Màu xanh trù phú của làng quê Mỹ Lai ngày hôm nay

46 năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát ở Mỹ Lai, trên mảnh đất này, màu xanh của sự sống đã phủ lên những ký ức đau thương.

Làng Hồng tức làng Mỹ Lai-Sơn Mỹ. Cái tên làng Hồng xuất phát từ trong chiến tranh trên bản đồ do công binh Mỹ ấn hành năm 1967.

Vào sáng sớm ngày 16/3 cách đây 46 năm, làng Hồng phủ một màu đen tang tóc khi quân đội Mỹ thảm sát 504 đồng bào vô tội ở vùng quê này.

Vụ thảm sát gây chấn động thế giới và đi vào lịch sử với tên gọi thảm sát Sơn Mỹ.

Kể từ đó, ngày 16/3 hàng năm được lấy làm ngày giỗ chung của đồng bào Sơn Mỹ. 46 năm sau, trên mảnh đất này, màu xanh của sự sống đã phủ lên những ký ức đau thương.

Đất và người ở đây quyện chặt vào nhau, ôm choàng sự sống. Màu xanh trù phú ở làng quê Sơn Mỹ hôm nay như một lời khẳng định, sự sống là bất diệt.

Năm 1967, trên tấm bản đồ do công binh Mỹ ấn hành, cái tên Mỹ Lai đã được khoanh tròn bằng bút chì đỏ với dòng chữ “Khu vực trách nhiệm của Lữ đoàn 2 thủy quân lục chiến,” được quân đội Mỹ gọi với cái tên mỹ miều là làng Hồng.

Ngày 16/3, người dân trong khu vực bị khoanh tròn ấy đã phải hứng chịu một cuộc tàn sát đẫm máu của quân đội Mỹ, Đại đội Charlie do Đại úy Ernest Medina chỉ huy đã sát hại 504 thường dân. Màu hồng trên tấm bản đồ đã thành một màu đen tang tóc.

Sơn Mỹ hôm nay, màu xanh của những đồng lúa trĩu nặng, màu xanh của sự sống đã phủ đầy. Người dân Sơn Mỹ dâng lên hương hồn những người đã khuất bát cơm nấu từ hạt gạo hòa bình - hạt gạo của làng Hồng.

Về Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi), 46 năm sau vụ thảm sát, dù thời gian có thể làm nhòa đi ký ức nhưng nước mắt khi nhớ về quá khứ đau thương vẫn chực trào dâng.

Bên trong khu chứng tích Sơn Mỹ, nhìn những tư liệu hiện vật và tiếp xúc với những người còn sống sót, dường như bên tai họ vẫn vẳng tiếng súng liên thanh, tiếng trẻ con khóc thét, tiếng cầu cứu của người già...

Du khách đến thắp nén hương trước tượng đài Sơn Mỹ để hiểu hơn về làng Hồng, một làng quê xanh tươi, trù phú nằm ở cuối sông Trà Khúc, làng quê của những con người đã vượt qua mất mát của chiến tranh để làm lại cuộc sống.

Chính thế nên trong trường ca ''Trẻ con Sơn Mỹ,'' nhà thơ Thanh Thảo đã viết:

Sơn Mỹ ơi!

Hãy nắm tay nhau mãi mãi dưới Mặt Trời

Cùng băng tới như dòng sông gặp biển

Cùng vàng rực cánh đồng mùa lúa chín

Bản đồng ca no ấm của mọi người.

Dưới ánh Mặt Trời tỏa sáng trong tiết Xuân, làng Sơn Mỹ thật bình yên, nhưng sâu thẳm trong đó là khát khao sống, khát khao vươn lên như bao làng quê đất Việt với lời nhắn nhủ: sự sống là bất diệt./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục