu đầy kịch tính diễn ra gần nửa đêm tại London, các Hạ nghị sỹ đã thông qua dự luật yêu cầu chính phủ Anh đề nghị EU gia hạn cho tiến trình thực hiện Điều khoản 50 - cơ chế pháp lý theo đó Anh sẽ rời khỏi EU.

Hiện tại, thời hạn Anh rời khỏi EU là vào ngày 12/4, nhưng nhiều nhà quan sát hoài nghi về việc bà May có thể giành được ủng hộ cho thỏa thuận ra đi vào thời điểm đó.

[Anh thông qua luật buộc Thủ tướng phải tham vấn về trì hoãn Brexit]

EU cho biết họ để ngỏ trước khả năng gia hạn. Tuy nhiên, đó phải là sự trì hoãn trong thời gian dài, đòi hỏi Anh phải tham gia các cuộc bỏ phiếu Nghị viện châu Âu vào ngày 23/5 tới, một động thái mà bà May kịch liệt phản đối.

Thượng viện Anh sẽ bắt đầu tranh luận về dự luật này vào ngày 4/4. Mục tiêu ở đây là tranh luận về dự luật - vốn cần được Thượng viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland thông qua để trở thành luật - chỉ trong một ngày.

Các thượng nghị sỹ bắt đầu tranh luận về dự luật này từ 10h30 GMT.

Trong diễn biến quan trọng nhất hôm 3/4, bà May đã tổ chức cuộc họp tại văn phòng của bà ở Hạ viện với ông Corbyn và các cố vấn cấp cao của ông. Corbyn miêu tả cuộc họp này “hữu ích nhưng không đem lại kết quả” và rằng sẽ có các cuộc thảo luận thêm vào ngày 4/4.

Ông nói thêm rằng bà May vẫn chưa thay đổi lập trường như ông hy vọng.

Trong khi đó, chính phủ Anh thông báo: “Các cuộc đối thoại mang tính xây dựng, với việc cả hai bên thể hiện sự linh hoạt và cam kết chấm dứt tình trạng bất ổn Brexit hiện nay.”

Chiến lược này đã kích động sự tức giận trong chính đảng của bà May. Nhiều thành viên bảo thủ trong đảng của bà lo ngại rằng bà sẽ bị buộc phải tìm kiếm một Brexit “mềm hơn” - điều sẽ dẫn đến quan hệ gần gũi với EU hơn mức độ cho phép.

Theresa May vấp phải sự công kích trong nội bộ

Trong phiên họp chất vấn Thủ tướng, bà May đã bị công kích “tơi tả” bởi những lời can thiệp thô bạo của các nghị sỹ trong đảng của bà.

Nghị sỹ Julian Lewis đặt câu hỏi: “Tại sao một thủ tướng đảng Bảo thủ, người vẫn nhiều lần nói với chúng ta rằng việc không có thỏa thuận vẫn tốt hơn một thỏa thuận tồi, giờ đây là xích lại gần các nghị sỹ Công đảng để ngăn cản Brexit khi mà hầu hết các nghị sỹ đảng Bảo thủ muốn chúng ta tời khỏi EU một cách dứt khoát trong 9 ngày tới.”

Nghị sỹ đảng Bảo thủ Lee Rowley đã mô tả ông Corbyn là “mối đe dọa lớn nhất với vị thế của chúng ta trên thế giới, với nền quốc phòng và với nền kinh tế của chúng ta.”

Nick Boles, cựu nghị sỹ đảng Bảo thủ, người đã ra khỏi đảng hôm 1/4 sau khi kế hoạch của ông về một Brexit “mềm hơn” không được Hạ viện thông qua, đã đưa ra “một tràng đả kích” giám đốc truyền thông của bà May là Robbie Gibb, nói rằng ông ta có âm mưu làm xói mòn nỗ lực của bà May nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp với ông Corbyn.

Ông Boles viết trên Twitter: “Giám đốc truyền thông Robbie Gibb là một người ủng hộ Brexit một cách cực đoan, người muốn phá hoại nỗ lực của Thủ tướng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận liên đảng.”

Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, một thành viên cấp cao trong nội các của bà May, cho rằng Quốc hội nên bỏ phiếu về việc liệu có tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 hay không - một lựa chọn từng bị bà May bác bỏ.

Phát biểu với ITV, ông Hammond nói: “Đây là đề xuất khả thi, đáng được thử nghiệm tại Quốc hội.”

Ông nói rằng việc trì hoãn Brexit chắc chắn sẽ kéo dài và Anh sẽ phải chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu nếu họ tìm cách gia hạn Brexit.
Chia rẽ trong Công đảng.

Hiện cũng có nhiều dấu hiệu chia rẽ trong Công đảng. Một thành viên cấp cao trong đảng của ông Corbyn đã kêu gọi ông thúc đẩy cuộc trưng cầu ý dân lần 2 như một phần trong thỏa thuận với Thủ tướng.

Emily Thornberry, Ngoại trưởng trong “nội các bóng tối” đã gửi thư cho các nghị sĩ Công đảng nói rằng bất kể thỏa thuận nào với bà May nên bao gồm cuộc bỏ phiếu của người dân.

Một số đồng minh của ông Corbyn cho rằng một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 sẽ làm phật ý những người ủng hộ Công đảng từng bỏ phiếu rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục