“Mê cung cổ đại” không phải nằm ở Knossos?

Một nhóm nhà khảo cổ gần đây đã khẳng định mỏ đá bị lãng quên trên hòn đảo Crete, Hy Lạp mới chính là mê cung cổ đại (Labyrinth).
Một nhóm nhà khảo cổ gần đây đã khẳng định mỏ đá bị lãng quên trên hòn đảo Crete (Hy Lạp) mới chính là mê cung cổ đại (Labyrinth), nơi nhốt quái vật nửa người nửa bò Minotaur trong thần thoại Hy Lạp. Các nhà khảo cổ Anh và Hy Lạp đã thám hiểm mỏ đá nói trên trong mùa Hè qua. Họ tin rằng di chỉ này, nằm gần thành phố Gortyn ở phía Nam của đảo Crete, mới chính là mê cung được nói đến trong thần thoại Hy Lạp, nếu quả thật có một mê cung như thế. Trước đây người ta vẫn cho rằng mê cung đó là cung điện Minoan tại di chỉ Knossos, cách mỏ đá ở đảo Crete 20 dặm. Nhờ được tiếng có “mê cung cổ đại” mà Knossos hàng năm đón khoảng 600.000 khách tham quan. Ai đến đây cũng được nghe kể rằng Minotaur đã bị Vua Minos huyền thoại nhốt trong cung điện này. Theo truyện cổ Hy Lạp, Hoàng hậu Pasiphae ngủ với bò đực và đẻ ra Minotaur. Ông Nicholas Howarth, nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford, người phụ trách nhóm khảo cổ, nói rằng sở dĩ di chỉ Gortyn bị lãng quên trong câu chuyện về mê cung vì địa danh Knossos đã được gáncho là “mê cung cổ đại” từ rất lâu rồi. Mọi người đến Knossos không chỉ để ngắm phế tích của một cung điện cổ được khai quật mà còn muốn gắn kết nó với thế giới thần thoại Hy Lạp. Các hang đá gần Gortyn, được người địa phương gọi là Labyrinthos, có những đường hầm dài 2,5 dặm đan xen với các căn phòng và ngõ cụt. Ngay từ thời Trung cổ, nơi này đã đón nhiều vị khách từ phương xa tới tìm hiểu về mê cung trong truyện cổ Hy Lạp. Nhưng kể từ khi di chỉ Knossos được phát hiện vào cuối thế kỷ 19 thì các hang đá đó đã bị chìm vào quên lãng. Theo ông Howarth, hang Labyrinthos ở Gortyn tối om, gây cảm giác rùng rợn và khiến người ta rất dễ bị lạc, còn giả thuyết cho rằng cung điện ở Knossos là mê cung thì không đáng tin cậy. Ngoài Knossos và Gortyn, còn một quần thể hang động khác ở Skotino nằm trong đất liền của Hy Lạp cũng có khả năng là nơi tọa lạc của mê cung huyền thoại. Nhưng ông Andrew Shapland, người phụ trách Phòng Kỷ nguyên đồ đồng Hy Lạp tại Bảo tàng Anh ở London, không đồng tính với ý kiến của Howarth. Ông nói: “Knossos là di chỉ có tính thuyết phục hơn vì nó được dựa theo truyền thuyết cổ xưa chứ không phải truyền thuyết sau này do khách tham quan dựng nên. Hơn nữa, Knossos còn được đề cập trong tác phẩm của thi hào cổ đại Homer. Nếu mê cung đó có thật thì Knossos mới chính là nơi về sau Một mô hình mê cung đã được đưa vào thần thoại Hy Lạp”.
Labyrinthos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là mê cung, mê lộ. Đầu tiên, đây vốn là một cái vườn rất rộng trên đảo Crete. Trong vườn có nhiều lối đi chằng chéo. Tại giao điểm của các lối đi thường có những cây cao hay lâu đài giống nhau khiến người ta dễ bị nhầm lẫn.

Về sau trên đảo này lại có một mê cung khác được xây nên với những bức tường và công trình kiến trúc giống hệt nhau. Những người lạc vào đó có thể sẽ không bao giờ tìm được lối ra.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục