Máy ảnh thành vũ khí

Khi máy ảnh thành vũ khí đấu tranh cho tự do

Những bức ảnh của Gordon Parks như thể tiếng bom dội thêm vào phong trào đòi bình đẳng màu da, tố cáo vấn đề phân biệt chủng tộc
Có gì giống nhau giữa một con dao và một chiếc máy ảnh? Có người trả lời cả hai đều là vũ khí đấu tranh cho tự do,  còn Gordon Parks chọn chiếc máy làm vũ khí đấu tranh. “Tôi có thể dễ dàng cầm khẩu súng, con dao như những người bạn thiếu thời để làm điều gì đó tìm công bằng nhưng tôi không thích kiểu oai hùng như thế, tôi chọn máy ảnh bởi phát hiện ra nó là thứ vũ khí tối thượng có thể diễn tả mọi sự bi phẫn của tôi trong cái thế giới hổ lốn này,” Gordon Parks nhớ lại. Năm 1937 đó, nước Mỹ vẫn còn đắm trong khủng hoảng, nhân quyền, phân biệt chủng tộc vẫn còn nặng nề. Năm đó Gordon Parks 25 tuổi. 25 tuổi, da màu, công việc bấp bênh, gia cảnh tan nát, vợ con nheo nhóc, cần phải tìm một chiếc móc kéo cuộc đời mình lên, Gordon Parks quyết định gom mượn gần 13 USD, ra cửa hàng điện máy nhắm mắt mua luôn một chiếc máy ảnh hiệu Voigtlander. Thật ra Gordon chẳng biết mua máy ảnh để làm gì, phim chưa biết lên, chưa biết tráng rọi thế nào nhưng ông xem ảnh của Jack Delano, Dorothea Lange, Arthur Rothstein, Ben Shahn thấy hiện lên một cách tàn khốc những khổ đau của nước Mỹ nên tự bảo mình rằng “cần phải có một chiếc máy, như là mệnh lệnh cuộc đời”. Nhưng trước khi trở thành tay máy huyền thoại với những bộ ảnh gây sửng sốt tố cáo vấn đề phân biệt chủng tộc, nghèo khổ, thiếu giáo dục, “tại sao người với người không phải là bạn?” thì Gordon đi… chụp dạo.
Khi máy ảnh thành vũ khí đấu tranh cho tự do ảnh 1 Khi máy ảnh thành vũ khí đấu tranh cho tự do ảnh 2
Gordon chụp dạo từ tiệm quần áo này tới cửa hàng thời trang khác cho những mẫu áo quần mới, kiếm tiền qua ngày. Cho tới một hôm, khi vợ của tay vô địch quyền anh Joe Louis thấy ảnh của Gordon có nét riêng mới khuyên ông nên thử tới Chicago và chụp chân dung những nhà hoạt động xã hội ở đấy. Gordon nghe theo ngay, nhưng ông không tới Chicago mà quyết định đi chụp chân dung. Gordon đi chụp nhiều nơi, lang bạt kỳ hồ cuối cùng về đầu quân làm phóng viên tập sự dưới trướng ông trùm Roy Stryker thuộc cơ quan Bảo toàn Nông trại (FSA), nơi đã sản sinh ra 250.000 bức ảnh ghi lại hoàn cảnh khốn khó của nông dân bị thiên tai và giờ trở thành tài sản quốc gia. Bức ảnh kinh điển nhất của Gordon thời kỳ này, và sau đó đưa ông trở thành sao sáng, có tên “American Gothic”, chụp một người phụ nữ lao công da màu, tay phải cầm chổi, mép trái phía sau là cây lau nhà, choán hết phía sau là lá cờ Mỹ, gương mặt người phụ nữ tên Ella Watson như chịu đựng, như chấp nhận hiện tại mà không thể vượt qua được những định kiến xung quanh. Bức ảnh nổi tiếng dữ dội, như thể tiếng bom dội thêm vào phong trào đòi bình đẳng màu da, mọi màu da đều như nhau dưới lá cờ Mỹ. Sự thành công của bức ảnh đã tiếp sức cho Gordon trên con đường tìm kiếm lương tri, nói lên những tiếng nói nhỏ bé của người da màu. Sau khi rời FSA, Gordon làm nhiều việc khác để cuối cùng (1961) ông về đầu quân cho Life trong suốt 20 năm trời với những trọng trách lớn. Gordon cũng là người da màu đầu tiên làm việc tại tạp chí danh tiếng này. Tại Life ông thực sự tỏa sáng với những bộ ảnh về người da màu mà làm dân da trắng phải nhau mày, những bộ ảnh về Malcolm X, Muhammad Ali, về trùm da mun ở khu Harlem, Midtowners, về những đứa trẻ không được đến trường, những cái chết thương tâm, vô gia cư… bùng nổ thành những cuộc luận chiến về màu da ở Mỹ. Ảnh của Gordon thường chỉ đen trắng, bố cục ông chọn thường hài hòa, hiền lành nhưng ánh sáng của nó luôn toát lên sự dữ dội, như “bản cáo trạng rõ nét nhất về mảnh đời của những người da đen hèn kém” (Roy Stryker). Luôn có tính ẩn dụ trong những bức ảnh của ông, một phần muốn hiện ra, phần còn lại muốn nói ra. Năm 1961, bộ ảnh kể về cuộc đời khốn khó của cậu bé Flavio da Silva ở khu ổ chuột Rio de Jainero (Brazil) đã gây rúng động. Hình ảnh cậu bé mắc bệnh suyễn nằm trên giường vì thiếu ăn như đang chờ đợi cái chết, rồi việc cậu dùng bàn tay dơ bẩn vì không có nước rửa đút thức ăn cho cậu em trai nhỏ tuổi… đã làm cho độc giả tờ Life bàng hoàng. Sau đó, họ quyên góp 30.000 USD để “giải cứu” Flavio và tờ Life quyết định đưa cậu đến Mỹ chữa bệnh và tặng ha anh em một căn nhà tử tế hơn ở Brazil. Ngoài chụp ảnh, Gordon có làm phim và viết tiểu thuyết nhưng được nhớ nhiều nhất ở ông vẫn là những bức ảnh kể về cuộc đời khốn khó của những người da màu, những câu chuyện của một thời nước Mỹ./.
(TTVH&Đàn ông/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục