Máy bay quân sự Mỹ Osprey bị phản đối ở Nhật Bản

Người biểu tình địa phương tập trung trên hơn một chục chiếc tàu nhỏ bày tỏ sự phản đối với mẫu máy bay quân sự Osprey MV-22.
Máy bay quân sự Osprey của Mỹ đã tới Nhật vào sáng ngày thứ Hai trong một cuộc biểu tình rầm rộ của người dân bản địa bởi những vụ va chạm mới đây của tàu này gây ra quan ngại về an ninh.

Cảnh quay trực tiếp trên truyền hình cho thấy những chiếc máy bay Osprey MV-22 được bốc dỡ từ một tàu chở hàng tại căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ ở Iwakuni, tây Nhật Bản.

Người biểu tình địa phương tập trung trên hơn một chục chiếc tàu nhỏ bày tỏ sự phản đối với mẫu máy bay này. Họ hô vang: “Chúng tôi không muốn máy bay Osprey nguy hiểm!” và “Osprey, cút về Mỹ!" Cuộc biểu tình sẽ kéo dài suốt ngày hôm nay, theo lời người tổ chức Kiyoshi Oka nói với AFP qua điện thoại.

Dù các chính quyền địa phương ở Nhật không có thẩm quyền từ chối kế hoạch triển khai vũ khí của Mỹ tại căn cứ, cảm giác thù ghét, đặc biệt là người dân ở đảo Okinawa, có thể khiến chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda thêm mất uy tín.

Quân đội Mỹ dự định triển khai đầy đủ máy bay Osprey ở Okinawa vào tháng 10 trong khi thống đốc quần đảo cận nhiệt đới này của Nhật đã lên án kế hoạch do quan ngại về an toàn.

Sau khi kiểm tra ở Iwakuni, máy bay này sẽ tới căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ ở Futenma, Okinawa - trung tâm của một cuộc tranh cãi kéo dài vì nó nằm ở một khu dân cư đông đúc.

Một cuộc biểu tình khác được tổ chức bên ngoài Futenma vào thứ Hai khi những người biểu tình giơ cao các băngrôn phản đối, theo Jiji Press.

Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Okinawa, chiếm một nửa trong tổng số 47.000 quân Mỹ đồn trú ở Nhật Bản, khiến người dân ở quần đảo này rất giận dữ.

Quan ngại liên quan tới Osprey xuất hiện sau khi hai nước thống nhất một thỏa thuận đầu năm nay theo đó Mỹ sẽ chuyển 9.000 lính thủy đánh bộ khỏi Nhật Bản nhằm làm dịu bớt xung đột trong quan hệ Tokyo-Washington vì sự hiện diện quân sự của Mỹ.

Osprey là loại máy bay hỗn hợp có cánh quạt giúp cất cánh như một trực thăng và động cơ đẩy về phía trước giúp nó hoạt động như một máy bay phản lực. Chiếc máy bay này gặp nhiều trục trặc vào đầu những năm 1990, nhưng các quan chức Mỹ đảm bảo các sự cố đã được khắc phục.

Một máy bay CV-22 Osprey của không quân Mỹ từng gặp nạn ở Florida hồi tháng Sáu khiến năm người trong phi hành đoàn bị thương. Giới chức Mỹ nói nguyên nhân tai nạn không phải là do vấn đề kỹ thuật.

Hồi tháng Tư, một chiếc MV-22 Osprey khác gặp nạn ở Morocco khiến hai lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng.

Thị trưởng Iwakuni và ba thành viên khác trong Đảng Dân chủ Nhật Bản của ông Noda đã lên tiếng phản đối việc triển khai máy bay Osprey. Tuy nhiên, đại sứ quán Mỹ ở Nhật Bản ngày 23-7 ra một tuyên bố nói việc triển khai máy bay này “là rất quan trọng trong việc đảm bảo các cam kết của Mỹ về cung cấp an ninh cho Nhật Bản và giúp duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”./.
   
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục