MB, Hamas bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom Mansoura

Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập cáo buộc Anh em Hồi giáo và phong trào vũ trang Hamas của Palestine dính líu tới vụ đánh bom tại Mansoura cuối tháng 12/3013.

Ngày 2/1, Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim cáo buộc tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và phong trào vũ trang Hamas của Palestine có dính líu tới vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào một đồn cảnh sát tại thành phố Mansoura hồi cuối tháng 12 vừa qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Ibrahim chỉ trích Hamas - đang kiểm soát Dải Gaza của Palestine - đã "hỗ trợ hậu cần" cho những kẻ khủng bố thực hiện vụ tấn công nói trên.

Cảnh sát đã bắt giữ bảy người, trong đó có con của một thủ lĩnh MB. Một trong những nghi phạm thú nhận đã tham gia khóa huấn luyện quân sự tại Gaza và dính líu tới nhiều vụ tấn công khác tại thành phố miền Bắc này.

Trước đó, ngày 24/12/2013, một xe bom đã phát nổ gần trụ sở cảnh sát thành phố Mansoura khiến 16 người thiệt mạng và hơn 130 người khác bị thương, đồng thời phá hủy một phần tòa nhà và làm hư hại một ngân hàng, một nhà hát và tòa thị chính nằm gần đấy.

Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào lực lượng an ninh Ai Cập kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi đầu tháng 7/2013.

Nhóm thánh chiến Hồi giáo Ansar al-Bait Maqdis ở Bán đảo Sinai đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom liều chết này cũng như các vụ tấn công khác trong thời gian gần đây, trong đó có vụ ám sát bất thành ngày 5/9/2013 nhằm vào chính Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim.

Trong khi đó, cùng ngày, Hamas đã lên tiếng phủ nhận mọi sự dính líu đến các cuộc tấn công ở Ai Cập, đồng thời cho rằng các cáo buộc nói trên là "sai lầm và vô căn cứ."

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Facebook, người phát ngôn của Hamas nhấn mạnh rằng những cáo buộc về sự dính líu của phong trào này trong vụ đánh bom ở Mansoura là một "âm mưu nhằm xuất khẩu cuộc khủng hoảng nội bộ ở Ai Cập."

Trong một diễn biến khác, ngày 2/1, Tòa án phúc thẩm Cairo đã ấn định ngày 28/1 tới sẽ tiến hành phiên xét xử thứ ba đối với ông Mohammed Morsi vì tội tổ chức vượt ngục vào đầu năm 2011 với sự hỗ trợ của các phiến quân nước ngoài.

Cùng bị đưa ra xét xử với ông Morsi còn có 132 người khác, trong đó có thành viên của các phong trào Hamas ở Palestine, Hezbollah ở Liban, và một số lãnh đạo cấp cao của MB như Mohamed Saad El-Katatni, Essam El-Erian, Mohamed El-Beltagy và Safwat Hegazy.

Ông Morsi và các nhân vật nói trên bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công nhà tù Wady al-Natroun, bắt cóc và sát hại hơn 50 sỹ quan cảnh sát vào ngày 28/1/2011, thời điểm bùng phát làn sóng nổi dậy lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Theo cơ quan công tố Ai Cập, trong giai đoạn này, MB, Hamas và phong trào Hezbollah ở Liban đã tấn công một số nhà tù ở Ai Cập để giải thoát hơn 20.000 tù nhân, trong đó có thành viên của các lực lượng này.

Đây là lần thứ ba ông Morsi bị buộc tội kể từ sau khi bị quân đội Ai Cập phế truất.

Trước đó, ông Morsi cùng với một số thủ lĩnh khác của MB đã bị buộc tội kích động bạo lực, giết hại những người biểu tình đối lập trước cửa Dinh Tổng thống ở Cairo hồi cuối năm 2012 và dự kiến sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 8/1 tới.

Hồi đầu tuần này, ông Morsi cũng bị buộc tội làm "gián điệp" và tiếp tay cho các hoạt động "khủng bố."

Nhật báo Almasry Alyoum ngày 2/1 dẫn thông báo của Ủy ban bầu cử tối cao Ai Cập (SEC) cho biết 16.000 thẩm phán sẽ tham gia giám sát cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp dự kiến diễn ra vào ngày 14-15/1 tới.

Ngoài ra, tham gia giám sát cuộc trưng cầu dân ý còn có 45.000 nhân viên tòa án và 6.341 nhân viên các cơ quan tư pháp khác của Ai Cập, cũng như các tổ chức quốc tế như Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu, Nghị viện Arab và một số đại sứ quán nước ngoài tại Cairo.

Cùng ngày, các chính đảng Ai Cập đã khởi động chiến dịch kêu gọi người dân đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp sắp tới.

Đảng Trào lưu Nhân dân, phối hợp với các đảng Dân chủ Xã hội, Hiến pháp và các thành viên của Ủy ban sửa đổi hiến pháp dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tuần hành và hội thảo tại tỉnh Giza trong ngày 3/1.

Trong khi đó, các đảng Tagammu, Nasserite, Karama, Cộng sản, phong trào Kefaya và phong trào Tamarod sẽ tổ chức tuần hành tại tỉnh Minya vào ngày 4/1.

Trong một diễn biến khác, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Thông tin và Ủng hộ quyết định thuộc Nội các Ai Cập công bố ngày 2/1, có tới 82,8% số người được hỏi khẳng định sẽ tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp trong hai tuần tới, cao hơn mức 78,3% trong cuộc điều tra được tiến hành vào ngày 21/12 vừa qua.

Cũng trong ngày 2/1, Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB dẫn đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi - đã kêu gọi những người ủng hộ tham gia biểu tình trong ngày 3/1 tại quảng trường Rabaa al-Adawiya và quảng trường Hegaz, cũng như trước cửa các Dinh Tổng thống Ittihadiya và Qubba ở Cairo nhằm phản đối cuộc trưng cầu dân ý.

Trong một tuyên bố, NASL cũng cho biết đang có kế hoạch phát động một cuộc biểu tình ngồi tại các địa điểm nói trên cho tới ngày diễn ra trưng cầu ý dân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục